Ảnh minh hoạ
Theo Nghị định 100, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có công văn điều chỉnh lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Theo điều chỉnh mới, lãi suất cho vay là 6,6%/năm, cao hơn 1,8% và tăng 1,37 lần so với mức lãi suất cho vay trước ngày 1/8 là 4,8%/năm theo Quyết định 486.
Với lãi suất mới, người mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ bị áp lực do số tiền trả lãi vay hàng tháng tăng lên rất cao.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) lấy ví dụ: Ngày 1/6, vợ chồng anh A mua nhà ở xã hội với giá 1 tỉ đồng và được vay 800 triệu đồng trong 20 năm với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm. Số tiền lãi phải trả trong tháng 6, 7 là khoảng 3,2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/8 khi áp dụng lãi suất mới 6,6%/năm thì anh A phải trả lãi vay mỗi tháng 4,38 triệu đồng, tức phải chi thêm hơn 14 triệu đồng mỗi năm ngoài tính toán ban đầu.
HoREA cho rằng không nên tính chung chính sách giữa đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội tại khu vực đô thị với hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ.
HoREA cho rằng, việc tăng như trên là chưa phù hợp với bản chất của khoản vay nhà ở xã hội. Mức lãi suất 6,6% không chỉ tăng 1,37 lần với trước đây mà còn cao hơn lãi suất vay 5% của gói 30.000 tỷ đồng.
Hiệp hội kiến nghị tiếp tục thực hiện quy định lãi suất cho vay 4,8%/năm theo Quyết định 486 của Thủ tướng. Nhưng theo Hiệp hội này, tốt nhất là nên xem xét, áp dụng mức lãi suất cho vay 3%/năm với người mua, thuê mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đồng thời đề nghị Thủ tướng xem xét, giảm mức lãi vay đối với hộ nghèo vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội từ 6,6%/năm xuống 3-4,8%/năm, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn. Giữ nguyên mức lãi vay 4,8% mỗi năm với khoản vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo sự ổn định, nhất là trong lúc người mua nhà còn đang khó khăn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, bản chất của khoản vay khi thuê, mua nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội mang tính trung, dài hạn đến 25 năm, khác với khoản vay ưu đãi dành cho hộ nghèo chỉ khoảng 3 năm trở lại. Việc áp dụng lãi suất vay trung, dài hạn giống như khoản vay cho vay hộ nghèo sẽ làm cho người vay bất an, bởi lãi suất có thể tiếp tục thay đổi, thậm chí điều chỉnh hằng năm.
Theo báo cáo mới nhất của các địa phương, từ 2021 đến nay, cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô hơn 561.800 căn. Trong đó, 79 dự án hoàn thành cung cấp khoảng 40.700 căn hộ. Số này chỉ bằng 7,2% quy mô các dự án được triển khai.
Người mua nhà ở xã hội hiện có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi theo ba kênh, gồm; vay từ ngân hàng chính sách xã hội với mức lãi vay trước 1/8 là 4,8% một năm, sau 1/8 là 6,6%/năm; vay từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (hiện đã tăng lên 140.000 tỷ đồng) với lãi suất thấp hơn lãi thương mại của bốn ngân hàng thương mại nhà nước 1,5-2%; các chương trình về nhà ở cho các đối tượng chính sách.
Khiêm Phạm