TNV - Người bạn gửi một bức ảnh và nói rằng, rừng Việt Nam bị tàn phá quá nhiều chính là nguyên nhân bị ông trời trừng phạt sau cơn đại hồng thuỷ lần này ở các tỉnh miền Trung.
Ơ hay, chẳng lẽ những quốc gia từng hứng chịu những cơn đại hồng thuỷ đều do thiên nhiên trừng phạt? Nhiều thành phố, cộng đồng người trong lịch sử bị nhấn chìm xuống biển sâu đều do thiên nhiên trừng phạt?
Nhớ cơn bão Damrey (bão số 12) đổ bộ vào Nam Trung Bộ và quét qua một phần Nam Tây Nguyên ngày 4-11-2017 làm 107 người chết, 16 người mất tích và 342 người bị thương. Hơn 165.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó hơn 3.500 nhà bị thiệt hại hoàn toàn. Tổng giá trị thiệt hại sau cơn bão theo công bố của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là gần 1 tỉ USD là do sự trừng phạt của thiên nhiên vì phá rừng đó sao? Và thử đặt lại câu hỏi, tất cả diện tích rừng còn nguyên sơ thì bão lũ sẽ không bao giờ biết đến để “ghé thăm” Việt Nam?.
Tàn phá rừng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hệ luỵ cho con người mỗi khi mưa lũ đổ về. Cây sẽ cản nước, làm cho dòng chảy chậm lại, nhiều cây sẽ giảm được độ xói mòn mỗi khi mưa bão lớn, cản được sức gió trong quá trình bão di chuyển...có điều, sự chống đỡ của rừng trước những cơn đại hồng thuỷ chắc chắn vỡ trận, bởi rừng có đứng yên thì nước vẫn cứ dâng cao, nước càng lớn "tức nước thì vỡ bờ", giống như vỡ đập tràn, đập chứa nước bị quá tải vậy đó.
Đối với khu vực miền Trung, với đặc điểm tự nhiên mưa lũ lớn, lòng sông dốc và hẹp, cửa sông bị sa bồi và thay đổi qua từng năm, nhiều vùng địa chất yếu... nên thường xuyên chịu tổn thất lớn về người và tài sản trong mùa lũ hàng năm để thấy rằng, không hẳn bởi con người và cũng đừng đổ thừa hết cho nhân tai. Thiên nhiên, bão lũ chọn miền trung chứ không phải người miền trung chọn bão lũ, bởi lẽ, bão lũ thường bắt nguồn từ biển và cũng không phải lần này những cơn bão lại chọn khúc ruột miền trung mà năm nào cũng vậy, miền trung hứng chịu nhiều nhất, thiệt hại nhiều nhất bởi những cơn bão lũ tàn phá.
Xin đừng lấy nước bạn Lào, Thái Lan để rồi so sánh, đổ thừa rừng Việt Nam bị tàn phá nhiều, xây dựng nhiều đập thủy điện nên thiên nhiên trừng phạt, nói vậy chưa hẳn đã đủ đầy. Bão hình thành từ biển, rồi vào đất liền, khúc ruột miền Trung gắn liền với biển, sát biển đã gánh chịu và gánh thay nhiều địa phương khác trong cả nước, thậm chí các nước bạn nằm sâu ở phía trong có chăng chỉ bị tác động nhẹ, bảo di chuyển càng xa, sức gió, lượng mưa sẽ giảm nhẹ lại.
Chớ đổ thừa, bởi không riêng khúc ruột miền Trung Việt Nam phải gánh chịu những cơn đại hồng thuỷ như lần này, bởi nhìn rộng ra, những quốc gia, bán đảo gần biển, sát biển như Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Đài Loan...năm nào cũng gánh chịu những trận bão lũ tàn phá.
Theo thống kê, từ năm 1992 đến nay, nước Mỹ đã gánh chịu 8 trận bão kinh hoàng, bão Andrew ập vào bang Florida ngày 26-8-1992 khiến hơn 50 người thiệt mạng, thiệt hại vật chất lên tới 45 tỉ USD; bão Wilma tràn qua vùng Fort Lauderdale, Florida ngày 25-10-2005, khiến hơn 30 người chết, thiệt hại vật chất lên tới 20 tỉ USD; bão Ivan tàn phá vùng Pensacola và Santa Rose của bang Florida ngày 16-9-2004 làm hơn 100 người chết, thiệt hại gần 20 tỉ USD...
Ta-lét (khoảng 624 TCN – khoảng 546 TCN), là một triết gia, một nhà toán học người Hy Lạp sống trước Socrates, người đứng đầu trong bảy nhà hiền triết của Hy Lạp đã nói rằng "bản nguyên của thế giới là nước, nước sinh ra và nhấn chìm tất cả" dù không đầy đủ nhưng chắc chắn một điều giông bão đã có từ rất lâu, thậm chí có trước con người và đã gieo nỗi khiếp sợ cho con người.
Chớ đừng đổ thừa cho nhân tai tất cả, bởi con người luôn yếu đuối trước thiên nhiên, nhỏ bé trước giông bão. Rừng có một giá trị không phải bàn cãi, trồng thật nhiều rừng để mỗi khi mưa to, bão lớn có thời gian để thoát thân nhưng nếu nước cứ dâng, mưa mỗi lần một nhiều phải có thêm những giải pháp khác "nước dâng thì thuyền dâng" mới hợp lẽ.
Trồng thật nhiều rừng, đúng nhưng vẫn chưa đủ, bởi tất cả diện tích trên đất nước này đều là rừng thì không gian sống của con người sẽ ở đâu, sự sinh tồn của con người ở đâu, mọi sự phát triển của khoa học kỹ thuật sẽ đặt ở đâu? tại sao các nhà máy điện không đặt ở đồng bằng, nông thôn, giáp biển? nếu không có điện con người sẽ thỏa mãn đủ nhu cầu cuộc sống chưa? Sao bão lũ không chọn sa mạc, và con người ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa một lần nếm trải những cơn bão đi qua trong cuộc đời.
Chớ quen miệng rồi mỗi khi có bão lũ lớn ào về lại đổ thừa bởi phá rừng, đổ thừa hết do con người quản lý yếu kém, cơ chế yếu kém bởi bão lũ không có lương tri, bão lũ nó như một con quái thú, vận hành theo lẽ tự nhiên, và chỉ những quốc gia gần biển luôn phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, đó là chưa nói đến lẽ tất yếu chính con người, sự mưu cầu hạnh phúc, nhu cầu cuộc sống như không gian, chỗ ở, nơi canh tác, điện sáng…góp phần để thiên tai, bão lũ ngày một trầm trọng hơn.
Nước Mỹ vĩ đại, Nhật Bản là quốc gia rừng nguyên sinh chiếm diện tích rất lớn...cũng đành bất lực trước những cơn đại hồng thuỷ. Nhiều nước Âu châu, luôn tự hào có nền văn minh đầu tiên của nhân loại nhưng đã khi nào chiến thắng trước bão lũ chưa?
Không ai muốn nhìn thấy, trải qua những giây phút đau thương trước bão lũ và đừng lợi dụng sự đau thương của đồng bào mình để sinh bệnh đổ thừa bởi những cơn bão lũ vẫn đang hoành hành trên thế giới, có thể hôm nay, có thể ngày mai, thậm chí tàn phá hơn ta tưởng.
Bão lũ không bao giờ mất đi, thậm chí còn tàn phá khủng khiếp hơn những gì đã qua, qua bão lũ mới thấm việc giữ rừng, trồng rừng như một lẽ thuận tự nhiên, rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên lưu trữ một lượng gỗ lớn của đất nước cũng như giúp ngăn ngừa các hiện tượng của tự nhiên như thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, cát lấn. Bảo vệ rừng chính là bảo vệ lá phổi của chính mình nhưng cũng không tuyệt đối hóa mọi thứ bắt nguồn từ rừng, bởi nước cũng có thể nhấn chìm tất cả.
Xin bớt đổ thừa, hãy chia sẻ yêu thương, cùng nhau vượt qua bão lũ lúc này mới là người có lương tri và trách nhiệm, mạng sống con người mới là tất cả, có sức người rừng lại phủ xanh thôi.
Nguyễn Ngọc