Con đường xóa sổ đại dịch Covid-19 vẫn còn rất dài và đầy những điều không chắc chắn. Nhiều quốc gia đang dựa vào vaccine để xây dựng miễn dịch cộng đồng trong dân số nhằm khiến cho sự lây lan của virus SARS-CoV-2 chậm dần và cuối cùng sẽ dừng lại. Tuy nhiên, thậm chí cả khi việc phân phối vaccine đạt hiệu quả cao thì sự miễn dịch có lẽ vẫn không thể đạt được mức độ đó trong thời gian ngắn.
Ảnh minh họa: Bloomberg
Một trong những lý do là không ai biết mức độ miễn dịch cộng đồng cần đạt được là bao nhiêu và liệu vaccine có đủ hiệu quả để đạt được mức độ đó hay không. Ngoài ra, mối đe dọa của những biến thể mới cũng đang làm suy yếu tính hiệu quả của trong quá trình tạo ra miễn dịch.
Đại dịch Covid-19 có thể bị xóa sổ hay không?
Câu trả lời là không. Cho tới nay, chỉ có duy nhất một dịch bệnh ở con người chính thức bị xóa sổ là bệnh đậu mùa. Điều đó tức là sẽ không còn ca mắc bệnh nào nữa và việc này phải được duy trì trong một thời gian dài mà không cần thực hiện liên tục các biện pháp can thiệp. Bệnh đậu mùa bị xóa sổ là nhờ một loại vaccine có hiệu quả cao và trên thực tế, con người là loài động vật có vú duy nhất có thể nhiễm virus variola gây nên dịch bệnh nguy hiểm này. Con người cũng là vật chủ duy nhất nhiễm virus gây bệnh bại liệt, dịch bệnh hiện vẫn lây lan ở một vài quốc gia bất chấp việc sử dụng hiệu quả vaccine ngăn ngừa dịch bệnh và nỗ lực xóa sổ nó trong 32 năm của nhân loại. SARS-CoV-2 được cho là tồn tại trong tự nhiên ở loài dơi móng ngựa, đồng thời có thể lây nhiễm cho mèo, chồn, khỉ đột và một số loài động vật khác.
Việc xóa sổ dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi phải ngăn chặn virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào một số loài, điều khó có thể thực hiện ở thời điểm này khi mà nguồn gốc về virus hiện vẫn chưa rõ ràng.
Khi nào thì một dịch bệnh được coi là “xóa sổ”?
Một dịch bệnh được coi là xóa sổ là khi số ca mắc tiến về con số 0 ở một khu vực nhất định và được duy trì liên tục trong một khoảng thời gian. Không có định nghĩa chính thức nào về thời gian mà một dịch bệnh được xóa sổ. Một đề xuất được đưa ra là quãng thời gian này nên là 28 ngày, gấp đôi thời gian từ lúc ủ bệnh cho tới lúc phát bệnh của người nhiễm virus SARS-CoV-2. Một số quốc gia, chẳng hạn như New Zealand đã không ghi nhận số ca mắc nào trong một thời gian dài nhờ các biện pháp đóng cửa biên giới, phong tỏa, phát hiện kịp thời và cách ly các ca mắc mới.
Trong một đại dịch, khi đợt bùng phát số ca mắc mới diễn ra trên khắp các châu lục, việc xóa sổ vĩnh viễn bất kỳ dịch bệnh truyền nhiễm nào ở phạm vi quốc gia đều là một thách thức, nếu không muốn nói là nhiệm vụ bất khả thi bởi mối đe dọa virus xâm nhập vào quốc gia đó từ các du khách nước ngoài mắc bệnh.
Vaccine có thể xóa sổ dịch bệnh Covid-19 hay không?
Rất khó để khẳng định về việc này. Hiện vẫn chưa rõ tỷ lệ dân số cần được tiêm vacccine là bao nhiêu để đạt được mức độ miễn dịch có thể ngăn virus lây lan. Một nghiên cứu ước tính rằng, để ngăn cản sự lây nhiễm của dịch bệnh, tỷ lệ miễn dịch cần đạt được của dân số là từ 55 - 82%. Sự miễn dịch này có thể đạt được qua việc hồi phục sau khi mắc bệnh hoặc qua vaccine.
Tuy nhiên, miễn dịch cộng đồng đã không thể đạt được ở Manaus, thủ phủ bang Amazonas của Brazil, sau khi khoảng 76% dân số mắc bệnh. Dù vậy, chúng ta vẫn có lý do để tin rằng việc tiêm chủng vaccine diện rộng sẽ có hiệu quả mạnh mẽ hơn bởi vaccine sẽ đem đến sự bảo vệ lâu dài thay vì chỉ trong một thời gian ngắn như việc đạt được miễn dịch sau khi mắc Covid-19.
Vaccine có hiệu quả như thế nào?
Hiện nay có những bằng chứng thuyết phục cho thấy vaccine Covid-19 có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây lan cũng như mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh này. Các cuộc thử nghiệm lâm sàng của Pfizer/BioNTech và Moderna cho thấy vaccine của họ có hiệu quả tới 95%. Tiêu chuẩn vàng của vaccine là ngăn ngừa dịch bệnh lây nhiễm và cung cấp khả năng miễn dịch cho con người. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đạt được. Chẳng hạn như với vaccine phòng sởi, để ngăn ngừa sự lây nhiễm, những người không mắc bệnh cũng phải tiêm vaccine. Ngoài ra, vaccine có hiệu quả trong việc ngăn tình trạng bệnh diễn biến nghiêm trọng song lại ít có hiệu quả trong việc kiểm soát sự lây lan.
Tuy nhiên, một nghiên cứu về vaccine Covid-19 của Moderna đã cho kết quả khả quan khi vaccine này có khả năng làm giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Các cuộc thử nghiệm lâm sàng sử dụng vaccine của AstraZeneca thì lại cho thấy vaccine này có hiệu quả chưa tới 60% trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm. Điều này khiến chúng ta không thể đạt được miễn dịch cộng đồng, ngay cả khi mọi người đều được tiêm 2 liều vaccine này.
Các biến thể của virus SARS-CoV-2 có ảnh hưởng như thế nào?
Virus SARS-CoV-2 càng lan rộng thì nó càng có cơ hội để biến chủng theo những cách khác nhau nhằm tăng khả năng lây nhiễm và thoát khỏi hệ miễn dịch đạt được qua lây nhiễm tự nhiên hoặc tiêm vaccine. Điều này khiến cho việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan trở nên thách thức hơn bao giờ hết.
Trong những tháng gần đây, các biến thể mới đã lần lượt được ghi nhận ở Anh, Nam Phi và Brazil, nơi đại dịch Covid-19 diễn biến đặc biệt nghiêm trọng và gây ra những mối lo ngại to lớn.
Các nghiên cứu tiết lộ những biến thể mới này có khả năng lây nhiễm cao hơn và một số bằng chứng còn cho thấy một số loại vaccine có hiệu quả thấp hơn trong việc bảo vệ cơ thể trước các biến thể này. Các nhà sản xuất thuốc đều khẳng định vaccine của họ vẫn hiệu quả mặc dù một số bên đang xem xét về những phiên bản mới của vaccine để ứng phó với các biến thể trên.
Một số nhà nghiên cứu cũng cảnh báo vaccine cần được "nâng cấp" để duy trì tính hiệu quả nó trong một thời gian nhất định.
Có phải vaccine Covid-19 sẽ kiểm soát các ca mắc mới?
Câu trả lời là không. Vacicne không phải là công cụ hoàn hảo để làm điều này. Nhà vaccine học New Zealand Helen Petousis-Harris đã chỉ ra rằng virus rota gây ra bệnh tiêu chảy cấp và bệnh thủy đậu mà những minh chứng về dịch bệnh cho thấy "việc xóa sổ dịch bệnh thông qua sử dụng vaccine sẽ rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa dịch bệnh nghiêm trọng, khá hiệu quả trong việc ngăn ngừa bất kỳ dịch bệnh nào nhưng sẽ không thể hoàn toàn ngăn được dịch bệnh lây nhiễm cho tất cả mọi người".
Bởi vì sự lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 xảy ra chủ yếu do tiếp xúc với các giọt bắn từ đường hô hấp khi một người tiếp xúc gần với người mắc bệnh, nên vaccine được điều chế để ngăn ngừa dịch bệnh này cần phải làm giảm lượng virus trong đường hô hấp hoặc làm giảm hệ số lây nhiễm.
Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định với báo giới hôm 25/1 rằng thay vì tập trung vào việc xóa sổ virus SARS-CoV-2, thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 được đánh giá bằng việc "làm giảm nguy cơ tử vong hoặc phải nhập viện, cũng như ngăn virus phá hủy đời sống kinh tế và xã hội của chúng ta".
Điều gì xảy ra nếu không thể xóa sổ Covid-19?
David Heymann, chủ tịch Nhóm Cố vấn Kỹ thuật và Chiến lược của WHO cảnh báo hồi cuối năm 2020 rằng, virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục gây nên dịch bệnh trên thế giới. Virus này sẽ tiếp tục lây lan trong cộng đồng, thường gây nên số ca mắc tăng cao trong một khoảng thời gian khi nguyên nhân của việc lây lan này là do các hành vi của con người.
Hiện vẫn chưa rõ dịch bệnh Covid-19 sẽ diễn biến như thế nào nhưng các nhà nghiên cứu đã bắt đầu mường tượng các viễn cảnh. Những người khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 và những người được tiêm vaccine có thể sẽ được bảo vệ trước dịch bệnh này trong một khoảng thời gian. Khi ngày càng nhiều người phát triển hệ miễn dịch theo cách này, virus SARS-CoV-2 sẽ tìm cách xâm nhập vào những người chưa phát triển miễn dịch, khi mà miễn dịch cộng đồng chưa đạt được để bảo vệ toàn bộ dân số khỏi dịch bệnh. Điều đó tức là những người không thể tiêm vaccine, có thể do hệ miễn dịch của họ bị tổn thương, hoặc do bị dị ứng với các thành phần của vaccine hay những người còn quá nhỏ (chưa có loại vaccine nào ở các nước phương Tây được thông qua để sử dụng cho trẻ em), vẫn là những đối tượng dễ bị tổn thương.
Dù vậy, một số nhà khoa học dự đoán, khi dịch bệnh chủ yếu chỉ có thể có lây nhiễm ở trẻ em, virus SARS-CoV-2 sẽ không khác gì virus gây bệnh cảm lạnh thông thường./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo: Washington Post