TNV - Sáng ngày 16/5, taị Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo Diễn đàn doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn Bất động sản 2019.
Tới dự có: ông Nguyễn Trần Nam - Nguyên Thứ Trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cùng các doanh nhân, doanh nghiệp; các hiệp hội doanh nghiệp, môi giới bất động sản, và các chuyên gia, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với chủ đề: “Diễn đàn Bất động sản 2019 - Xu hướng đầu tư”, các nhà chuyên môn đã tập trung phân tích, mổ sẻ nhiều vấn đề như chính sách vốn và tín dụng bất động sản; giải pháp kiềm chế cơn sốt đất nền; chính sách thuế…
Ông Nguyễn Trần Nam - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội
Bất động sản Việt Nam phát biểu tại diễn đàn
Phân tích về tình hình kinh tế, đầu tư kinh doanh, ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh: Hầu hết các lĩnh vực kinh tế trong nước đều ổn định và đang trên đà phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, có hai chỉ số quan trọng vẫn tích cực ảnh hưởng tới thị trường bất động sản, đó là: giải ngân vốn FDI tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái và mức độ tiêu dùng của Việt Nam vào hàng cao trong khu vực …
Song, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, các chỉ số trên lại đang có dấu hiệu giảm sút, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán giảm. Kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; dòng vốn đầu tư chuyển tới các khu vực suy giảm… Thị trường bất động sản về trung và dài hạn sẽ có nhiều biến động.
T oàn cảnh buổi diễn đàn.
Báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản VN cho thấy lượng hàng hóa về nhà cửa, chung cư, căn hộ biệt thự tại Hà Nội và TP. HCM đưa ra thị trường quý 1-2019 đã giảm, chỉ bằng khoảng 70% quý 4-2018.
Theo ông Nam, điểm mạnh nhất của thị trường bất động sản Việt Nam là sức cầu và thanh khoản rất lớn. Thống kê của Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra rằng, những nước người dân có thu nhập trung bình từ 1000 -10.000 USD thường dùng để mua nhà và Việt Nam lại đang nằm trong khoảng đó.
Một lý do khác cũng được ông Nam đưa ra là tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam hiện nay, trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu người di chuyển từ nông thôn ra thành thị. Vì vậy, nhu cầu về nhà ở trong trung hạn vẫn rất lớn.
Lý giải về thực trạng thị trường bất động sản tăng trưởng tốt từ 2014 đến hết 2018 nhưng sang đầu năm 2019 rơi vào suy giảm, ông Nam nói thị trường bất động sản cần hai yếu tố nguồn tiền và quỹ đất, nhưng hiện cả hai đều giảm.
Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 36 quy định giảm tỉ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% (năm 2014) xuống còn 40% (đầu năm 2019). Đồng thời tăng tỉ lệ an toàn cho vay bất động sản từ 150% lên 250%. Hai động thái này làm giảm dòng tín dụng vào bất động sản giảm từ cuối 2018.
Các diễn giả tham gia Diễn đàn.
Phân tích hai xu hướng đầu tư không tích cực trong thị trường bất động sản gần đây, ông Nam cho biết thứ nhất, đầu tư vào mua đất ồ ạt tại nhiều địa phương, khiến đất sốt ở các khu vực Mũi Né, Vân Đồn, Phú Quốc. Tuy nhiên, bỏ tiền mua đất là "chôn tiền", do đó phải hạn chế mua đất chứ không phải hạn chế mua nhà.
Thứ hai, xu hướng các nhà đầu tư đầu tư bất động sản lao về các tỉnh, thành nhưng về các tỉnh lẻ vì ở đây đất rẻ, thủ tục dễ nhưng lại là những nơi ít tiềm năng phát triển. Do đó cần đánh giá và lường trước khó khăn.
Ông cũng khuyến cáo các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản, thế của các doanh nghiệp bất động sản thời điểm hiện tại là "phòng ngự" chứ không thể tấn công. Và trong bối cảnh hàng hoá không có, sức mua tốt, doanh nghiệp bất động sản làm sao giữ sức, thậm chí chiến đấu? Lòng tin của người đầu tư vào thị trường bất động sản đang có phần giảm sút, do đó các nhà phát triển (doanh nghiệp đầu tư xây nhà) cần giữ được lòng tin của người đầu tư tức người mua nhà.
Từ góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I vừa qua đã có rất nhiều hội thảo liên quan đến bất động sản. Đây là những tín hiệu lạc quan về vấn đề này. Sự tập trung của nhà đầu tư, của cơ quan nhà nước vào lĩnh vực này cũng là cơ hội của các doanh nghiệp.
Điểm qua về tình hình BĐS, ông Khởi cho biết, lĩnh vực BĐS trong thời gian qua phát triển rất đa dạng. Có 3 loại hình BĐS đang được quan tâm, đó là: BĐS nhà ở, BĐS công nghiệp, và BĐS du lịch…
Thục Anh