Bài viết dựa trên số liệu cuộc điều tra "Xu hướng tham gia các hoạt động chính trị - xã hội của thanh niên" do Viện Nghiên cứu Thanh niên thực hiện năm 2023 thông qua kết quả điều tra là 1714 thanh niên. Địa bàn được lựa chọn để khảo sát thu thập thông tin điều tra trực tiếp bao gồm: Tuyên Quang; Nam Định; Nghệ An; Tây Ninh.
2. Nội dung
2.1. Xu hướng tham gia hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước
* Các hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước thanh niên tham gia
Nhìn chung, hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước chưa trở thành một xu hướng mạnh mẽ trong thanh niên, khi phần đông thanh niên được khảo sát chưa tham gia thường xuyên các hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước. Các hoạt động thanh niên chưa từng tham gia chiếm tỷ lệ cao bao gồm: Chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương; Dự án phát triển kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp và sáng tạo startup; Tổ chức các buổi tọa đàm, đào tạo, hoặc chiến dịch truyền thông nhằm tăng cường ý thức cộng đồng và tham gia vào hoạt động chính trị-xã hội,…
Trong nhóm hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước, các hoạt động thanh niên tham gia nhiều nhất gồm:
- Tạo dựng hình ảnh tích cực về địa phương
- Đấu tranh phòng, chống các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng tại địa phương, đơn vị
- Xây dựng nông thôn mới; đô thị văn minh; công trình công cộng tại địa phương, các quy ước về nếp sống văn minh
- Truyền thông để nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng về các vấn đề chính trị, xã hội và các chính sách quan trọng
- Đề xuất sáng kiến, tích cực nghiên cứu khoa học, tăng năng suất lao động
- Đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển của địa phương
Bên cạnh đó, một số hoạt động có tính đặc thù và không phải thanh niên nào cũng có thể tham gia. Vì vậy, tỷ lệ tham gia của thanh niên còn chưa cao, đó là:
- Dự án phát triển kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp và sáng tạo startup nhằm tạo ra cơ hội việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương
- Chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương như: dự án xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp; để án Đảo thanh niên…
- Tổ chức các buổi tọa đàm, đào tạo, hoặc chiến dịch truyền thông nhằm tăng cường ý thức cộng đồng và tham gia vào hoạt động chính trị - xã hội
Xét tương quan khu vực sinh sống với các hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước thanh niên tham gia, kết quả cho thấy như sau:
- Về khu vực sinh sống, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa thanh niên nông thôn và thành niên thành thị về tham gia chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương như: dự án xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp; để án Đảo thanh niên… (p<0,05). Tỉ lệ thanh niên nông thôn tham gia với các mức độ khác nhau cao hơn so với thanh niên thành thị, do đây là các chương trình mang tính đặc thù, được tổ chức tại các vùng nông thôn nhiều hơn so với các đô thị Ở Việt Nam.
Xét tương quan giới tính và tình trạng công việc với các hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước thanh niên tham gia, kết quả cho thấy như sau:
- Về giới tính, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nam và nữ thanh niên về hầu hết các hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước mà họ tham gia (p<0,05). Ngoại trừ hoạt động tạo dựng hình ảnh tích cực về địa phương không có sự khác biệt, các hoạt động còn lại đều được nam thanh niên tham gia nhiều hơn (với các mức độ khác nhau) so với nữ thanh niên.
- Về tình trạng công việc, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa thanh niên đang đi học và thanh niên đã đi làm về tham gia các hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước (p<0,05). Cụ thể, tỉ lệ thanh niên đã đi làm tham gia (với các mức độ khác nhau) vào các hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước cao hơn so với thanh niên đang đi học. Có thể nhóm thanh niên đi làm có nhiều điều kiện hơn khi tham gia như: cơ hội tham gia, trình độ hiểu biết, trình độ học vấn và các mối quan hệ xã hội cao hơn so với thanh niên đang còn đi học.
* Kết quả thanh niên tham gia các hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước
Đối với những thanh niên đã từng tham gia các hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước, kết quả cho thấy sự tham gia của thanh niên đã được ghi nhận, góp phần vào sự phát triển của địa phương, cụ thể:
- Góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề chính trị, xã hội và các chính sách quan trọng (42,5%).
- Đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương (38,2%)
- Các đóng góp của bạn được địa phương ghi nhận (36,9%)
- Sự tham gia của bạn làm thay đổi một số quyết sách của địa phương (23,1%)
* Mức độ, hình thức tham gia của thanh niên vào các hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước
Kết quả khảo sát cho thấy, thanh niên tham gia vào hoạt động xây dựng xây dựng và quản lý nhà nước với nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên tỷ lệ này chiếm khoảng ½ số thanh niên được khảo sát, cụ thể:
- Tham gia đóng góp sức lao động vào các hoạt động (57,2%)
- Tham gia đóng góp vật chất vào các hoạt động (44,1%)
- Tham gia đóng góp ý kiến, bàn bạc, xây dựng kế hoạch (40,6%)
- Tham gia đóng góp trí tuệ vào các hoạt động (48,2%)
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nhìn chung thanh niên chủ yếu tham gia khi được kêu gọi thay vì chủ động tham gia.
* Hình thức tham gia góp ý cho các hoạt động chính trị - xã hội
Thanh niên tham gia góp ý cho các hoạt động chính trị - xã hội thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó phổ biến nhất là 02 hình thức trực tiếp: trao đổi trực tiếp tại buổi đối thoại thanh niên tổ chức tại địa phương (46,0%) và "trao đổi trực tiếp tại các buổi học tổ dân phố (45,5%). Hình thức gửi ý kiến đến tổ chức Đoàn cũng là hình thức được gần 1/3 thanh niên tham gia khảo sát lựa chọn (30,6%). Các hình thức khác, đặc biệt là các hình thức góp ý gián tiếp ít được thanh niên sử dụng hơn khi tham gia góp ý cho các hoạt động chính trị - xã hội.
Xét tương quan khu vực sinh sống với các hình thức tham gia góp ý cho các hoạt động chính trị - xã hội của thanh niên, kết quả cho thấy như sau:
- Về khu vực sinh sống, ngoại trừ 02 hình thức "trao đổi trực tiếp và tại các buổi họp tổ dân phố" và "trao đổi trực tiếp tại buổi đối thoại thanh niên tổ chức tại địa phương", việc sử dụng các hình thức khác có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa thanh niên nông thôn và thanh niên thành thị (p<0,05). Tỉ lệ thanh niên thành thị sử dụng các hình thức này trong tham gia góp ý cho các hoạt động chính trị - xã hội cao hơn so với thanh niên nông thôn, vì những hình thức này tạo thuận lợi cho người sống ở các thành phố lớn sử dụng hơn là các vùng nôn thôn vốn còn gặp khó khăn hơn về điều kiện thông tin, liên lạc.
Xét tương quan giới tính và tình trạng công việc với các hình thức tham gia góp ý cho các hoạt động chính trị - xã hội của thanh niên, kết quả cho thấy như sau:
- Về giới tính, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nam và nữ thanh niên về sử dụng một số hình thức tham gia góp ý các hoạt động chính trị - xã hội (p<0,05). Cụ thể, có 03 hình thức mà nam thanh niên đã đi làm sử dụng nhiều hơn so với nữ thanh niên là: trao đổi trực tiếp với đại biểu quốc hội qua tiếp xúc cử tri (46,9% so với 45,5%); gửi ý kiến đến Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát cộng đồng (11,6% so với 8,5%); gửi ý kiến đến các trang thông tin của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương (10,6% so với 6,5%). Có 02 hình thức được nữ thanh niên sử dụng nhiều hơn so với nam thanh niên là: viết ý kiến qua phiếu ý kiến tại các cơ quan, chính quyền địa phương (20,4% so với 16,3%); và gửi ý kiến đến tổ chức đoàn (33,1% so với 26,7%).
- Về tình trạng công việc, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa thanh niên đã đi làm và thanh niên đang đi học về một số hình thức tham gia góp ý cho các hoạt động chính trị - xã hội (p<0,05). Cụ thể, có 04 hình thức được thanh niên đã đi làm sử dụng nhiều hơn so với thanh niên đang đi học là: trao đổi trực tiếp tại các buổi họp tổ dân phố (52,8% so với 36,2%); trao đổi trực tiếp với đại biểu quốc hội qua tiếp xúc cử tri (26,2% so với 21,2%); trao đổi trực tiếp tại buổi đối thoại thanh niên tổ chức tại địa phương (48,1% so với 42,9%); trao đổi tại diễn đàn, tọa đàm, hội thảo của địa phương/các tổ chức xã hội (25,8% so với 19,6%). Bên cạnh đó, hình thức được thanh niên đang đi học sử dụng nhiều hơn so với thanh niên đã đi làm là viết Status, blog, thảo luận trên mạng xã hội (16,8% so với 9,9%). Điều này cho thấy thanh niên đã đi làm thường sử dụng các hình thức trực tiếp nhiều hơn so với thanh niên đang đi học.
* Ý kiến thanh niên về điều kiện tham gia các hoạt động chính trị - xã hội tại địa phương
Kết quả nghiên cứu cho thấy có 42,0% cho rằng có thể dễ dàng tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội tại địa phương và 46,1% thanh niên cho biết họ được tạo điều kiện để tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội tại địa phương.
2.2. Xu hướng tham gia hoạt động bảo vệ nhà nước, chế độ chính trị, giữ gìn an ninh trật tự
* Các hoạt động bảo vệ nhà nước, chế độ chính trị, giữ gìn an ninh trật tự thanh niên tham gia
Kết quả điều tra cho thấy, nhìn chung thanh niên trong mẫu khảo sát đã có xu hướng tham gia và các hoạt động bảo vệ nhà nước, chế độ chính trị, giữ gìn an ninh trật tự. Trong đó, các hoạt động được thanh niên tham gia thường xuyên nhất (chiếm khoảng trên ½ thanh niên được khảo sát) là: giữ gìn trật tự, quốc phòng, an ninh (53,9%); các hoạt động giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa"... (51,1%).
Phân loại cụ thể theo nhóm các hoạt động theo 03 nhóm: Nhóm hoạt động bảo vệ nhà nước; Nhóm hoạt động bảo vệ chế độ chính trị và nhóm hoạt động giữ gìn an ninh trật tự. Kết quả cụ thể như sau:
- Nhóm các hoạt động bảo vệ nhà nước thanh niên tham gia bao gồm:
+ Cập nhật, nắm bắt thông tin hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ban ngành, đoàn thể… (45,4% thường xuyên);
+ Học tập Nghị quyết, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước (45,3% thường xuyên);
+ Tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho những người xung quanh (39,0% thường xuyên).
+ Tham gia tọa đàm, đối thoại giữa cấp Ủy, chính quyền với thanh niên (thường xuyên 27,7%).
- Nhóm các hoạt động bảo vệ chế độ chính trị thanh niên tham gia bao gồm:
+ Các hoạt động giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa"... (51,1% thường xuyên);
+ Tìm hiểu, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (45,4% thường xuyên);
+ Đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãnh phí (42,0% thường xuyên);
+ Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch trên internet, mạng xã hội (41,6% thường xuyên).
- Nhóm các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự bao gồm:
+ Giữ gìn trật tự, quốc phòng, an ninh (53,9% thường xuyên);
+ Hỗ trợ thanh niên vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng (32,4% thường xuyên).
Bên cạnh đó, có gần 1/3 thanh niên tham gia khảo sát chưa từng tham gia các hoạt động sau: tham gia tọa đàm, đối thoại giữa cấp Ủy, chính quyền với thanh niên (26,3%); hỗ trợ thanh niên vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng (23,3%).
Xét tương quan khu vực sinh sống với các hoạt động bảo vệ nhà nước, chế độ chính trị, giữ gìn an ninh trật tự thanh niên tham gia, kết quả cho thấy như sau:
- Về khu vực sinh sống, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa thanh niên nông thôn và thanh niên thành thị về tham gia 06 hoạt động bảo vệ nhà nước, chế độ chính trị, giữ gìn an ninh trật tự (p<0,05). Cụ thể, các hoạt động thanh niên nông thôn thường xuyên tham gia thấp hơn so với thanh niên thành thị là: học tập Nghị quyết, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước (42,8% so với 51,3%); cập nhật, nắm bắt thông tin hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ban ngành, đoàn thể… (40,5% so với 57,6%); đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí (39,1% so với 49,3%); đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch trên internet, mạng xã hội (39,4% so với 47,1%); các hoạt động giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa"... (47,4% so với 60,0%); Giữ gìn trật tự, quốc phòng, an ninh (51,8% so với 59,3%).
Xét tương quan giới tính và tình trạng công việc với các hoạt động bảo vệ nhà nước, chế độ chính trị, giữ gìn an ninh trật tự thanh niên tham gia, kết quả cho thấy như sau:
- Về giới tính, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi so sánh giữa nam và nữ thanh niên trả lời về tham gia một số hoạt động bảo vệ nhà nước, chế độ chính trị, giữ gìn an ninh trật tự (p<0,05). Cụ thể, có 03 hoạt động nam thanh niên tham gia thường xuyên nhiều hơn so với nữ thanh niên là: cập nhật, nắm bắt thông tin hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ban ngành, đoàn thể… (49,7% so với 42,7%); tham gia tọa đàm, đối thoại giữa cấp Ủy, chính quyền với thanh niên (32,6% so với 24,5%) và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch trên internet, mạng xã hội (45,1% so với 39,6%).
- Về tình trạng công việc, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa thanh niên đã đi làm và thanh niên đang đi học về tham gia tất cả các hoạt động hoạt động bảo vệ nhà nước, chế độ chính trị, giữ gìn an ninh trật tự được khảo sát (p<0,05). Cụ thể, tỉ lệ thanh niên đã đi làm thường xuyên tham gia các hoạt động bảo vệ nhà nước, chế độ chính trị, giữ gìn an ninh trật tự nhiều hơn so với thanh niên đang đi học. Sự khác biệt này tương đồng với sự khác biệt giữa thanh niên đã đi làm và thanh niên đang đi học trong tham gia các hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước.
3. Kết luận
Từ kết quả khảo sát có thể rút ra một số kết luận như sau:
Nhìn chung, phần đông thanh niên đã ý thức được vai trò quan trọng của các hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước chưa trở thành một xu hướng mạnh mẽ trong thanh niên, khi còn nhiều thanh niên chưa tham gia thường xuyên các hoạt động này.
Sự tham gia của thanh niên vào các hoạt động chính trị- xã hội phần nào đã được các cơ quan quản lý, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ghi nhận (theo đánh giá của thanh niên). Thanh niên tham gia các hoạt động chính trị - xã hội thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó phổ biến nhất vẫn là các hình thức trực tiếp thông qua các buổi họp, buổi đối thoại tại địa phương, đơn vị.
Trong các hoạt động bảo vệ nhà nước, chế độ chính trị, giữ gìn an ninh trật tự, về cơ bản thanh niên tham gia thường xuyên hơn các hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước.
ThS. Trần Thị Thu Ngân, ThS. Nguyễn Văn Quý - Viện Nghiên cứu Thanh niên