TNV - Thực tế hiện nay, tình trạng tội phạm vị thành niên ngày càng tăng. Đây là vấn đề đã được nhiều nhà khoa học quan tâm, đã được nêu trong nhiều hội thảo. Các chuyên gia giáo dục, các nhà tâm lý phân tích thực trạng, tìm hiểu nguyên nhân và kiến nghị nhiều giải pháp để phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng này.
Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng rõ ràng có một nguyên nhân cơ bản là xuất phát từ sự rối loạn, bế tắc cảm xúc ngay chính trong cách ứng xử của vị thành niên. Thực tế, gia đình là cái nôi để nhân cách hình thành và phát triển, là điểm xuất phát cho sự xã hội hoá cá nhân, là môi trường hình thành cho vị thành niên những giá trị sống ban đầu, là cầu nối đến xã hội.
Tình trạng trẻ vị thành niên rối loạn, bế tắc về cảm xúc cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các em chán nản với chính gia đình, stress, trầm cảm, bỏ học, bỏ gia đình, hút chích, ăn chơi sa đoạ, vi phạm pháp luật…Nếu chúng ta, mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ tìm hiểu rõ nguyên nhân này sẽ có phương án giải quyết được những khó khăn này, giúp con em mình có đời sống cảm xúc tính cực, phát triển nhân cách.
Sự rối loạn, bế tắc cảm xúc trong gia đình được thể hiện ở một số khía cạnh sau đây:
Cha mẹ c hiều chuộng quá mức : Hiện nay việc giáo dục từ gia đình còn nhiều khoảng trống, nhất là việc giáo dục hình thành cho các em những giá trị nhân văn cao đẹp. Từ nhỏ các em được cha mẹ chiều chuộng quá mức, đáp ứng quá đầy đủ những nhu cầu vật chất mà lại thiếu hụt về cảm xúc, tình cảm dẫn đến các em không cảm nhận được thế nào là sự sẻ chia, đồng cảm, yêu thương, các em không biết thế nào là tính cộng đồng và thường bị cái tôi cá nhân ích kỷ thống trị đời sống tinh thần trong hoạt động và giao tiếp.
Có gia đình thì cha mẹ vì quá bận công việc nên cả ngày không về nhà, thậm chí cả tuần, cả tháng cũng hiếm có thời gian giao tiếp, chia sẻ cảm xúc cũng như tìm hiểu tâm lý của con cái. Họ suy nghĩ rằng kiếm được nhiều tiền thì các nhu cầu về vật chất được đáp ứng đầy đủ, con cái giỏi giang. Nhưng các bậc cha mẹ đâu biết các em đang thực sự thiếu thốn tình thương của gia đình, sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ để nuôi dưỡng nhân cách mà bấy lâu nay các em đang bị thiếu hụt trầm trọng.
Kín cổng cao tường: Có gia đình khi con ở nhà thì đóng kín cửa, không cho con giao tiếp với những đứa trẻ khác, dễ hình thành tâm lý “đèn nhà ai, nhà đấy tỏ”, chẳng cần quan tâm đến những người xung quanh. Đặc biệt, ở những khu chung cư cao tầng, nơi thành thị thì dường như các em thiếu hụt những mối quan hệ nền tảng, đó là quan hệ “hàng xóm láng giềng”. Dường như việc tổ chức cuộc sống cho con em ở khu dân cư vẫn không thường xuyên, các hoạt động chia sẻ, gắn kết còn mang tình hình thức. Vì thế mới có chuyện “cùng chung cư, cùng dãy nhà, cùng tầng ở” nhưng vẫn không biết tên nhau, không quen nhau và cũng ít khi giúp đỡ lẫn nhau.
Bạo lực gia đình: Cũng có cha mẹ hay đánh đập con cái thường xuyên, coi đó là biện pháp giáo dục hiệu quả. Dùng bạo lực để đe dọa cũng đã để lại ở các em hậu quả lớn là chấn thương tâm lý, tinh thần. Thực tế, nhiều trẻ vị thành niên bị trơ lỳ cảm xúc mà nguyên nhân chủ yếu là do chính cha mẹ giáo dục bằng bạo lực. Đó là bạo lực về thể xác và bạo lực về tinh thần. Mỗi một lời nói, một hành động của cha mẹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tâm lý của trẻ. Một lời nói hay, một hành động mẫu mực thường phản chiếu trực tiếp đến nhân cách của trẻ và thường giúp trẻ xu hướng phát triển tích cực. Ngược lại, mỗi khi trẻ bị xúc phạm hay bị bạo lực về thể xác cũng như tinh thần thì các em cũng bị phản chiếu bởi chính thái độ và hành vi của cha mẹ mình. Thậm chí những vết hằn đó còn in đậm suốt cuộc đời. Sử dụng bạo lực thì đồng nghĩa với xu hướng trẻ ngày càng xa vòng tay cha mẹ cũng như càng gần đến với khuynh hướng bạo lực. Không ít trẻ vị thành niên do “quen” sống trong môi trường bạo lực, đã suy nghĩ mặc định rằng “cứ dùng bạo lực sẽ giải quyết được tất cả mọi việc”.
Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo
Cuộc sống ngày càng hiện đại, đầy đủ nhưng sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình lại càng lỏng lẻo. Thời buổi công nghệ phát triển mạnh mẽ đã xâm nhập vào từng ngõ ngách của mỗi gia đình. Tuy nhiên, mặt trái của các phương tiện công nghệ đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta mà nhất là trong việc giáo dục con trẻ. Hiện tượng các thành viên trong gia đình thiếu sự kính trọng, thương yêu, giúp đỡ, chăm sóc, chia sẻ lẫn nhau đã vô hình chung tạo ra sự xa cách, lãnh cảm. Các em cảm thấy mình bị lạc lõng nên thường tự mình tìm kiếm con đường giải thoát như chơi game online hoặc tham gia vào các tệ nạn xã hội…dẫn đến vi phạm pháp luật.
Vì vậy, để hạn chế tối đa tình trạng vị thành niên phạm tội và ngày càng trẻ hoá mà nguyên nhân xuất phát từ sự rối loạn, bế tắc về cảm xúc, thì ngay trong gia đình, từ những năm đầu đời cha mẹ cần giáo dục cho con trẻ tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông với những người xung quanh. Không nên nghiêm khắc cấm đoán, o bế con cái quá mức.
Hãy để cho con phát triển đời sống tình cảm một cách tự nhiên thông qua các hoạt động và giao lưu. Đồng thời tập trung nhiều hơn vào làm giàu đời sống tình cảm của con trẻ. Nên giáo dục trẻ biết cách kiểm soát và điều chỉnh những thái độ và hành vi ứng xử của mình khi chúng có biểu hiện thờ ơ, vô cảm trong quan hệ giao tiếp. Cha mẹ phải tạo điều kiện tốt nhất để thường xuyên chia sẻ cùng các con. Cha mẹ chính là tấm gương cho con, bởi từng lời nói, hành động và sự quan tâm của cha mẹ đều phản chiếu trực tiếp đến hành vi, phát triển nhân cách của trẻ.
Tạo điều kiện cho con trẻ bộc lộ cảm xúc của mình, những cảm xúc nếu được bộc lộ sẽ giúp các em thoát khỏi những ấm ức dồn nén, những hẫng hụt trong lòng và có được đời sống tâm lý cân bằng. Từ đó, các em sẽ làm chủ được bản thân loại bỏ những hành vi bốc đồng, nông nổi, góp phần ngăn chặn những nguồn cơn của các hành vi bạo lực không đáng có.
Trịnh Ngọc Hậu
(Trường ĐH Nguyễn Huệ )