Xử lý cán bộ “chạy điểm” cho con: Cần sớm có hồi đáp!

Thứ sáu, 19/04/2019 - 09:15

Bất cứ ai, khi đã sai phạm dù ở cấp nào, ngành nào thì cũng đều bị xử lý nghiêm minh. Vì thế, việc xử lý những người có chức sắc “chạy điểm” cho con là cần thiết

Trong thời gian vừa qua, vụ việc rúng động dư luận, chưa từng xảy ra trong ngành giáo dục là gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang... Đến thời điểm này, gần như các thí sinh gian lận điểm cơ bản đã bị trả về địa phương. Một số cán bộ ngành Giáo dục, Công an trực tiếp tham gia sửa điểm cũng đã bị khởi tố, bắt giam.
Trước băn khoăn của dư luận về việc công khai danh tính các thí sinh gian lận điểm cũng như cha mẹ của những em này, Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT các địa phương nơi xảy ra tiêu cực cũng đã đưa ra những lý giải vì sao không đưa danh tính của những người này trước dư luận. Tuy nhiên, lý giải này chưa làm hài lòng số đông dư luận.

Trước hết, đối với các thí sinh trong vụ gian lận thi cử, họ đều được nâng một số điểm rất lớn, có người được nâng gần 27 điểm. Từ những thí sinh kém về năng lực, sau kỳ thi các em này bỗng vụt sáng thành những thủ khoa các trường danh giá.

Thậm chí, có thí sinh là “thủ khoa kép” của trường Đại học Sư phạm và trong ngày tuyên dương các Thủ khoa đầu vào, em này còn thao thao bất tuyệt về cái sự học của mình, khẳng định sự tự hào về điểm số đạt được. Khi cơ quan công an vào cuộc, mọi người ngã ngửa vì em “thủ khoa kép” này được nâng tới gần 15 điểm.

Không có lý gì các em này không đánh giá được lực học đến đâu, điểm số cao chót vót như thế là từ đâu ra. Nhưng sau vụ việc, thật đáng lo ngại là sự dối trá đến trơ tráo của những người sẽ trở thành người thầy trong tương lai, nếu mọi việc trót lọt.


Danh sách thí sinh gian lận điểm ở Sơn La. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Hơn nữa, trong nhiều bài thi, có thí sinh gần như được 0 điểm. Đối với một bài thi trắc nghiệm, khó có thể một thí sinh đã kém về năng lực lại có thể biết được hầu hết các câu sai (hoặc đi thi mà không tích vào câu nào) để bài thi của mình được 0 điểm. Rồi nhờ sự “phù phép” mà những bài 0 điểm đó biến thành những bài thi được điểm gần như tuyệt đối. Điều này khiến dư luận cũng không thể không đặt ra câu hỏi, có hay không sự đồng lõa của các thí sinh trong việc để trắng bài thi, nhằm dễ dàng cho việc sửa điểm?

Mà thực chất, tất cả những thí sinh này đều đã qua tuổi 18. Theo quy định của pháp luật, họ đã phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.

Vì thế, việc không nêu danh tính, để các em có cơ hội sửa chữa sai lầm được xem là rất nhân văn. Và những em này phải coi đây là bài học xương máu để phấn đấu vươn lên, không bao giờ phạm phải những sai lầm như vậy.

Với các thí sinh này, câu chuyện liên quan đến gian lận thi cử có thể tạm khép lại.

Nhưng điều dư luận quan tâm hơn hết và đang đợi một câu trả lời thỏa đáng là những phụ huynh “gian lận điểm thi” cho con sẽ bị xử lý như thế nào?.

Mặc dù, chưa có một cơ quan chính danh nào công khai tên tuổi các vị phụ huynh này, nhưng đến nay thì hầu hết danh tính của các ông bố, bà mẹ có con được “nâng điểm” đều đã lộ diện. Nếu nhìn vào danh sách các phụ huynh có con được nâng điểm, mặc nhiên không thấy có cán bộ công chức bình thường, hay nông dân, công nhân lao động, mà toàn những người có chức sắc trong các ngành chủ chốt trong tỉnh, như Phó phòng Cảnh sát hành chính về trật tự xã hội (PC 06), Công an tỉnh Sơn La; Giám đốc VNPT Sơn La; Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La; Phó phòng nội chính, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La; ngoài ra còn các trường hợp là Trưởng, Phó phòng công tác trong ngành Công an, Giáo dục, Thuế, Kiểm lâm...

Với những quan chức "chạy điểm" cho con, hơn ai hết, họ được đào tạo bài bản, có cả quá trình phấn đấu về cả năng lực và phẩm chất đạo đức để được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng. Là những cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt trong cơ quan, đơn vị, họ phải là người gương mẫu trong cả công việc và tư cách đạo đức. Nhưng họ đã làm ngược lại, lợi dụng vị trí công tác của mình, dùng tiền hay dùng “quan hệ” để vun vén, tư lợi cá nhân, mà ở đây hiển hiện rõ nhất là chạy điểm, nâng điểm cho con em mình, biến những thí sinh không có năng lực, yếu kém thành những Thủ khoa, Á khoa các trường quan trọng như trường Y, các trường của ngành Công an, quân đội…

Những hành động của họ đang đi ngược lại chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Nguy hiểm hơn, nó còn làm xói mòn lòng tin của người dân vào đội ngũ cán bộ công chức, vào Đảng, vào chế độ.

Trong các cuộc họp của Đảng, Chính phủ, người đứng đầu Đảng ta và Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, mọi vi phạm dù lớn, dù bé ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều phải xử lý, xử lý công khai, không có bất kỳ “vùng cấm” nào.

Và điều đó đã được chứng minh qua thực tế thời gian qua. Chưa bao giờ, số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật, trong đó có cả các cán bộ do Trung ương quản lý lại nhiều đến như vậy. Trong những năm gần đây, cùng với sự quyết liệt của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trong xử lý cán bộ vi phạm, Uỷ ban Kiểm tra các quận/huyện, tỉnh/thành cũng bắt đầu có sự chuyển động mạnh mẽ, đã mạnh tay với cán bộ sai phạm. Nhiều vụ vi phạm từ Trung ương xuống cấp xã, huyện đã được đưa ra xử lý, xét xử. Chỉ trong vòng 2 năm, cấp ủy và UBKT các cấp đã kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và hàng ngàn đảng viên vi phạm.

Và cũng chưa bao giờ, vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của những cán bộ chủ chốt, người đứng đầu lại được nhắc đến nhiều như bây giờ. Bởi ai cũng thấy rằng, một cơ quan, tổ chức hoạt động hiệu quả chỉ khi đội ngũ lãnh đạo ở nơi đó thực sự gương mẫu, sát sao, không có chuyện chạy chọt, lợi ích nhóm và ngược lại.

Trong các cuộc họp, Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh “Tướng phải ra tướng, quân phải ra quân. “Trên chẳng chính ngôi thì dưới chúng tôi hỗn hào”. Trên nghiêm mới nói được dưới, dưới sợ không dám làm".

Vì thế việc xử lý nghiêm những người có chức sắc “chạy điểm”, “mua điểm” cho con trong các vụ gian lận thi cử là việc làm cần thiết. Đây cũng là thực hiện chủ trương, quyết tâm của Đảng, của người đứng đầu Đảng ta là không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm. Bất cứ ai, khi đã sai phạm làm ảnh hưởng đến Đảng, đến nhân dân thì dù ở cấp nào, ngành nào thì cũng đều bị xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.

Và như vậy, dư luận có quyền chờ đợi, hy vọng việc xử lý những cán bộ, lãnh đạo “chạy điểm” cho con trong các vụ gian lận thi cử ở các địa phương sẽ sớm có lời hồi đáp./.

Minh Hòa/VOV