Trong báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm 2024, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản nửa đầu năm 2024 ước đạt 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52,3% so với kế hoạch.
Xuất siêu 6 tháng đầu năm 2024 của lâm sản tăng 21,6% so với cùng kỳ 2023 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Một số thị trường chính tăng mạnh như Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2023; Trung Quốc đạt 1,059 tỷ USD, tăng 46,6%.
Xuất siêu 6 tháng toàn ngành đầu năm 2024 ước đạt 6,664 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Sản phẩm xuất siêu lớn nhất là gỗ và sản phẩm gỗ, khoảng 6,16 tỷ USD, tăng 22,5%.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1,29 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh kết quả tích cực từ xuất khẩu lâm sản, nhiệm vụ phát triển rừng và khai thác lâm sản cũng khả quan. Cụ thể, trồng mới rừng tập trung ước khoảng 125.500ha, đạt 51,2% kế hoạch, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Ước cả năm, toàn ngành sẽ trồng khoảng 245.000ha.
Số cây phân tán trồng cả nước khoảng đạt 44,6 triệu cây, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Cục Lâm nghiệp dự báo, năm 2024 cả nước có thể trồng 130 triệu cây.
Sau 6 tháng, khai thác rừng trồng tập trung ước đạt 9,93 triệu m3, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi ước đạt 7,87 triệu ste, tương đương cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu dịch vụ môi trường rừng cả nước khoảng 1.521,16 tỷ đồng. Trong đó, thu từ 4 loại dịch vụ môi trường rừng quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP (cơ sở sản xuất thủy điện; cơ sở sản xuất công nghiệp; cơ sở nuôi trồng thủy sản; hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn) đạt khoảng 1.281,58 tỷ đồng, tương đương 39,3% kế hoạch thu năm 2024.
Ngoài ra, thu từ ERPA theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP chi trả cho 6 tỉnh Bắc Trung bộ từ World Bank là 239,58 tỷ đồng.
Đặc biệt, các đơn vị trong khối lâm nghiệp đã phối hợp thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng xây dựng các Nghị định, Thông tư thuộc kế hoạch năm 2024. Nổi bật là việc tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 04/NĐ-CP ngày 12/1/2024 về sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và Nghị định số 58/NĐ-CP ngày 24/5/2024 về chính sách đầu tư trong lâm nghiệp.
Sáu tháng cuối năm, khối lâm nghiệp tiếp tục bám sát tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; Các chương trình, đề án như Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030, Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon và phát triển thị trường tín chỉ carbon; Thúc đẩy các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái, sử dụng môi trường rừng bền vững.
Đỗ Hương/Chinhphu