Tính riêng tháng 4, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,14 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 2,83 tỷ USD (tăng 29,2%), lâm sản 1,39 tỷ USD (tăng 18,6%), chăn nuôi 40,8 triệu USD (tăng 5,9%), đầu vào sản xuất 157 triệu USD (tăng 0,5%). Riêng thủy sản giảm 1,5% xuống 730 triệu USD.
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này 4 tháng đạt 14,32 tỷ USD, tăng 13,2%. Trong đó, nông sản gần 9 tỷ USD (tăng 13,5%); sản phẩm chăn nuôi 1,1 tỷ USD (tăng 4,3%); thuỷ sản 820 triệu USD (giảm 4,3%); lâm sản 817 triệu USD (tăng 22,8%); đầu vào sản xuất 2,58 tỷ USD (tăng 21,1%); muối 9,5 triệu USD (giảm 28,1%).
Nhiều mặt hàng có giá xuất khẩu bình quân tăng khá như: gạo đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%; cà phê 3.402 USD/tấn, tăng 49,7%; cao su 1.487 USD/tấn, tăng 6,9%...
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường nhập khẩu lớn nhất nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,1%, tăng 25,7%; Trung Quốc chiếm 18,9%, tăng 15,1% và Nhật Bản chiếm 6,9%, tăng 9,6%.
Để tiếp tục duy trì tốt đà tăng trưởng trong xuất khẩu, Bộ NN&PTNT tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, nhất là sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU; đồng thời, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Halal, Trung Đông, châu Phi,... phối hợp các bộ, ngành hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Tính riêng về mặt hàng gạo, tính đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý I năm 2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 1,01 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình đạt 641,7 USD/tấn, tăng 13,2% về lượng, tăng 44% về kim ngạch và tăng 27,3% về giá so với cùng kỳ năm 2023;
Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023, đạt 445.326 tấn, tương đương 285,06 triệu USD, giá 640 USD/tấn, chiếm trên 20% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Tiếp theo, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch và tăng 24,7% về giá so với cùng kỳ, đạt 98.917 tấn, tương đương 61,55 triệu USD, giá trung bình 622,3 USD/tấn, chiếm trên 4% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng ĐBSCL năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn. Trong đó, tổng lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước 4,38 triệu tấn; lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm ước 3,22 triệu tấn.
Châu An