TNV - Ngày 24/03 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC - International Trade Center), đơn vị liên kết của tổ chức Liên Hợp quốc (UN) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổ chức Hội thảo “Xúc tiến Hợp tác Công - Tư nhằm tối đa cơ hội xuất khẩu cho Doanh nghiệp nữ Việt Nam”.
Trong những năm vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Chương trình, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới nhằm thúc đẩy các công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 nêu bật mục tiêu hướng tới giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương phát biểu khai mạc Hội thảo ngày 24 tháng 3 tại Hà Nội,
Hiện nay, Việt Nam có hơn 70% dân số nữ tham gia vào lực lượng lao động. Với 26,5% doanh nghiệp trong nước thuộc sở hữu của các nữ doanh nhân, các doanh nghiệp do nữ làm chủ đang từng bước thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước.
Ngoài vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và tạo công ăn việc làm cho người lao động, các nữ doanh nhân Việt Nam được đánh giá cao về sự chủ trong các hoạt động phát triển sản xuất và kinh doanh, đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội và cho phát triển bền vững. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vừa qua, nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn đứng vững, đạt mức tăng trưởng cao, truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, khởi nghiệp và những nữ doanh nhân khác.
Bên cạnh tạo ra cơ chế, chính sách thuận lợi cho doanh nhân nữ phát triển thì khơi dậy đam mê, khát vọng kinh doanh, hỗ trợ nâng cao năng lực và định hướng phát triển cho phụ nữ chính là những nhân tố quan trọng giúp cho các nữ doanh nhân thêm vững tin và tự tin hơn trong sự nghiệp.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC - International Trade Center), đơn vị của tổ chức Liên Hợp quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhằm mục tiêu kết nối 3 triệu phụ nữ với thị trường thương mại toàn cầu, tổ chức ITC khởi động sáng kiến về Shetrades (Dự án hỗ trợ doanh nhân Nữ) và triển khai Dự án Shetrades tại Việt Nam.
Bà Lê Thị Minh Hoa – Chủ tịch Hiệp hội nữ Doanh nhân Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Sáng kiến Shetrades đã có mặt tại 38 quốc gia với mạng lưới gồm 350 tổ chức đối tác với mục tiêu hợp tác với khu vực tư nhân và chính phủ để cải thiện các dịch vụ và chính sách cho phụ nữ, xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi cho phụ nữ tham gia thương mại và thúc đẩy bình đẳng giới.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng, Cục Xúc tiến thương mại cho biết: “Tháng 11 năm 2021, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và ITC chính thức thành lập tại Việt Nam. SheTrades Việt Nam sẽ hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực như nông sản, thủ công mỹ nghệ , thực phẩm, dệt may, dịch vụ v.v.SheTrades Việt Nam đi theo định hướng phát triển bền vững, từng bước hỗ trợ hiệu quả cho các nữ doanh nhân, đặc biệt là năng lực kinh doanh trên môi trường số. Cục Xúc tiến thương mại cam kết cùng ITC nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động của SheTrades Việt Nam, phối kết hợp và hợp tác với các đối tác tiềm năng để mang lại các kết quả thực tiễn”.
Bà Lê Thị Minh Hoa – Chủ tịch Hiệp hội nữ Doanh nhân Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay: “Hiệp hội doanh nghiệp nữ Việt Nam đánh giá cao các hoạt động của SheTrades. Với vai trò là đơn vị phối hợp triển khai một số hoạt động, trong đó có Cuộc thi Phụ nữ với Kế hoạch kinh doanh thành công, chúng tôi cho rằng các hoạt động của SheTrades rất thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.Chúng tôi có 03 doanh nghiệp thành viên đạt giải khuyến khích tại cuộc thi này.Đây là kết quả rất đáng khích lệ, giúp chị em tự tin, củng cố mạng luới, và kinh doanh bài bản hơn”.
“Tôi đề xuất, trong thời gian tới, SheTrades tăng cường các hoạt động về chuyển đổi số, hỗ trợ và giúp cho các doanh nghiệp ở các địa phương, các nữ doanh nhân ở các vùng sâu, vùng xa tiếp cận được với công nghệ tiên tiến, hiện đại. Với vai trò là cố vấn của SheTrades Việt Nam, tôi cam kết sẽ luôn đồng hành và gắn kết hoạt động của Hiệp hội với SheTrades nhằm hỗ trợ các doanh nhân nữ nhiều hơn nữ, thiết thực hơn nữa và thực sự thành công hơn trên thực tế”, bà Hoa chia sẻ thêm
Cũng tại hội thảo lần này, các đại diện cho khối nhà nước đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ các chương trình và hoạt động hiện tại của đơn vị nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp nói riêng và cho các doanh nhân nữ nói chung. Các đại diện đến từ các doanh nghiệp như ngân hàng, sàn thương mại điện tử, dịch vụ đưa ra những giải pháp cho doanh nghiệp và những khuyến nghị nhằm tăng cường chặt chẽ và hiệu quả các hình thức hợp tác Công – Tư.
Sau khi Dự án Shetrades tại Việt Nam được triển khai từ năm 2019, Dự án đã có những hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ Việt Nam nâng cao năng lực, tập trung vào hoạt động kinh doanh, cụ thể, hơn 700 nữ doanh nhân được đào tạo về các chủ đề như: lập kế hoạch kinh doanh, chiến lược xuất khẩu, bao bì, các điều khoản thương mại quốc tế, thương mại điện tử, v.v.; huấn luyện trực tiếp về thương mại điện tử cho 55 nữ doanh nhân; 2,3 triệu đô la Mỹ đến từ các cơ hội kinh doanh tiềm năng; 28 thị trường quốc tế được mở ra thông qua việc tham gia các hội chợ thương mại; 93% doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp thụ hưởng cho biết hoạt động kinh doanh được cải thiện tốt hơn nhờ hỗ trợ của ITC SheTrades.
Shetrades Việt Nam cũng đã đề ra Kế hoạch đến hết năm 2025 đó là: Nâng cao năng lực cạnh tranh của các nữ doanh nhân, đặc biệt về chuyển đổi số, đến 2025 có ít nhất 2.000 doanh nghiệp do nữ làm chủ tiếp cận và chuyển đổi số thành công. Huấn luyện và tư vấn khả năng tiếp cận thị trường, tạo cơ hội đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp theo chương trình mà các hiệp định thương mại đã ký kết. Củng cố và xây dựng năng lực cho các tổ chức hỗ trợ thương mại và đầu tư để cung cấp các dịch vụ hiệu quả
Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu cả trực tiếp và trực tuyến, là các đại diện đến từ các tổ chức, hiệp hội, các bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp nữ. Rất nhiều doanh nghiệp nữ trên khắp mọi miền của tổ quốc bày tỏ sự quan tâm, mong muốn và tham dự các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực để kinh doanh thành công hơn, đặc biệt là về lĩnh vực chuyển đổi số, tiếp cận với khách hàng một cách chuyên nghiệp, duy trì kết quả kinh doanh bền vững.
Hải Hà