TNV - Là một vị tướng độc đáo trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, từ người lính binh nhì lên đến Thượng tướng, 26 tuổi được Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam trao tặng danh hiệu “Anh hùng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam”.Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với 4 chiến dịch lớn của đất nước:Chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân 1968; chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971; Chiến dịch Quảng Trị 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Cho đến bây giờ, ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh và ngày 30 tháng 4 năm 1975, vẫn vẹn nguyên trong ông.
Nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, phóng viên Tạp chí Thanh niên được gặp Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - Viện sĩ, Anh hùng LLVT, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng để nghe ông chia sẻ về những kỷ niệm quý giá của một thời tuổi trẻ trong cuộc đời binh nghiệp và những lời can dặn thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước của thế hệ cha anh trong thời kỳ mới.
Có lẽ hình ảnh Thượng Tướng Nguyễn Huy Hiệuxuất hiện trên các cơ quan báo chí truyền thông đã rất nhiều, nhưng ở góc độ truyền dạy tinh hoa trí tuệ từ thế hệ tiền bối trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở bình diện mới thì đó lại là một món quà quý giá dành cho thế hệ trẻ hôm nay. Với mong muốn là người nối nhịp cầu yêu nước giữa thế hệ cha anh và thế hệ hiện đại, giữa một vị anh hùng lập nên nhiều chiến công hiển hách trong các cuộc trường chinh của quá khứ với những người người trẻ - thế hệ biết đến chiến tranh qua những trang sách; Tác giả xin được giới thiệu về những lời căn dặn, mong muốn của Thượng Tướng – Đại diện cho thế hệ đi trước, đại diện cho nhân chứng lịch sửnhắn nhủ hế hệ con cháu về việc phát huy tinh yêu nước trong thời điểm hiện nay.
(Nguồn: Nhân vật cung cấp)
PV: Thưa bác! Tuổi trẻ thường gắn liền với ước mơ hoài bão và những hành động sôi nổi, nhiệt huyết; Vậy xin bác chia sẻ với chúng cháu về những kỷ niệm đẹp khi ở độ tuổi mười tám - đôi mươi của chàng trai NguyễnHuy Hiệu năm xưa!
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu:
Năm 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi của non song đất nước, nghe theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng tôi gác bút nghiên, tình nguyện lên đường vào miền Nam chiến đấu. Nhìn cảnh quê hương bị tàn phá, tôi mong mỏi được vào chiến trường.Bởi vậy, ngay khi mặc trên mình bộ quân phục, khẩu súng khoác trên vai ra trận, tôi đã xác định, rất có thể trong cuộc chiến sẽ bị bom đạn của kẻ thù gây thương tích, tàn phế, thậm chí hy sinh cả tính mạng, nhưng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì nền hòa bình của đất nước, tôi nhất định phải lên đường bảo vệ quê hương.
Thượng Tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn miệt mài làm việc hàng ngày
Cũng như bao thanh niên trai tráng vùng biển Hải Hậu, ngày 20/2/1965, ngay sau Tết Nguyên đán, bước sang tuổi 18,tôi hành quân bộ từ Hải Hậu tới ga tàu tại TP. Nam Định. Ăn bữa tối tại đó xong, tôi lên tàu đến Nghệ An và đầu quân vào Trung đoàn 812, Sư đoàn 324 và tiếp đó là Trung đoàn 27, mặt trận B5, tập trung huấn luyện tại Nghi Ân, Nghi Lộc. Kể từ đó, tôi bắt đầu tham gia chiến đấu trên các chiến trường, hành quân dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh vào chiến đấu trong mặt trận Bình Trị Thiên và làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào.Trong rất nhiều trận chiến với địch, những chiến sĩ trẻ tuổi Việt Nam đồng lòng đồng sức chiến đấu anh dũng, trong đó có tôi. Đặc biệt, những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị đã ghi dấu ấn đậm nét trong ký ức tôi. Đó là chặng đường chiến đấu gian khổ nhất, kéo dài gần 9 năm trời. Tôi đã cùng đồng đội của mình trải qua những năm tháng thanh xuân sung sức nhất, ngoan cường nhất tại mảnh đất Bình Trị Thiên khói lửa.Cũng trong giai đoạn hào hùng đó, tôi đượcHội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam trao tặng danh hiệu “Anh hùng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam”.
PV: Được biết Bác đã có mặt đủ trong cả 4 chiến dịch quan trọng để tiến đến đích là chiến dịch Hồ ChíMinh, tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975, thống nhất đất nước. Bác cho chúng cháu được cảm nhận một phần về thành công của tuổi trẻ gắn liền với 4 chiến dịch lịch sử oai hùng đó ạ!
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu:
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ có 4 chiến dịch lớn thì tôi tham gia cả 4: Chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân 1968; chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971; Chiến dịch Quảng Trị 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Trong chiến dịch cuối cùng này, tôi với vai trò Trung đoàn trưởng chỉ huy Trung đoàn 27 nằm trong đội hình Sư 320B/ QĐ1, một trong 5 mũi tấn công vào giải phòng Sài Gòn, làm nên ngày 30 tháng 4 lịch sử. Cũng nhờ những trận đánh này mà tôi lập nên những chiến công cho đơn vị. Sau này nhờ kinh nghiệm trên chiến trường, cùng với lý luận quân sự được đào tạo, tôi đã viết và cho xuất bản 9 cuốn sách về nghệ thuật quân sự và các lĩnh vực khác của Bộ Quốc phòng, như “Ký ức tháng 4 năm 1975 và những điều suy ngẫm”, “Quân đội với vấn đề giải quyết hậu quả sau chiến tranh”, “Một số vấn đề về công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam”, “Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, mô hình về hợp tác khoa học – công nghệ”, “Một số vấn đề nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo về Tổ quốc”, “Vận dụng phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai”, “Quân đội với chiến lược bảo vệ môi trường” …
Bên cạnh những tài liệu viết về nghệ thuật quân sự, tôi còn còn dành thời gian để viết về hồi ức chiến tranh, đó là những câu chuyện, những kỷ niệm về tình quân dân, tình đồng chí đồng đội trong chiến trường như: “ Một thời Quảng Trị”, “Bến sông tuổi thơ”, “Hồi ức chiến trường xưa và đồng đội”, “Những bước chân không mỏi của người anh hùng”, “Sức mạnh của phương châm 4 tại chỗ” . Đặc biệt, cuốn “Một thời Quảng Trị ” đã được dịch sang tiếng Anh và được Bộ Ngoại Giao Việt Nam tặng Tổng thống Obama và đoàn công tác của Mỹ khi họ sang thăm Việt Nam. Cuốn “Bến sông tuổi thơ” được VTV1 dựng thành phim tài liệu phát nhiều lần trên sóng truyền hình.
PV: Thưa bác! Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bác đã cùng đồng đội của mình dũng cảm tiến vào giải phóng Sài Gòn, tạo nên chiến thắng vang dội. Vậy mong bác chia sẻ với thế hệ trẻ về những điều tạo nên những kỳ tích trong lịch sử ạ?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu:
Tháng 2/1968, từ nước bạn lào quay về nước, tôi xung phong vào chiến trường Quảng Trị, đấy cũng là khoảng thời gian chiến tranh xảy ra ác liệt, cam go. Từ vị trí của anh lính binh nhì, tôi lần lượt kinh qua các cương vị tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng chỉ huy Trung đoàn 27 nằm trong đội hình Sư đoàn 320B Quân đoàn 1, là một trong 5 mũi tấn công vào Sài Gòn…
Tôi đã từng tham gia nhiều trận chiến ác liệt nhất trên chiến trường Quảng Trị thời bấy giờ nhưng có một số trận đánh mỗi lần nhớ lại tôi thấy quân và dân mình rất sắt son, dung cảm kiên cường, sẵn sàng hy sinh để giành chiến thắng như: Trận đánh xe cơ giới trên đường số 9, đoạn Sa Mưu, cầu Đầu Mầu, trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, năm 1971; trận đánh tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài, Tân Kim, Cam Lộ, năm 1970… Hồi ức lại quãng đời chiến đấu trong khoảng thời gian từ năm 1968 - 1973 trên chiến trường Quảng Trị, mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch mà tôi tham gia đều rất đỗi tự hào. Ngày 18/6/1968, không quân Mỹ dùng bom phạt, bom napan san phẳng đồi Không Tên (thuộc Cam Lộ) và đổ bộ xuống một trung đội thám báo. Khi đó tôi đang là đại đội trưởng. Sau khi cùng ban chỉ huy nghiên cứu kỹ địa hình và đoán trước được mưu đồ tác chiến của địch, tôi nhận được lệnh tổ chức đại đội sử dụng cách đánh từ sau lưng địch đánh lại. Bọn Mỹ dùng máy bay B52 rải thảm, đánh bom tọa độ, pháo hạm bắn chặn các ngả đường phía Bắc rất ác liệt, mang tính hủy diệt hòng cắt đứt các ngả đường, chặn bước tiến công của quân ta. Sau khi hội ý chớp nhoáng, đại đội quyết định chia làm 3 mũi tấn công. Mũi của tôi là mũi chính tiếp cận phía Nam đồi Không Tên. Đúng 20 giờ 30 phút tối 18/6/1968, 3 mũi tấn công đồng loạt tiếp cận căn cứ của địch. Tôi - Đại đội trưởng lệnh cho đồng chí Viêm xạ thủ B40 bắn vào hầm chỉ huy địch để hiệp đồng mở màn trận đánh. Sau đó cả đại đội đồng loạt dùng lựu đạn, AK tấn công. Bọn địch không kịp trở tay, chống trả yếu ớt. Trận đánh diễn ra quyết liệt, nhanh gọn. Chỉ trong vòng 30 phút cả trung đội thám báo Mỹ bị tiêu diệt. Đại đội rút lui an toàn. “Trận đánh đồi Không Tên thắng lợi, cả đại đội không có ai hy sinh, chỉ có 4 đồng chí bị thương. Đây là cái “được” lớn nhất của trận đánh. Trong lịch sử chiến tranh rất hiếm những trận đánh không có hy sinh”.
Với tư cách là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 27, trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972, tôi đã chỉ huy tiểu đoàn đánh trận mở màn chiến dịch, tiêu diệt một tiểu đoàn và làm thiệt hại một tiểu đoàn ngụy ở cứ điểm 288, 322, cầu Thiện Xuân - Đường 9 - Cam Lộ, bắt sống tên Thiếu tá Hà Thúc Mẫn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 quân đội Sài Gòn. Sau đó, tiểu đoàn cùng với Trung đoàn 27 thực hiện mũi vu hồi cánh Đông, giải phóng hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Kể từ đây, Trung đoàn 27 còn được mang tên Trung đoàn Triệu Hải. Sau trận đánh này, Trung đoàn được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cũng được phong danh hiệu Anh hùng LLVT.
(Nguồn: Nhân vật cung cấp)
Ngày 18/3/1975, đoàn quân xuất trận. Vào đến Đông Hà, ngày 26/3/1975, làm dự bị cho đánh Huế nhưng do chiến dịch phát triển quá nhanh nên ngày 26/3 Huế đã giải phóng. Chúng tôi được lệnh vào tiếp phía Bắc đèo Hải Vân để tham gia giải phóng Đà Nẵng. Trong thời điểm đó, chúng tôi nhận được lệnh đưa Trung đoàn ra Đông Hà để nhận nhiệm vụ mới. Khi toàn bộ Trung đoàn ra Đông Hà thì lại hành quân theo đường Đông Trường Sơn để tập kết tại Đồng Xoài. Từng đoàn người và xe nối thành hàng dài trùng trùng điệp điệp, những bước chân rầm rập không nghỉ. Đường đất đỏ bazan, những ngày nắng ấy gió thổi mạnh cuốn từng lớp bụi đỏ lên không trung, rồi rơi tràn xuống như tuyết đỏ phủ ngập không gian, cả một vùng chìm trong sắc đỏ. Còn những ngày mưa, bùn lầy ngập tới nửa bánh xe. Bởi vậy, từ những chiếc xe ô tô tới mỗi người lính đều phủ kín bụi đất đỏ bazan, chỉ hở duy nhất đôi mắt. Đó là một ấn tượng mà tôi không bao giờ quên, đúng như câu thơ của Nguyễn Đình Thi "Ðoàn quân vẫn đi vội vã/Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa".
Hành quân gian nan, vất vả, thời gian gấp rút là thế, chúng tôi chỉ ăn lương khô và uống nước suối. Nhưng khi cả Trung đoàn nhận được mật lệnh "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng" và ký tên ở dưới là: Anh Văn. Chúng tôi phổ biến cho cán bộ chiến sĩ. Sau khi nghe bức điện đó, tất cả mọi người đều bừng dậy, quên hết mệt nhọc, hành quân liên tục, cả ngày cả đêm.
Chúng tôi đã hành quân không nghỉ tiến vào Đồng Xoài đúng thời gian quy định của mặt trận. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi được huấn luyện, bổ sung cách đánh mới. Đến ngày 25/4, đơn vị chúng tôi tập kết ở Bầu Cá Trê, phía bắc Tân Uyên bây giờ, sáng 26/4 bắt đầu tiến công, qua Tân Uyên, tiến vào Thủ Dầu Một vào Sài Gòn.
Thượng Tướng Nguyễn Huy Hiệu và má Sáu Ngẫu cùng đồng đội bên tấm bản đồ
Tối 29/4, chúng tôi cùng với tổ trinh sát về tới ấp Búng, cách Lái Thiêu khoảng 10 km thì nhìn thấy bên kia khu nghĩa địa là ngôi làng, trong làng có một ngôi nhà lợp lá, bên trong hãy còn le lói ánh đèn. Chúng tôi quyết định đi qua nghĩa địa vào làng. Chủ nhà là một bà má miền Nam, chúng tôi cho tổ trinh sát vào hô ba lần Hồ Chí Minh và được nghe đáp lại là "Muôn năm". Đó là tín hiệu liên lạc.
Tại đây, tôi đã được gặp má Huỳnh Thị Sáu (tên thường gọi là Sáu Ngẫu)- bà má miền Nam vốn là cơ sở cách mạng ở địa phương trao cho tấm bản đồ chỉ đường để giúp quân giải phóng tiến vào Sài Gòn thuận lợi, tránh được thương vong tổn thất lớn trên trục đường. Đêm hôm đó, má Sáu đã tham mưu cho Trung đoàn rất nhiều điều quan trọng trong trận đánh. Tấm bản đồ này má ghi lại tất cả những điểm quan trọng trong thành cũng như trên trục đường từ Lái Thiêu về Sài Gòn để chờ trao cho quân giải phóng. Mục đích chính là giúp quân giải phóng tránh được những chỗ địch cài mìn, bố trí tuyến phòng thủ, chốt chặn… Từ tấm bản đồ và chỉ dẫn của má Sáu Ngẫu, hôm sau chúng tôi dùng loa kêu gọi 2.000 lính ở trại Huỳnh Văn Lương đầu hàng. Đồng thời, tấn công qua Lái Thiêu, tiêu diệt các ổ đề kháng và vượt cầu Vĩnh Bình tiến thắng vào Bộ tư lệnh Thiết Giáp ngụy, chiếm luôn 13 căn cứ của lục quân công xưởng ở Gò Vấp và Tổng Y viện cộng hòa. Lúc đó là khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30/4. Sau này, má Sáu Ngẫu được cả quân đoàn gọi bằng tên yêu thương "Bà má tham mưu" và nhạc sĩ Văn Thành Nho đã có bài hát "Tấm bản đồ má trao" để lưu giữ lại những kỷ niệm đáng quý đó.
Ngay sáng 30/4, trong lúc chiến đấu, xe tăng của Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc bị trúng đạn, hư hỏng. Đồng chí Mạc liền nhảy ra khỏi xe tiếp tục chỉ huy tổ B40, B41 tiếp tục chiến đấu và đồng chí đã bị thương nặng. Để đồng đội được cùng chứng kiến giờ phút chiến thắng lịch sử, tôi quyết định đưa Hoàng Thọ Mạc lên xe và tiếp tục cuộc tiến công. Nhưng người đồng đội đã hy sinh ngay trước giây phút chiến thắng. Sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, Hoàng Thọ Mạc là người chiến sĩ đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang.
Thượng tướng – Anh hùng LLVT Nguyễn Huy Hiệu tặng phóng viên cuốn sách quý
PV: Thưa bác! Với vai trò những thành tựu đã đạt được trong cuộc chiến tranh giành độc lập và tự do cho dân tộc, chúng cháu rất muốn được bác – Người anh hùng – Biểu tượng tình yêu nước và ý chí gan dạ, dũng cảm, vượt qua mưa bom bão đạn giành chiến thắng trở về có những lời căn dặn, nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ạ
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu:
Trong cuộc đời binh nghiệp, tôi đã từng gắn bó, từng bế trên tay, từng mai táng bao đồng đội của mình, từng quận lòng khi đồng đội ra đi trong gang tấc. Lúc đó ranh giới giữa cái sống và cái chết thật mong manh nhưng tất cả những người lính đều không ai bận lòng. Bao năm vào sinh ra tử nơi "túi bom, vựa đạn", đằng sau những chiến công oanh liệt, là những tấm gương kiên trung, mưu trí, anh dũng của những chiến sỹ Trung đoàn 27. Chiến đấu giữa lòng địch, từng phút, từng giờ đối mặt với đạn, pháo, song những người lính trẻ vẫn lạc quan, yêu đời, vững tin vào chiến thắng. Cũng từ chân lý ấy, mà biết bao đồng đội của tôi nguyện hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của đồng bào. Đó là những hình ảnh bình dị nhưng vô cùng thiêng liêng về phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ; là minh chứng cao đẹp về truyền thống hào hùng của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Trên đường hành quân, chúng tôi cũng bị địch đánh bom nhiều chứ. Có lần cùng một lúc hy sinh 1 trung đội công binh 36 người. Nhưng chúng tôi không biết mệt nhọc, không biết sợ. Người bị thương được đưa về hậu phương, người ngã xuống nhưng đội hình vẫn phải tiến lên phía trước. Để thực hiện lời căn dặn của Bác "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, bắc nam sum họp xuân nào vui hơn".
Là người trở về từ chiến trường, được chứng kiến cảnh tàn khốc của chiến tranh, khát khao được hòa bình, tôi muốn nói rằng để có cuộc sống hòa bình là vô cùng quý giá. Tôi mong thế hệ trẻ hôm nay hãy phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của thế hệ cha anh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Thời đại ngày nay, khoa học công nghệ đã phát triển, các thế lực thù địch tấn công ta tinh vi trên mọi phương diện bằng các thiết bị kỹ thuận hiện đại, vậy thế hệ trẻ hãy ra sức học tập, trau dồi trí tuệ để bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ sớm, từ xa. Tôi mong các bạn đoàn viên thanh niên biết làm chủ bản thân, làm chủ khoa học, làm chủ công nghệ để tạo thế mạnh cho mình chiến thắng kẻ thù trong thời đại mới. Điều tôi mong muốn là các bạn trẻ hãy phát huy tinh thần yêu nước, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phát huy bản sắc văn hóa của người Việt Nam để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn, tôi cũng mong các bạn đoàn viên thanh niên luôn là đội hậu bị tin cậy của Đảng, xung kích đi đầu trong các phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên mọi mặt trận, xứng đáng với dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
PV: Thưa bác! Nhiều bạn trẻ trong Quân đội đã thuộc bài thơ bác sáng tác từ những năm kháng chiến gian khổ. Nhân dịp này cháu muốn bác giới thiệu với đoàn viên thanh niên và bạn đọc cả nước được khôngạ?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu:
Đúng dịp quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, làm rung chuyển cả Lầu Năm Góc, buộc Tổng thống Mỹ phải chịu khuất phục và ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Trước tin vui ấy, trước cái Tết Mậu Thân ý nghĩa ấy tôi đã làm bài thơ “Mẹ ơi” . Bài thơ này hiện nay đã được phổ nhạc. Xin tặng các bạn trẻ về thời hoa đỏ của thế hệ chúng tôi:
“ Tết này con bận việc quân,
Đường xuân quê mẹ vắng chân con về...
Bước đường trăm núi, ngàn khe,
Vẫn nghe quấn quýt xuân quê bên mình.
Nguỵ trang trong gió rung rinh,
Ngỡ đâu cánh bướm nặng tình quê hương.”
PV: Xin trân trọng cảm ơn bác! Kính chúc Thượng tướng nhiều sức khỏe và luôn là điểm tựa cho thế hệ trẻ chúng cháu!
Hà Dung