Nói chuyện trên chiến trường hay trên bàn đàm phán?
Cuộc chiến kéo dài ở Ukraine đang bước vào một giai đoạn mới và có thể trở nên nguy hiểm hơn nhiều. Sau khi Ukraine tiến hành chiến dịch phản công lớn, tuyên bố giành lại một số vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát trong khi phương Tây tiếp tục hỗ trợ Kiev về chính trị và quân sự, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh động viên một phần ngày 21/9, đồng thời tuyên bố sẽ sử dụng mọi phương tiện sẵn có, trong đó có cả vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ của Nga. Một số nhà quan sát cho rằng các cuộc trưng cầu ý dân về việc gia nhập Nga tại một số khu vực do Moscow kiểm soát ở Ukraine là dấu hiệu cho thấy những nỗ lực của điện Kremlin nhằm gia tăng sức ép lên Ukraine.
Ảnh minh họa: Reuters
Tất cả những diễn biến này đã cho thấy rủi ro leo thang nghiêm trọng cuộc xung đột ở Ukraine, một cuộc chiến đang dẫn đến sự gián đoạn về năng lượng giữa Nga và châu Âu cũng như gây lo ngại về các sự cố hạt nhân.
Trên thực tế, những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine qua con đường ngoại giao đã được thực hiện cách đây một thời gian. Vào đầu năm 2014, sau cuộc cách mạng Euromaidan ở Kiev và Nga sáp nhập Crimea, cũng như tình hình Donbass leo thang, những cuộc đàm phán ngoại giao đã được tiến hành gần như ngay lập tức. Những cuộc đàm phán này chủ yếu diễn ra dưới 2 hình thức: Nhóm Tiếp xúc 3 bên gồm Ukraine, Nga, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu nhằm giải quyết những vấn đề an ninh và chiến thuật của cuộc xung đột; cùng với Thể thức Normandy gồm 4 nước Ukraine, Nga, Pháp và Đức để giải quyết những vấn đề chiến lược ở cấp độ chính trị.
Những nỗ lực trung gian hòa giải trên đã mang đến một thỏa thuận vạch ra lộ trình chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine được gọi là Thỏa thuận Minsk. Theo đó, thỏa thuận này bao gồm lệnh ngừng bắn và yêu cầu các lực lượng rút quân khỏi giới tuyến (line of contact). Dù vậy, Minsk đã không được thực hiện thành công hoặc duy trì lâu dài.
Có nhiều vấn đề khiến việc thực hiện thỏa thuận không thể diễn ra. Điểm mấu chốt trong sự thất bại của thỏa thuận này là mục đích của nó bị các bên sử dụng theo những cách thức khác nhau. Ukraine coi thỏa thuận là một cách để giành lại lãnh thổ do Nga kiểm soát, trong khi Moscow coi đây là một cách để làm suy yếu sự thống nhất của phương Tây về vấn đề Ukraine.
Các thỏa thuận Minsk hiện đã trở nên hoàn toàn lỗi thời sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tình trạng của Donetsk và Lugansk không còn là đối tượng để đàm phán nữa bởi Nga đã công nhận các vùng lãnh thổ này là nhà nước độc lập. Điện Kremlin khẳng định cần phải bảo vệ các vùng lãnh thổ này cũng như "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" Ukraine. Điều này đã dẫn đến giai đoạn hiện nay trong cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, đó là đàm phán chủ yếu qua những diễn biến trên chiến trường.
Hình mẫu cho nỗ lực ngoại giao thành công
Bất chấp thất bại của các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, điều này không có nghĩa là sự trung gian hòa giải quốc tế trong cuộc xung đột sẽ hoàn toàn vô ích. Bởi vì hiện đã có một nỗ lực ngoại giao hiệu quả, không chỉ được tất cả các bên liên quan nhất trí và thực hiện (trong đó có cả Nga và Ukraine) mà còn trở thành một khuôn khổ để ngăn diễn biến cuộc chiến tồi tệ hơn.
Nỗ lực ngoại giao đó chính là Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen - một thỏa thuận quốc tế giữa Nga và Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian. Thỏa thuận này được ký kết ngày 22/7 và có hiệu lực từ ngày 1/8. Thỏa thuận này đã tạo điều kiện cho một hành lang nhân đạo trên biển để xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen và cho phép Nga cùng với Ukraine giải phóng lượng ngũ cốc xuất khẩu bị cản trở do những hệ quả của chiến tranh. Thỏa thuận này đã được thực hiện thành công trong 2 tháng qua, giúp làm giảm sức ép kinh tế lên Ukraine và sự thiếu hụt lương thực trên thế giới, đồng thời là minh chứng cho thấy sự hợp tác thực tế có thể đạt được giữa Nga và Ukraine, thậm chí cả trong chiến tranh.
Một nhân tố quan trọng trong quá trình đàm phán thỏa thuận trên là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia xuất hiện như một nhà trung gian hòa giải hiệu quả và chủ động nhất giữa Nga và Ukraine kể từ khi xung đột bùng nổ. Vị trí đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ khi là thành viên NATO duy nhất không áp trừng phạt Nga và mối quan hệ giữa Ankara với cả Moscow và Kiev đã giúp nước này có được ảnh hưởng chính trị để làm trung gian hòa giải giữa hai bên.
Ngoài ra, vị trí chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trên Biển Đen và các cửa ngõ từ Eo biển Bosphorus tới Địa Trung Hải đã khiến Ankara có vai trò thiết yếu về mặt hậu cần, bởi bất kỳ chuyến vận chuyển nào đi qua Biển Đen đều phải đi qua các eo biển do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.
Vai trò của Liên Hợp Quốc cũng rất quan trọng khi tổ chức này tạo nên tính hợp pháp đa phương của thỏa thuận, đặc biệt là khi cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra các vấn đề về lương thực toàn cầu. Nga và Ukraine chiếm khoảng 18% xuất khẩu ngũ cốc thế giới, cung cấp lương thực cho nhiều quốc gia ở châu Phi và Trung Đông.
Việc Nga phong tỏa các cảng Biển Đen và các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Moscow đã khiến cả hai quốc gia gặp nhiều trở ngại trong việc cung cấp nguồn cung ngũ cốc ra thị trường. Cuộc chiến ở Ukraine không chỉ làm tăng giá lương thực và lạm phát cao mà còn gây ra tình trạng thiếu ngũ cốc tại một số khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất thế giới.
Từ khi Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen được thực hiện, gần 200 chuyến vận chuyển ngũ cốc, chở hơn 4 triệu tấn ngũ cốc đã được cung cấp ra thế giới. Bất chấp cuộc xung đột đang diễn ra, vẫn có một số nhân tố tạo điều kiện cho thỏa thuận trên.
Sáng kiến này cũng cho thấy vai trò của ngoại giao, cũng như việc các bên đàm phán tập trung vào những chi tiết cụ thể trong phạm vi pháp lý và hậu cần của thỏa thuận, đồng thời vượt qua các trở ngại chính trị.
Cơ hội mong manh nhưng không có nghĩa là không thể
Tất cả nhân tố trên có vai trò quan trọng khi cân nhắc đến khả năng của một thỏa thuận ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột hoặc ít nhất là làm giảm nguy cơ leo thang căng thẳng ở Ukraine. Kế thừa Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen và không lặp lại "vết xe đổ" của thỏa thuận Minsk, bất kỳ thỏa thuận mới nào đều phải có mục đích chung và được nhất trí bởi tất cả các bên.
Mặc dù chắc chắn sẽ có không ít khác biệt giữa Nga, Ukraine và phương Tây nhưng vẫn có những mục tiêu chung mà các bên có thể gặp nhau, thậm chí cả khi các mục tiêu đó chỉ là ngăn xung đột leo thang nghiêm trọng khiến các bên đều tổn hại. Một cuộc chiến leo thang có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, từ việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân cho tới việc Moscow cắt hoàn toàn nguồn cung năng lượng, gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở châu Âu.
Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, tập trung vào sự hợp tác đa phương cũng như xác định và thực hiện các mục tiêu chung, có thể là khuôn khổ hữu ích để ngăn cản xung đột leo thang ở Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố công khai rằng nước này muốn làm trung gian hòa giải cho một thỏa thuận ngừng bắn rộng rãi hơn giữa Nga và Ukraine. Ankara hy vọng với kinh nghiệm trong thỏa thuận ngũ cốc cũng như các cuộc trao đổi tù binh gần đây, nước này có thể cùng với Saudi Arabia làm trung gian hòa giải.
Nếu những nỗ lực này có thể tạo ra những kết quả thực chất, thậm chí cả trên những vấn đề tương đối nhỏ, thì điều đó sẽ củng cố nền tảng cho những nỗ lực làm giảm leo thang trong tương lai.
Dĩ nhiên, những vấn đề then chốt như kiểm soát lãnh thổ và đảm bảo an ninh là những vấn đề thách thức hơn nhiều để có thể đàm phán thành công. Bên cạnh đó, cả Nga và Ukraine hiện nay đều tránh bước vào bàn đàm phán trước khi các lực lượng của họ đang nỗ lực giành lợi thế chiến trường. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây đã đặt cuộc xung đột Ukraine vào một nút giao giữa một bên là rủi ro leo thang căng thẳng nghiêm trọng và một bên là cơ hội nhượng bộ ngoại giao với đối phương./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo: Foreign Policy