Xung phong ra tuyến đầu chống dịch

Thứ bảy, 21/08/2021 - 09:47

Chống dịch như chống giặc. Không phân biệt vùng miền, không phân biệt trai hay gái, ai có đủ sức khỏe, đủ điều kiện là có thể xung phong ra tuyến đầu chống dịch. Chúng ta phải huy động sức mạnh tổng lực của hệ thống chính trị, của nhân dân để sớm đẩy lùi đợt dịch lần thứ 4 này càng sớm càng tốt - Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh quan điểm này với các cấp, các ngành "tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết".

Ảnh tình nguyện viên: Vài ngày qua, cư dân mạng liên tục chia sẻ tấm ảnh tình nguyện viên (anh Mai Văn Hiếu (sinh năm 2000, sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại, TP.HCM) che dù ngủ thiếp đi giữa trời mưa trắng xóa. Họ bình luận: "Thương anh quá".

"Mỗi người dân là một chiến sĩ" - câu khẩu hiệu từng trở thành suy nghĩ và hành động của các thế hệ người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để giành và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Khi đó, mỗi người dân đất Việt bừng bừng khí thế "cả nước ra trận" với tinh thần "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi", như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Và hôm nay, chúng ta phải chiến đấu với loại virus được ví như “kẻ thù nguy hiểm giấu mặt, liên tục biến hóa, tàng hình”. Đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của các biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đặt ra thách thức lớn cho chúng ta trong công tác phòng, chống dịch và những nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Trong lời phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phải phát huy sức mạnh toàn dân tham gia chống dịch.

Dịch giã như giặc giã, nhiều tầng lớp đã xung phong được trở thành những “chiến sĩ tuyến đầu” trong trận chiến với dịch COVID-19. Qua báo chí, mạng xã hội, chúng ta có thể thấy được rất nhiều tấm gương sáng trong cuộc chiến này.

“Lương y như từ mẫu”. Hàng chục lá đơn xung phong chống dịch từ đội ngũ y, bác sĩ đã về hưu gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng sau lời kêu gọi hỗ trợ từ Giám đốc Sở Y tế Thành phố. Mỗi lá đơn của một bác sĩ về hưu là một nguyện vọng tham gia nơi tuyến đầu để cứu chữa các ca bệnh COVID-19 nặng, hỗ trợ điểm tiêm chủng và bệnh viện dã chiến. Có những bác sĩ tuổi cao, mang bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu vẫn xung phong đăng ký và đề nghị bố trí công việc phù hợp. “Tôi muốn trực tiếp tham gia vào hồi sức cấp cứu, chữa trị các ca bệnh nặng để sẻ chia cùng đồng nghiệp. Tôi vẫn biết mình chỉ là một hạt cát nhỏ trong cuộc chiến tổng lực này, nhưng tôi biết quanh đây, ngay trong thành phố này, có rất nhiều y, bác sĩ đã sẵn lòng xông pha. Biết đâu khi nhiều hạt cát nhỏ hợp lại sẽ mang tới bất ngờ lớn trong cuộc chiến này”, bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng (56 tuổi), người xếp đầu danh sách đăng ký, bày tỏ.

“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hàng trăm ngàn thanh niên đã sát cánh bên nhau làm việc ròng rã, người nơi tuyến đầu, người ở tuyến sau, đồng cam cộng khổ hỗ trợ cộng đồng vượt qua dịch bệnh. Đến nay, từ Trung ương đến địa phương đã lập nên những “phòng tuyến áo xanh” thực hiện rất nhiều nhiệm vụ như tuyên truyền, phát khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí cho người dân; tham gia tổ COVID-19 cộng đồng; phục vụ các khu cách ly; trực tại các chốt kiểm dịch, phong tỏa; hỗ trợ các điểm tiêm phòng; hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho dân…

“Bản thân là một công dân Việt Nam và mang trong mình sức mạnh của tuổi trẻ, em không thể làm ngơ đứng nhìn đất nước mình rơi vào tình cảnh nguy hiểm, nhất là trong đại dịch COVID-19 này, nên em đã tình nguyện tham gia chống COVID-19, với hy vọng chung tay đánh tan dịch bệnh nguy hiểm này”, là tâm sự của không ít đoàn viên thanh niên. Đến nay, trên cả nước, Đoàn Thanh niên đã thành lập và duy trì hoạt động khoảng 10.000 đội hình thanh niên tình nguyện tham gia chống dịch.

“Dũng cảm trong chiến đấu, gương mẫu giữa đời thường”. Tại các địa phương đang giãn cách xã hội như TPHCM, các tỉnh phía nam, Hà Nội…, nhiều cựu chiến binh không quản tuổi cao, đang là thành viên tích cực của các tổ COVID-19 cộng đồng. Tại bất cứ điểm nóng nào, cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cựu chiến binh đầu bạc phơ, trong bộ quân phục cũ, vừa nhẹ nhàng nhắc nhở, vừa cương quyết yêu cầu công dân tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch... Sự tận tụy, gương mẫu và chuẩn mực của các chú, các bác cựu chiến binh luôn đem lại hiệu quả tức thì.

“Sống tốt đời, đẹp đạo”, đông đảo các chức sắc, chức việc, tín đồ thuộc các tôn giáo trong cả nước đã tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19. Thời gian qua, phong trào “Tăng ni cởi áo cà sa, khoác áo blouse” xông pha vào tuyến đầu chống dịch, đăng ký sử dụng cơ sở thờ tự làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly cho bệnh nhân mắc COVID-19 diễn ra sôi nổi trên cả nước. Hàng trăm tăng ni và Phật tử đã và đang lên đường, đăng ký chăm sóc bệnh nhân F0 tại các bệnh viện dã chiến.

Trong cuộc chiến chống lại đại dịch, Việt Nam đã có biết bao anh hùng thầm lặng, không quản gian khó hy sinh, không toan tính đến việc riêng tư hay sự an toàn của bản thân để cứu chữa cho những người bệnh. Trong cuộc chiến cam go, hiểm nguy đó, không thể kể hết tinh thần chống dịch kiên cường, quả cảm giống như tinh thần “tòng quân ra trận” năm nào của các tầng lớp nhân dân..., từ bác sĩ nghỉ hưu đến thanh niên, cựu chiến binh, sư sãi… “triệu trái tim, một ý chí”.

Ngày hôm nay, câu nói “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” lại vang lên, hàng ngàn người đang xung phong vào Nam để chia sẻ khó khăn, mất mát, nhường cơm sẻ áo, lo cho đồng bào mình. Đây là thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử hiện đại của nước ta, nhưng chúng ta cùng đoàn kết, cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị, quyết tâm, đồng lòng chiến đấu với “kẻ thù giấu mặt- COVID 19”. Nhất định chúng ta sẽ làm được và sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này để đem lại bình an, ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Đức Tuân/Chinhphu