TNV - Trước tình hình cấp bách cần hỗ trợ kịp thời trong công tác phòng, chống dịch COVID tại khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ, trên cơ sở đề nghị của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã triển khai lực lượng ra quân thực hiện công tác hỗ trợ cho các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.
Nói về Đồng bằng sông Cửu Long, mọi người hình dung về một vùng “gạo trắng nước trong”, trù phú nhất nước. Với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi (địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu) và nguồn lao động dồi dào; các tỉnh miền Tây được xem là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước - đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% các loại trái cây, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
BS CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh quán triệt công tác trong ngày ra quân.
Đồng bằng sông Cửu Long, hay còn gọi là miền Tây Nam Bộ, gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long, đang trở lại là một trong những vùng dịch COVID-19 nóng nhất của cả nước. Chỉ chiếm hơn 17% dân số nhưng số bệnh nhân của 13 tỉnh, thành phố tại khu vực này gộp lại chiếm lần lượt là 35,7%, 31,4% và 30% tổng số ca mắc được ghi nhận ở Việt Nam trong các ngày 2, 3 và 4/11.
Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện trao quyết định tăng cường hỗ trợ tại tỉnh Cà Mau cho Bác sĩ Chuyên khoa II Phan Văn Đức, Phó Giám đốc bệnh viện Lê Văn Thịnh
Vào thời điểm hiện tại không một địa phương nào trong số 13 tỉnh, thành phố ở miền Tây Nam Bộ giữ được màu xanh trên quy mô toàn tỉnh, riêng Bạc Liêu và Cà Mau còn không giữ được một đơn vị cấp huyện, thậm chí là cấp xã nào có màu xanh trên tấm bản đồ dịch COVID-19.
Hôm nay cũng tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Phòng Công tác xã hội đã tổ chức ra quân đợt hai để hỗ trợ cho các tỉnh miền Tây trong đó hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau đang là điểm nóng bùng phát dịch, trước đó không lâu cũng tại bệnh viện Phòng Công tác xã hội đã tổ chức ra quân về hỗ trợ tỉnh Kiên Giang. Sau khi các đội đến nơi ngay sáng hôm sau là triển khai ngay công tác đến các địa phương do tỉnh bố trí sắp xếp.
Đội ngũ Y, Bác sĩ hăng hái tham gia hỗ trợ trong ngày ra quân hỗ trợ cho hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.
Đây cũng là chương trình hỗ trợ chia sẻ nghĩa tình của người dân thành phố Hồ Chí Minh đến với bà con miền Tây Nam Bộ. Chương trình được sự đồng ý đề xuất của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Thành Uỷ, Uỷ ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Theo thông tin nhận được hiện nay Bạc Liêu, Cà Mau nơi cực nam của Tổ Quốc ngày càng gần hơn đối diện với nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng . Đứng trước tình hình diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, tình hình “phủ sóng” vắc-xin còn nhiều hạn chế do lực lượng tại chỗ còn mỏng, kinh nghiệm chưa nhiều trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, địa phương phải triển khai đồng loạt nhiều chương trình khác nhau để tăng cường hiệu quả phòng chống dịch. Đây là gánh nặng rất lớn cho địa phương. Lãnh đạo địa phương đã mạnh dạn đề xuất các đơn vị bệnh viện tuyến trên hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm công tác phòng chống dịch.
Đội hình tham gia công tác tậi tỉnh Bạc Liêu.
Trên tinh thần cùng nhau chia sẻ, cùng nhau chống dịch Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã cử lực lượng y bác sĩ đến các địa phương cùng nhau hỗ trợ vượt qua đại dịch. Lực lượng cử đi tham gia là các y bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, trước đây đã từng làm nhiệm vụ tại các bệnh viện thu dung, dã chiến do Bệnh viện Lê Văn Thịnh phụ trách.
Điều dưỡng Hoàng Thị Tuấn Tình chia sẻ trước đây những lúc dịch cao điểm tại thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt là địa bàn thành phố Thủ Đức chúng Em trực tiếp đi lấy mẫu cộng đồng, tiêm ngừa, tham gia hỗ trợ tại bệnh viện thu dung sau khi dịch tại thành phố tạm lắng xuống, chúng Em lại tiếp tục được điều động hỗ trợ tiêm ngừa cho các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, giờ lại được tăng cường về cực nam Tổ Quốc thân yêu, bọn Em vô cùng xúc động vì bà con nơi đây đang từng ngày chờ đợi lo lắng trước bệnh dịch đang bùng phát. Chúng Em sẽ cố găng hết mình vì bà con thân yêu miền Tây Nam Bộ.
Theo chia sẻ của Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh: ngay khi nhận nhận được công văn hoả tốc của các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đề nghị hỗ trợ khẩn cấp, trong buổi tối cùng ngày tôi đã triển khai ngay 10 (mười) đội hình hỗ trợ như: đội khám sàng lọc tiêm ngừa cộng đồng, đội hỗ trợ điều trị bệnh viện thu dung dã chiến, đội phản ứng nhanh tiếp liệu vật tư trang thiết bị y tế ... để kịp thời chuyển đến các địa phương để triển khai phòng, chống dịch.
Tính đến nay Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã tham gia điều động lực lượng y bác sĩ tham gia trên nhiều mặt trận phòng chống dịch khác nhau từ các bệnh viện thu dung dã chiến, đến hỗ trợ tiêm ngừa các tỉnh miền Đông và hôm nay đến Đồng bằng Sông Cửu Long thân yêu đó chính là niềm tự hào rất lớn của tập thể Ban giám đốc cùng toàn thể cán bộ nhân viên y tế bệnh viện, đó cũng chính là sự ghi nhận, sự tin tưởng, tín nhiệm từ lãnh đạo cấp trên, lãnh đạo địa phương dành cho Bệnh viện Lê Văn Thịnh trong thời gian qua.
Tấn Tài, ảnh : Trần Châu