Ý chí, nghị lực và khát vọng của Nguyễn Tất Thành trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước

Thứ ba, 27/06/2017 - 15:01

TNV - Cách đây 107 năm về trước, tại Bến cảng Nhà Rồng thơ mộng, nên thơ, người thanh niên yêu nước với tuổi đời còn rất trẻ với biết bao hoài bão, ước mơ của lứa tuổi thanh niên đã từ giã gia đình, quê hương, đất nước để tìm con đường cứu dân, cứu nước, thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đem lại quyền sống, tự do, hạnh phúc cho muôn triệu người dân Việt Nam.

Cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người đã vượt qua bao phong ba, bão táp nhưng với ý chí, nghị lực và khát vọng phi thường đã giúp Người vượt qua và chiến thắng tất cả, tìm được hướng đi mới, mở ra tương lai, triển vọng cho cả dân tộc, như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết “ Đất nước đẹp vô cùng, nhưng Bác phải ra đi, cho tôi làm con sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác” (trích: Người đi tìm hình của nước).

Ben-Nha-Rong

Bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (1911)

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX lịch sử thế giới và Việt Nam có những biến động hết sức sâu sắc. Về thế giới , đây là giai đoạn chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến giai đoạn tột cùng của nó và chuyển thành chủ nghĩa tư bản độc quyền (chủ nghĩa đế quốc), bản chất xâm lược, hiếu chiến, phản động, cường quyền đã bộc lộ rõ và đẩy đến cao trào làm cho chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ gây nên những hậu quả hết sức nghiêm trọng cho nhân dân các nước thuộc địa, phụ thuộc, trong đó có Việt Nam. Sự thống trị tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc làm cho đời sống nhân dân lao động các nước trở nên cùng cực. Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân ngày càng gay gắt, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra sôi nổi ở các nước thuộc địa. Về Việt Nam , sau khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược nước ta vào năm 1858, chúng đã tay vào công cuộc khai thác thuộc địa và cho thi hành những chính sách cai để trị, đàn áp, bóc lột nhân dân ta hết sức tàn bạo, dã man. Không cam tâm làm tay sai, nô lệ cho chúng, nhân dân ta đã vùng dậy đấu tranh, giáng cho bè lũ cướp nước, bán nước những đòn chí mạng.  Nhiều cuộc đấu tranh, bãi công, bãi thị, tuần hành nổ ra để chống lại những chính sách hà khác của chúng như: Khởi nghĩa Bãi Sậy; Ba Đình, Yên Thế,  Hương Khê; Yên Bái… Nhiều hiền nhân, trí sĩ cũng xuất dương lưu biệt để cứu dân, cứu nước như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường… Nhưng tất cả đều thất bại, bế tắc đi vào ngõ cụt không có lối ra, thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp và dìm những phong trào đấu tranh đó trong biển máu.

Yêu cầu bức thiết đặt ra cho cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ là con đường cách mạng đi theo hướng nào? ai là người có thể tìm ra được con đường đó. Như đáp ứng đúng yêu cầu của lịch sử, ở mảnh đất Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An xuất hiện một cậu bé tuổi còn nhỏ nhưng đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, có tư tưởng lớn. Được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, được tiếp xúc với những bậc tiền bối cách mạng đến làm việc với cụ thân sinh ra Người là Cụ Nguyễn Sinh Sắc, lại trực tiếp chứng kiến sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam, sự đê hèn của triều đình phong kiến nhà Nguyễn, cùng với sự đè nén, áp bức, bóc lột của bọn địa chủ, phong kiến, cường hào và chủ nghĩa thực dân đối với đồng bào mình, dân tộc mình…tất cả những điều trông thấy mà đau đớn lòng, đã thổi vào trong trái tim của Người tình yêu thương con người vô bờ bến, sự căm phẫn đến tột độ bọn áp bức, bóc lột. Ý chí, khát vọng và nghị lực tìm đường cứu nước đã thôi thúc Người, trở thành ước mong, khát khao cháy bỏng nhanh chóng ra đi tìm đường cứu nước để giúp đồng bào thoát khỏi sự áp bức, bóc lột đó.

Được nuôi dưỡng bằng truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương và dân tộc, Người đã bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu về các nước lớn thông qua những bài giảng trên lớp và quyết định đi xem các nước trên thế giới họ làm cách mạng như thế nào để về cứu dân, cứu nước. Với tên gọi “Văn Ba”, ngày 5 tháng 6 năm 1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời bến Cảng nhà Rồng lên con tàu Tàu Latouche Treville với một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Khi nhiều người đang ngoảnh nhìn về phương Đông với sự ngưỡng mộ “người anh cả da vàng”, Nhật Bản - một đế quốc mới ở châu Á đã chiến thắng nước Nga Sa hoàng trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật năm 1905; hay ngưỡng vọng bác sĩ Tôn Dật Tiên với chủ nghĩa “Tam dân” nổi tiếng và cách mạng Tân Hợi 1911 ở Trung Quốc thì Nguyễn Tất Thành tìm đường sang phương Tây, đến nước Pháp, đến nơi sản sinh ra những lời đẹp đẽ: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” đã từng làm rung động lòng mình khi còn ở tuổi thiếu niên. Người ra đi và muốn đến tận nơi sinh ra những lý tưởng cao đẹp đó để tìm hiểu xem thực chất của khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” trong bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của đại cách mạng Pháp. Sự thật của “Tự do” tại đất nước được mệnh danh là số một của “Tự do” thật phũ phàng khi Người đặt câu hỏi: Ánh sáng trên đầu Thần (Thần Tự Do) tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần, người da đen đang bị nô lệ, các dân tộc bị áp bức đang bị nô lệ, người phụ nữ đang bị nô lệ

Cuộc hành trình của người vượt qua ba đại dương, đến bốn châu lục, 28 nước, bôn ba ròng rã trên một chạng đường dài ước tính 20 vạn km, từ những trung tâm văn minh nhất của thế giới, tới những nơi bần cùng và đau khổ nhất của nhân loại thời ấy. Trên suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ không làm người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc. Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Mác Lênin, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc. Tháng 7/1920, Người tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm thấy chân lý giải phóng dân tộc từ bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin.

Bản Luận cương đã chỉ rõ cho Người con đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, chỉ ra phương pháp, lực lượng, nội dung tiến hành cách mạng, từ đó Người khẳng định:Muốn cứu nước giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản, cách mạng Việt Nam bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới. Sau khí bắt gặp ánh sáng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã tích cực truyền bá về Việt Nam thông qua tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, nhờ vậy, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam đã phát triển từ tự phát lên tự giác, ý thức được vai trò sứ mệnh lịch sử của mình.

Chủ nghĩa Mác - Lênin ru nhập vào Việt Nam giữa lúc phong trào đấy tranh của giai cấp công nhân, phong trào yêu nước của nhân dân ta diễn ra sôi nổi mạnh mẽ, yêu cầu đặt ra có chính đảng đứng ra để tập hợp, tổ chức lãnh đạo các phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân đi đúng hướng, mục đích của nó. Được sự tín nhiệm của quốc tế cộng sản, uy tín của mình Nguyễn Ái Quốc đã đứng ra hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành một tổ chức duy nhất với tên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bước lên vũ đài chính trị lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và đã làm nên Cách mạng Tháng 8 năm 1945, sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á; Đánh bại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, chấn động địa cầu, năm châu bốn biển, đại thắng mùa Xuân năm 1975; những thành tựu sau hơn 30 năm đổi mới toàn diện nền kinh tế - xã hội đất nước đã làm cho thế và lực của nước ta ngày càng được củng cố, giữ vững và tăng cường.

Ý chí, khát vọng và nghị lực của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước đã trở thành điểm tựa soi sáng cho con đường học tập, rèn luyện của thanh niên trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thanh niên Việt Nam đã không quản khó khăn, gian khổ, vất vả đã đồng hành cùng với thế hệ Ông cha trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong xã hội ta vẫn có rất nhiều thanh niên tiêu biểu cho bản lĩnh, ý chí, khát vọng và nghị lực phi thường, không đầu hàng trước cái khó, cái nghèo, trước số phận, phấn đấu vươn lên không gục ngã trước những khó khăn, thất bại trong cuộc sống. Học tập và làm theo tấm gương về ý chí, khát vọng và nghị lực của Bác, thanh niên Việt Nam hãy vững tin vào cuộc sống, vào tương lai, vào những hành động, việc làm có ích cho xã hội, có bản lĩnh chính trị vững vàng, không chùn bước, nản chí trước những khó khăn, thất bại trong công việc, trong cuộc sống.

Kỷ niệm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và kiều bào ta ở nước ngoài cùng nhau hướng về Bác,  ôn lại những năm tháng gian nan, vất vả nơi đất khách quê người của Bác, để càng thêm kính trọng, biết ơn đối với Bác Hồ và những bậc tiền bối của dân tộc đã hiến dâng trọn đời mình cho dân tộc. Củng cố ý chí quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam trong bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà Đảng ta, Bác Hồ kính yêu, cùng lớp lớp những người con ưu tú của dân tộc đã đánh đổ bằng mồ hôi, sương máu, nước mắt của mình tạo dựng, vun đắp nên cho giang sơn đất nước được độc lập, tự do, nhân dân có cuộc sống âm no, hạnh phúc, được làm chủ cuộc sống của mình.

ThS. Nguyễn Tú Anh

Học viện Chính trị