Trong tuần qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có động thái mạnh khi yêu cầu các nghị sĩ Cộng hòa cho phép ông bổ nhiệm các quan chức chủ chốt mà không cần thông qua bỏ phiếu tại Thượng viện. Điều này nhằm hạn chế quyền lực còn lại của đảng Dân chủ trong việc cản trở chính quyền mới, nhưng có khả năng tước đi vai trò của Thượng viện nhằm xác nhận hoặc từ chối các đề cử của tổng thống.
Bổ nhiệm không qua xác nhận của Thượng viện
Theo Hiến pháp Mỹ, Thượng viện đóng vai trò quan trọng trong việc xác nhận hoặc bác bỏ đề cử các thành viên trong nội các, thẩm phán và đại sứ của tổng thống. Đây là một phần trong các biện pháp "kiểm soát và cân bằng quyền lực" nhằm đảm bảo tổng thống không thể nắm toàn bộ quyền hạn. Tuy nhiên, có một điều khoản trong Hiến pháp cho phép tổng thống bổ nhiệm nhân sự cho nội các trong thời gian Quốc hội đang nghỉ làm việc.
Quốc hội có thể nghỉ họp trong nhiều tháng và các tổng thống có thể sử dụng điều khoản bổ nhiệm nhân sự trực tiếp trong thời gian này để tránh bỏ trống một vị trí quan trọng nào đó quá lâu. Nhưng thời gian gần đây, quá trình bổ nhiệm trong thời gian Quốc hội nghỉ họp đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong các cuộc đấu đá đảng phái.
Những tổng thống nào đã tận dụng điều khoản này?
Trong lịch sử, có rất nhiều tổng thống Mỹ sử dụng quyền hạn của mình để bổ nhiệm nhân sự mà không thông qua các nhà lập pháp tại Thượng viện. Tổng thống Bill Clinton đã bổ nhiệm 139 lần và Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm 171 lần, nhưng không ai trong số họ sử dụng quy trình này cho các vị trí cấp cao trong nội các, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ. Tổng thống Barack Obama từng cố gắng tiếp tục thực hiện thông lệ đó, với việc bổ nhiệm 32 lần, nhưng một phán quyết của Tòa án Tối cao năm 2014 đã thu hẹp quyền hạn này của tổng thống.
Trong phán quyết đưa ra ngày 26/6/2014, Tòa án Tối cao nhấn mạnh, Tổng thống Obama đã có hành động lạm quyền và vi phạm Hiến pháp khi quyết định bổ nhiệm 3 thành viên trong Hội đồng Quốc gia về quan hệ lao động (NLRB) mà không cần sự phê chuẩn của Thượng viện.
Giải thích về quyết định trên, Thẩm phán Stephen Breyer khi đó nêu rõ Hiến pháp Mỹ cho phép tổng thống quyền bổ nhiệm nhân sự khi Thượng viện nghỉ họp từ 10 ngày liên tiếp trở lên. Tuy nhiên, ông Obama đã thực hiện việc bổ nhiệm trong thời gian Thượng viện không làm việc dưới mức quy định này.
Để giải quyết vấn đề trên, Thượng viện Mỹ, ngay cả trong thời gian nghỉ, vẫn tổ chức các phiên họp theo hình thức, theo đó một thượng nghị sĩ sẽ mở và đóng phiên họp, nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động lập pháp nào. Hạ viện cũng nắm giữ một số quyền nhất định đối với các cuộc bổ nhiệm tạm thời bằng cách từ chối cho phép Thượng viện hoãn phiên họp.
Tại sao ông Trump muốn bổ nhiệm không qua Thượng viện?
Việc bổ nhiệm nhân sự trong thời gian Quốc hội nghỉ làm việc sẽ làm giảm đáng kể quyền lực của Thượng viện. Đó có thể là những gì ông Trump đang cố gắng thực hiện khi ông lên kế hoạch cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, với nhiều dấu ấn mạnh mẽ hơn nhiệm kỳ đầu tiên. Ông Trump dường như muốn trở thành một tổng thống quyết đoán với quyền hạn lớn hơn so với bất kỳ người tiền nhiệm nào.
Khi giữ cương vị tổng thống vào năm 2020, ông Trump cảnh báo sẽ sử dụng các cuộc bổ nhiệm trong thời gian Quốc hội nghỉ làm việc sau khi đảng Dân chủ làm chậm quá trình phê chuẩn của Thượng viện đối với những nhân vật được ông đề cử. Ông cũng cảnh báo sẽ sử dụng quyền lực của tổng thống trong Hiến pháp để hoãn các phiên họp của cả hai viện của Quốc hội trong "những dịp đặc biệt" và khi có sự bất đồng giữa Hạ viện và Thượng viện.
Các cuộc bổ nhiệm trong thời gian Quốc hội nghỉ cho phép ông Trump thể hiện quyền lực chính trị, đặc biệt là khả năng thông qua một số đề cử gây tranh cãi nhất trong nội các của ông.
Trước đó, Tổng thống đắc cử tuyên bố sẽ chọn nhà lập pháp đảng Cộng hòa Matt Gaetz, bang Florida làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp và cựu nghị sĩ đảng Dân chủ Tulsi Gabbard làm giám đốc tình báo quốc gia. Quyết định của ông Trump đã gây “bão” vì ông Matt Gaetz từng phải đối mặt với loạt cuộc điều tra với cáo buộc về hành vi không đúng mực và trái luật, trong đó có cáo buộc sử dụng ma túy bất hợp pháp, nhận quà tặng “không phù hợp”.
Còn bà Tulsi Gabbard không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tình báo như những người trước đây nắm giữ vị trí này. Bà cũng không phải là thành viên lâu năm của đảng Cộng hòa, mà từng là thành viên đảng Dân chủ và chỉ mới ủng hộ ông Trump tranh cử tổng thống hồi đầu năm nay.
Liệu Thượng viện sẽ cho phép điều đó xảy ra?
Để cho phép Tổng thống đắc cử Trump bổ nhiệm nhân sự, các thượng nghị sĩ Cộng hòa sẽ phải thông qua việc hoãn các phiên họp với đa số phiếu ủng hộ, nhưng đảng Dân chủ có thể sẽ làm mọi thứ trong khả năng của họ để ngăn chặn điều này. Cũng không rõ liệu động thái của ông Trump có được các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ hoàn toàn hay không.
Thượng nghị sĩ John Thune, người được bầu làm lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện nhiệm kỳ mới, cho biết ông sẽ không loại trừ khả năng có một cuộc bổ nhiệm trong thời gian Quốc hội nghỉ làm việc. Nhưng việc ông Trump đề cử ông Gaetz và bà Gabbard nắm 2 chức vụ quan trọng trong nội các đã khiến một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phải lên tiếng khẳng định tầm quan trọng của họ trong việc “cố vấn và xem xét” các ứng viên mà tổng thống đưa ra.
Theo giới phân tích, ông Gaetz có thể gặp khó khăn trong việc giành đa số phiếu ủng hộ tại Thượng viện, mặc dù đảng Cộng hòa đang chiếm thế đa số với 53 ghế. Ông Gaetz đã bị Ủy ban Đạo đức Hạ viện điều tra trong nhiều năm về cáo buộc lạm dụng tình dục và sử dụng ma túy bất hợp pháp.
Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đang có kế hoạch bắt đầu tổ chức phiên điều trần về những nhân vật được ông Trump đề cử vào Nội các ngay sau khi Quốc hội mới bắt đầu họp vào ngày 3/1/2025.
Theo VOV