Ý thức chấp hành các biện pháp giãn cách xã hội của người dân được nâng lên, bước đầu đảm bảo đời sống của nhân dân

Thứ bảy, 28/08/2021 - 09:33

TNV - Chiều 27/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP trong 24 giờ qua. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Tô Đại Phong; Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tham dự họp báo có Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh; Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Quang Tự Do; Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Từ Lương; Phó Giám đốc Sở TT-TT Lê Quốc Cường; Phó Chính uỷ Bộ Tư Lệnh TP Nguyễn Tuấn Bảo; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng; Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nguyễn Hồng Tâm; Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP, Thượng tá Lê Mạnh Hà; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động - Thương binh - Xã hội;…

Về các mặt đạt được, theo Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Phạm Đức Hải, ý thức chấp hành các biện pháp giãn cách xã hội của người dân được nâng lên; lưu lượng tham gia giao thông giảm mạnh so với trước; công tác xét nghiệm được đẩy nhanh; an sinh xã hội được nhanh chóng triển khai, bước đầu đảm bảo đời sống của nhân dân.

Về hạn chế, việc giãn cách ở một số nơi thực hiện chưa thật sự nghiêm, một bộ phận người dân vẫn ra đường không có lý do. Cơ quan chức năng đã lập biên bản 2.491 trường hợp vi phạm với số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tại một số nơi, việc hỗ trợ cho người dân còn thực hiện chậm, chưa kịp thời, nhịp nhàng.

Tính đến 06 giờ ngày 27/8/2021, có 194.596 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 194.159 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 437 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 38.559 bệnh nhân, trong đó: có 2.310 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.739 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 26/8: có 2.236 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 99.955), 287 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 8.097).

Từ 18 giờ ngày 25/8/2021 đến 18 giờ 26/8/2021 đã lấy 377.390 mẫu xét nghiệm. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng, ngành y tế đã tăng cường phát hiện F0 trong cộng đồng thông qua xét nghiệm có trọng tâm, có chiến lược tại các vùng đỏ, vùng cam. Từ đó, đưa ra chiến lược phù hợp với từng địa phương.

Tính đến hiện tại, một số quận huyện đã chuyển trang vòng 2 trong công tác xét nghiệm nhanh với 1.117.000 test và phát hiện gần 42.400 trường hợp dương tính (3,5%). Với tỉ lệ này, số ca mắc trong cộng đồng vẫn ở mức độ chấp nhận được.

Về vắc xin, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 26/8/2021 là 5.741.654 (tăng 113.926 mũi vắc xin so với ngày 25/8/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 5.485.507, mũi 2 là 256.147. Về kế hoạch tiêm mũi 2 cho người dân, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nguyễn Hồng Tâm cho biết, ngành y tế đã lưu trữ dữ liệu của những người đã tiêm mũi 1, khi đến thời hạn tiêm mũi 2, người được tiêm sẽ nhận được thông báo của ngành y tế.

Thông tin về trạm y tế lưu động, Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Hưng cho biết, TPHCM đã triển khai hơn 400 trạm y tế lưu động để hỗ trợ cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà. Việc này không chỉ tăng cường chăm sóc F0 đang điều trị mà còn góp phần giải quyết trường hợp cấp cứu, khám chữa bệnh ban đầu cho những trường hợp mắc các bệnh khác. Nhân sự các trạm y tế lưu động cơ bản đáp ứng đủ, các trạm đã đi vào hoạt động và giải quyết kịp thời nhiều nhu cầu của người dân.

Về túi thuốc điều trị cho bệnh nhân F0, hiện tại có 3 nhóm thuốc. Cụ thể, nhóm A gồm các loại thuốc thông thường, nhóm B có thêm một số thuốc đặc hiệu được sử dụng theo chỉ định bác sĩ, nhóm C bổ sung thuốc kháng vi rút cần sự kiểm soát nghiêm ngặt và quản lý đặc biệt.

TPHCM đã tiếp nhận 125 đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội trong ngày (lũy kế từ ngày 11/7/2021 đến 27/8/2021: 577 người);

Tiếp nhận 32 đối tượng cai nghiện ma túy, trong đó vào Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên 2 19 người, vào Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy Bình Triệu 13 người (lũy kế từ ngày 11/7/2021 đến 27/8/2021: 172 người).

Thông tin về các gói hỗ trợ, theo đại diện Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, trước tình dịch bệnh phức tạp, kéo dài dẫn đến nhiều người dân phát sinh khó khăn, bên cạnh việc triển khai Nghị quyết 09, Nghị quyết 68, Nghị quyết 23, TP đã ban hành văn bản 2627 để thực hiện chính sách bổ sung và văn bản 2799 cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ đối với hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động bởi dịch COVID-19.

Lượng phương tiện lưu thông trung bình cả ngày 26/8 (số liệu tại 100 điểm đo đếm trên 48 tuyến đường chính): Lượng xe lưu thông (xe quy đổi PCU/h): 295 PCU/giờ, giảm 88% so với trung bình ngày thường; tăng 16% so với ngày 25/8.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng thông tin thêm, Sở cùng các lực lượng liên quan thường xuyên có các cuộc họp để giải quyết tốt nhất việc lưu thông hàng hoá. Qua theo dõi của Sở Giao thông Vận tải, các chốt kiểm soát trên địa bàn TP không xảy ra tình trạng ùn tắc.

Liên quan đến việc cấp luồng xanh, QR code, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải thực hiện tốt công tác này, không xảy ra vướng mắc, đặc biệt ưu tiên giải quyết các mặt hàng vật tư y tế, oxy.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ cuối năm học 2020-2021, Sở đã chỉ đạo các đơn vị thống kê số lượng, nhu cầu sách để chuyển cho các nhà xuất bản chuẩn bị cho năm học mới. Đến nay, số lượng sách giáo khoa cơ bản đã về TPHCM, trong đó, 70% sách dành cho tiểu học đã chuyển về các trường. Sở cũng phối hợp với nhà xuất bản chuyển sách giáo khoa điện tử về các trường và thông tin đến phụ huynh để sử dụng trước.

Sở đã tham mưu UBND TP bổ sung sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu vào đầu năm học, giúp việc cung ứng sách đến các trường, phụ huynh và học sinh được thuận tiện. Sở cũng chỉ đạo hệ thống đơn vị, cơ sở giáo dục thống kê nhu cầu sách giáo khoa từ phụ huynh, yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND các quận huyện các phương án cung ứng, vận chuyển sách.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, việc cung ứng hàng hoá theo phương án đi chợ hộ là hình thức mới, dẫn đến một số đơn vị chưa có kinh nghiệm, chuyên môn trong việc thực hiện. Trước tình hình đó, để giải quyết kịp thời khó khăn cho người dân, Sở Công thương đã phân công các đầu mối của Sở tại các địa bàn quận, huyện và cung cấp số điện thoại để người dân liên hệ khi cần thiết.

Nếu gặp trường hợp hàng hoá giao trễ, hư, hỏng, người dân có thể liên hệ với tổ dân phố, UBND phường, Phòng Kinh tế quận, huyện hoặc các đầu mối của Sở Công thương.

Tấn Tài