Cụ thể, theo thông tin nhanh từ Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Yên Bái, đến 10h ngày 11/9, có 44 người bị chết và mất tích, 23 người bị thương; trong đó: 38 người chết do sạt lở đất, 02 người chết do ngập lũ, 04 người mất tích. Các địa phương có người chết và mất tích, gồm huyện: Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và TP Yên Bái.
Ngoài 111 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, còn có 112 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, 854 ngôi nhà bị sạt lở taluy, 301 nhà bị tốc mái, 21.288 nhà bị ngập nước và 9 nhà phải di dời khẩn cấp.
Thiệt hại lớn về nông nghiệp, công nghiệp, cơ sở hạ tầng
Về nông nghiệp, 4.815 ha diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó: Diện tích lúa bị thiệt hại, ảnh hưởng: 2.913 ha; diện tích ngô, rau màu bị thiệt hại: 938 ha; điện tích cây công nghiệp (cây dâu) bị thiệt hại: 876 ha; diện tích cây lâm nghiệp bị thiệt hại, ảnh hưởng: 86 ha. Bên cạnh đó, mưa lũ đã làm 10.922 con gia cầm và 17 con gia súc bị chết, 199,88 ha diện tích nuôi cá truyền thống của nhân dân bị lũ tràn qua vỡ bờ, 400 m2 nuôi cá tầm tại xã Việt Hồng (Trấn Yên) bị lũ cuốn trôi đường dây dẫn nước dẫn đến nguy cơ gây thiệt hại số lượng cá tầm trong bể; huyện Trạm Tấu vỡ bờ 06 ao cá, ước tính: 375kg.
Về cơ sở hạ tầng: Các tuyến đường Quốc lộ 37, Quốc lộ 32C, Quốc lộ 2D trên địa bàn Yên Bái bị sạt taluy dương hàng nghìn khối và nước dâng gây tắc đường kéo dài ở huyện Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Tp Yên Bái. Tuyến Quốc lộ 32 còn bị sạt 8 vị trí ở taluy âm. Hiện tại trên tuyến Quốc lộ 32C và 2D nước đã có chiều hướng giảm nhưng người và phương tiện lưu thông khó khăn phụ thuộc vào nước rút của sông.
14 đường tỉnh lộ bị sạt lở taluy với khối lượng 53.595 m3. Trong đó nặng nhất là đường Mậu A - Tân Nguyên (ĐT.165) có 10 điểm sạt taluy dương, 15.000 m3 và sạt 01 điểm sạt taluy âm. Tiếp đến là các tuyến: Đường Khánh Hòa - Minh Xuân (ĐT.171) có 7 điểm sạt, 7.800 m3; đường Yên Thế - Vĩnh Kiên (ĐT.170) với 7 điểm sạt taluy dương, 7.800 m3, 4 điểm sạt taluy âm và một số vị trí tắc đường do nước ngập; đường Sơn Thịnh - Suối Giàng: 23 điểm sạt, 7.500 m3;.. Và trên địa bàn huyện Trấn Yên có 6 tuyến đê bị vỡ, 2 tuyến đê bị tràn.
Bên cạnh đó, có trên 30 trường học, công sở bị ngập úng ở thành phố Yên Bái; 25 công trình thủy lợi, kè bị sập, gãy, bồi lấp kênh, trôi đường ống dẫn nước, sạt mái hạ lưu đập và ngập lụt. Kè bờ suối Thia tại xã Thạch Lương (Nghĩa Lộ), bị sạt lở 40m và vẫn tiếp tục nguy cơ cao sạt lở đê, kè. Đặc biệt, Trung tâm y tế huyện Trạm Tấu bị sạt taluy dương 2.000 m3 gây thiệt hại: 01 lò đốt rác, 1 phần nhà kho của trung tâm, lấp kín phòng giặt, hấp sấy dụng cụ; vùi lấp không hoàn toàn 2 phòng đầu khu nhà Đại thể (Nhà xác); dãy nhà 3 tầng số 6 gẫy các cột trụ ở góc tầng 1 phía bên phải.
Về công nghiệp: Lưới điện Trung áp có 3 cột bị đổ, gẫy; 9 cột bị sạt lở, nghiêng; 1.230 m dây bị đứt; số lượng xà, sứ hỏng: 1 bộ xà đỡ, 1 bộ xà néo; 3 sứ đỡ và 6 chuỗi sứ néo thuỷ tinh. Lưới điện Hạ áp: 35 cột điện bị sạt lở, nghiêng, rạn nứt; số cột bị đổ, gẫy cột: 29 cột; số cột bị trôi mất, vùi lấp: 4 cột; số lượng dây bị đứt: 120 m.
Cùng đó, thủy điện Ngòi Hút 2 sạt lở đường không đi lại được, nhà máy hoạt động bình thường. Thủy điện Nậm Đông 3 xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu bị sạt xuống đường kênh khoảng 7.000-10.000 m3 đất đá, phải dừng phát điện.
Tiếp theo là các thiệt hại về thông tin liên lạc, gồm: 02 trạm thu phát sóng di động BTS của Mobifone ở huyện Văn Yên mất sóng do sét đánh; sau 2 giờ khẩn trương khắc phục đã hoạt động bình thường. 128 trạm BTS bị ảnh hưởng mất liên lạc, đã khôi phục: 107 trạm, còn 21 trạm. 2 tuyến cáp quang nội tỉnh bị gián đoạn đã khắc phục được 1 tuyến Lục Yên – Yên Bái (còn tuyến Nghĩa Lộ - Trạm Tấu); 03 tuyến các quang đi xã tại huyện Văn Yên chưa khắc phục được. Đặc biệt, sạt lở taluy âm chân cột ăngten phát sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái với khối lượng khoảng 100 m3.
Ước tổng thiệt hại tính đến sáng ngày 11/9/ 2024 khoảng 606 tỷ đồng.
Di dời hơn 12.000 hộ ra khỏi khu vực sạt lở đến nơi an toàn
Được biết, đến thời điểm hiện nay, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Yên Bái, đã huy động trên 30.835 người cùng nhiều phương tiện vật tư (máy xúc, máy ủi, ô tô, thuyền máy, thuyền nan, máy phát điện, máy cưa,..) tham gia khắc phục hậu quả; trong đó lực lượng Bộ đội, Công an, Dân quân và đoàn viên thanh niên là nòng cốt để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Đồng thời, kịp thời thực hiện công tác tìm kiếm nạn nhân, đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu, chủ động hỗ trợ kinh phí tới gia đình có người bị chết 25 triệu đồng/người; hỗ trợ gia đình có người bị thương 5 triệu đồng/người. Hỗ trợ 12.088 hộ gia đình ở 7 huyện, thị di dời tạm thời người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đến nơi an toàn.
Đáng chú ý, đối với 111 nhà bị sập đổ hoàn toàn đã di dời và bố trí chỗ ở tạm thời về nhà người thân; còn các hộ khác được bố trí chỗ ở tạm thời tại các nhà văn hóa, trụ sở Ủy ban nhân xã và xen ghép vào các hộ gia đình không bị ảnh hưởng.
Mặt khác, tỉnh Yên Bái cũng bố trí lực lượng y, bác sỹ và chuẩn bị thuốc men để khám và chữa bệnh cho nhân dân nơi sơ tán và tại chỗ; bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Tiếp tục rà soát, tìm kiếm quỹ đất để bố trí làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập hoàn toàn; nhà phải di dời khẩn cấp.
Riêng, TP Yên Bái đã triển khai mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời tiếp nhận nhu yếu phẩm từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân (Hội chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên, Nhà hàng Tùng Dương, Hộ kinh doanh và các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh,…) để cứu trợ cho các hộ trong vùng ngập lụt.
Phạm Quỳnh
Ảnh do người dân cung cấp