Yên Bái: Chủ động tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đến năm 2030, định hướng đến năm 2035

Thứ ba, 14/05/2019 - 11:36

TNV - Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là những hạn chế, bất cập trong công tác phát hiện, quy hoạch, tạo nguồn cán bộ từ đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Ngày 08/8/2018, Tỉnh ủy Yên Bái đã xây dựng Đề án “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” .

Tạo nguồn cán bộ lâu dài, có điều kiện được rèn luyện thực tiễn

Theo đó, đối tượng của Đề án gồm: Cán bộ trẻ dưới 35 tuổi; cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số tuổi đời từ 35 - 45 tuổi. Được tuyển chọntừ các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, lực lượng vũ trang, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, đánh giá, quy hoạch, bố trí, sử dụng và bổ nhiệm giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.


Lớp bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ trẻ tỉnh Yên Bái. Ảnh: H. Thúy.

Tính đến tháng 12/2017, tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh là 25.686 người. Trong đó: Cán bộ trẻ 9.881 người chiếm 38%; cán bộ nữ 11.305 người, chiếm 44%; cán bộ là người dân tộc thiểu số 7.873 người, chiếm 30,6%.

Tổng số cán bộ giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tính đến tháng 6/2018 gồm 423người. Trong đó: Cán bộ trẻ dưới 35 tuổi gồm 2 người, chiếm 0,5% tổng số cán bộ diện Tỉnh quản; cán bộ nữ từ 35 tuổi đến dưới 45 tuổi (không bao gồm cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số) có 15 người, chiếm 3,5% tổng số cán bộ diện Tỉnh quản Cán bộ nữ (không bao gồm cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số); cán bộ người dân tộc thiểu số (gồm cả cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số) từ 35 tuổi đến dưới 45 tuổi có 17 người, chiếm 4% tổng số cán bộ diện Tỉnh quản.

Trong bối cảnh tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển, mở rộng thu hút đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh và bền vững. Cũng như đang thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ các chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế, thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh; khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ và xây dựng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ… Đặc biệt, giai đoạn tới có sự chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, học tập và trưởng thành trong hòa bình.

Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, đặt ra yêu cầu phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng được sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Do vậy, Tỉnh ủy Yên Bái xác định xây dựng và tạo nguồn cán bộ, nhất là từ đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, được xác định là một trong những khâu đột phá của công tác cán bộ trong thời gian tới. Bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo nhân tố mới, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Từ đó, công tác cán bộ của tỉnh phải được thực hiện thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ với các khâu trong công tác cán bộ, liên thông giữa các cấp, các ngành; thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý thống nhất đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Có kỹ năng quản trị doanh nghiệp, hội nhập thị trường quốc tế

Với mục tiêu chủ động nguồn cán bộ dồi dào, khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, đáp ứng việc lựa chọn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu, có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong tình hình mới.

Tháng 2/2019 vừa qua, Tỉnh ủy Yên Bái đã tuyển chọn được 150 cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia 02 lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn trong thời gian từ 2 - 3 tháng, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp, liên kết thực hiện với nội dung: Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về phương pháp lãnh đạo, quản lý.


Các học viên chăm chú nghe giảng và thảo luận bài giảng cùng thầy giáo. Ảnh: H. Thúy.

Ngoài ra, Ban tổ chức khóa học còn liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế (nhà nước, tư nhân, FDI…) để tổ chức các chương trình thực tế, học tập về kỹ năng quản trị doanh nghiệp (thời gian học tập từ 15 đến 20 ngày). Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo, cập nhật kiến thức thực tế ở nước ngoài, mời các chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc…thuyết trình về kỹ năng quản trị doanh nghiệp, hội nhập thị trường quốc tế.

Giai đoạn 2020 – 2025, Tỉnh ủy Yên Bái đặt mục tiêu: Phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40) giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt từ 10% trở lêntrong tổng số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh đạt từ 12%  trở lên; tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt từ 20% trở lên, tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh đạt từ 15% trở lên; có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt từ 20% trở lên; tham gia cấp ủy viên cấp tỉnh đạt từ 15% trở lên, với cơ cấu dân tộc phù hợp; có cán bộ dân tộc thiểu số tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các tỷ lệ này được tăng dần lên ở các giai đoạn tiếp theo.

Theo ông Hoàng Mạnh Hà (Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái), nguyên tắc, quy trình tuyển chọn được thực hiện nguyên tắc lựa chọn cán bộ trẻ với nhau, cán bộ nữ với nhau, cán bộ người dân tộc thiểu số với nhau; nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch. Hình thức tuyển chọn được thực hiện qua 03 bước, trong đó có nội dung viết bài luận về kiến thức chung và thuyết trình do Hội đồng sát hạch quyết định (Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập Hội đồng xem xét, sát hạch đối với cán bộ dự tuyển). Ngoài ra, việc tuyển chọn cán bộ đưa vào Đề án phải đảm bảo hài hòa, cân đối về cơ cấu cán bộ, cơ cấu ngành, lĩnh vực công tác.

Được biết, để thực hiện Đề án có hiệu quả, hằng năm cán bộ của Đề án được luân chuyển, tăng cường, biệt phái về các cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo phù hợp với chuyên môn đào tạo, năng lực, sở trường của cán bộ, nhằm rèn luyện, thử thách qua thực tiễn; xây dựng cơ chế tập sự lãnh đạo cho cán bộ trẻ để đưa về các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhằm tập sự lãnh đạo trong thời gian từ 1 - 2 năm (tùy theo yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể).

Đặc biệt, Yên Bái còn có chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc ở các trường chất lượng trong nước, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nước ngoài, sinh viên tốt nghiệp một số ngành mà hiện nay tỉnh đang thu hút, được hưởng chính sách thu hút nguồn nhân lực của tỉnh; ngoài ra được xem xét, tuyển chọn, tiếp nhận, bổ sung biên chế và phân công về các sở, ngành, địa phương, sau 02 năm công tác sẽ xem xét, đánh giá và được tuyển chọn, bổ sung vào Đề án./.


Vận dụng kiến thức tích lũy được để mang lại những giá trị mới, đưa quê hương phát triển

Đó là chia sẻ của chị HÀ THỊ THÚY (sinh 1985; dân tộc Tày; Thạc sỹ Ngữ văn) hiện công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Văn Chấn.

Trong hơn 10 năm công tác, do chưa được tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về lý luận chính trị. Nên hiểu biết chưa có tính hệ thống, chưa thấy rõ được nguyên nhân sâu sa của những hạn chế, bất cập trong hệ thống chính trị, trong phát triển kinh tế, trong văn hóa và đạo đức xã hội.

Nhưng sau 03 tháng học lớp tạo nguồn cán bộ trẻ do Tỉnh ủy tổ chức, chị đã hiểu và lý giải được căn nguyên của nhiều vấn đề một cách sắc bén hơn; chị thấy trưởng thành hơn rất nhiều về nhãn quan chính trị, lập trường quan điểm, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; củng cố vững chắc niềm tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn, tin vào tương lai tươi sáng của đất nước.

Chị Thúy bày tỏ, việc đi thực tế tại doanh nghiệp sẽ giúp chúng tôi biết rõ được chiến lược phát triển của doanh nghiệp, biết được doanh nghiệp mong muốn gì từ các cơ quan công quyền, từ đó, đề xuất các giải pháp để thu hút các nhà đầu tư lớn, đem lại công ăn việc làm và sự phát triển kinh tế cho địa phương mình. Đồng thời, tìm hiểu nhu cầu đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp, của thị trường nước ngoài, để định hướng việc phát triển ngành, nghề, sản xuất các mặt hàng nông- lâm sản tại địa phương hướng đến đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Với mong muốn vận dụng kiến thức tích lũy được để mang lại những giá trị mới, đưa quê hương phát triển. Trở về đơn vị công tác, chị đang bắt tay xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ huyện Văn Chấn khởi nghiệp, giai đoạn 2019 -2025” .

Hy vọng, nguồn cảm hứng, nhiệt huyết rèn luyện và khát vọng cống hiến mang lại những giá trị mới tốt đẹp cho quê hương của cán bộ nữ trẻ người dân tộc thiểu số HÀ THỊ THÚY cũng như 150 cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng tạo nguồn sẽ được lan tỏa sâu rộng, mang lại những đổi thay tích cực cho mảnh đất và đồng bào các dân tộc Yên Bái.

Phạm Quỳnh