Yên Bái có gần 100 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP

Thứ bảy, 06/11/2021 - 15:50

TNV - Đến hết tháng 10/2021, toàn tỉnh Yên Bái có 94 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao. Trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao và 86 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Đây là kết quả đạt được sau hơn hai năm triển khai Chương trình OCOP, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các Sở, ban, ngành, địa phương cùng nỗ lực, cố gắng của các chủ thể kinh tế trong toàn tỉnh; bước đầu tạo ra những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn.

Góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm

Theo đó, các Sở, ban, ngành trong toàn tỉnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch để chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các xã đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện, có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện Chương trình đạt kết quả tốt nhất.

 

Sản phẩm OCOP 4 sao:  Trà táo mèo Shan Thịnh và dầu massage Quốc Kỳ

Đáng chú ý, Chương trình được tổ chức thực hiện đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng, mang lại lợi ích thiết thực tới người dân, các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Đưa thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp đến rộng khắp các thị trường trong và ngoài tỉnh để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Đánh giá về hiệu quả Chương trình, ông Nhâm Xuân Trường (Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái) cho biết: Bước đầu đã tạo ra chuỗi các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nguồn nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Góp phần tăng cường đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, có sự tham gia của Hợp tác xã, doanh nghiệp để từng bước hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đặc sản gạo séng cù – sản phẩm OCOP của Thị xã Nghĩa Lộ

”Các hoạt động hỗ trợ đã được tổ chức thực hiện có chiều sâu, lựa chọn sản phẩm, đơn vị tham gia đúng yêu cầu, nội dung của chương trình. Sản phẩm của các đơn vị tham gia các hội chợ đã được sự quan tâm của khách hàng, các nhà phân phối, các đại lý. Nhiều đơn vị tham gia đã ký được hợp đồng phân phối với các siêu thị, đại lý. Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia hội chợ cũng đã nghiên cứu thị trường, sản phẩm của các tỉnh, tìm hiểu yêu cầu của các nhà phân phối để phát triển, hoàn thiện sản phẩm” – ông Nhâm Xuân Trường nhận xét.

 Cam lòng vàng và cam sành – sản phẩm OCOP 3 sao huyện Văn Chấn

Tuy vậy, theo ông Trường trong triển khai thực hiện Chương trình cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế: Một số chủ thể có tâm lý coi việc tham gia Chương trình là theo yêu cầu của cán bộ địa phương, trông chờ nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, ngại thay đổi, bằng lòng với quy mô, năng lực hiện tại. Nội dung triển khai chu trình OCOP của nhiều chủ thể còn mang tính hình thức, thiếu sự gắn kết với hoạt động nâng cao năng lực của chủ thể về sản xuất, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường. Việc xây dựng hoàn thiện một bộ hồ sơ sản phẩm OCOP mất nhiều thời gian và kinh phí như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất; phiếu kiểm nghiệm sản phẩm, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, Kế hoạch bảo vệ môi trường, bao bì...

 Bưởi Đại Minh được đóng gói giao cho khách miền xuôi

Còn ít các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ,... có sự tham gia của cộng đồng liên kết theo chuỗi giá trị. Thiếu mạng lưới hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhận thức và trình độ văn hóa của đồng bào dân tộc còn hạn chế, nhất là nhận thức về phát triển và kinh doanh sản phẩm gắn với du lịch. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc cấp giấy chứng nhận VietGrap, Haccp...; hoàn thiện bao bì, nhãn mác; mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, lắp đặt dây truyền sản xuất... của một số chủ thể ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn tại Hà Nội, Hồ Chí Minh bị chậm tiến độ...

Phấn đấu có thêm 35 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP trong năm 2021

Được biết, giai đoạn 2018-2020, tỉnh Yên Bái đã công nhận 83 sản phẩm OCOP, 10 tháng đầu năm 2021 tỉnh có thêm 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Dẫn đầu về số lượng các sản phẩm được công nhận OCOP là các huyện Văn Yên (20 sản phẩm), Trấn Yên (16 sản phẩm), Lục Yên (12 sản phẩm), Văn Chấn (11 sản phẩm). Trong 8 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao thì huyện Văn Chấn có 4 sản phẩm (chiếm 50%) gồm : Gạo nếp Tú Lệ, Xịt Masaga Quốc Kỳ, Trà táo mèo Shan Thịnh, Tuyết Sơn Trà. 

Mật ong rừng tự nhiên Mù Cang Chải được giới thiệu ở Hội chợ BigC Thăng Long – Hà Nội

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái đã đầu tư và đưa vào hoạt động 03 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đặt tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn; huyện Văn Yên và huyện Lục Yên. Đây là những địa điểm có nhiều du khách tới thăm, nhằm hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP được quảng bá giới thiệu rộng rãi đến công chúng, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, mở rộng thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với việc phát triển du lịch địa phương.

Thực hiện Chương trình hành động số 18 – CTr/TU ngày 18/12/2020 của Tỉnh ủy, trong năm 2021 tỉnh Yên Bái phấn đấu có thêm 35 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Theo Văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái, hiện đang có 11 sản phẩm vừa được Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh thông qua yêu cầu hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Đồng thời, cũng trong tháng 11/2021, Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh sẽ xem xét đợt 3 hơn 20 sản phẩm từ các địa phương trình lên.

Chọn lựa mua đặc sản khoai tím tại chợ Lục Yên làm quà

Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố đôn đốc, hướng dẫn các chủ thể đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP, đẩy nhanh tiến độ đánh giá hồ sơ cấp huyện. Mặt khác văn phòng tiếp nhận hồ sơ cấp tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, đánh giá hồ sơ và tham mưu triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021./.

Đặc sản thịt trâu gác bếp của cơ sở Yến Phương (Thị xã Nghĩa Lộ) 

 Xôi nếp tan Tú Lệ - đặc sản dùng để thết đãi khách quý

Cao gắm (Lục Yên) có công dụng: Hỗ trợ bổ can thận, tăng cường chuyển hóa, đào thải axit uric trong máu; giảm các triệu chứng sưng, đau xương khớp do gout. 

Tỉnh Yên Bái có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng, như: chế biến nông lâm sản, thực phẩm; khai thác, chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển thủy điện; hàng thủ công mỹ nghệ; các sản phẩm từ nông nghiệp. Tiêu biểu là những sản phẩm về gỗ, giấy, ván ghép thanh, ván ép, gỗ xẻ thanh, bao bì được xuất khẩu ra các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...Vùng chè có diện tích lớn thứ 2 cả nước, mỗi năm sản xuất chế biến được 26 nghìn tấn chè khô các loại. Đặc biệt, Yên Bái còn có vùng chè shan cổ thụ có tuổi đời tới 400 năm; vùng quế với diện tích 70.000 ha, đến nay có rất nhiều sản phẩm từ quế như tinh dầu, quế vỏ xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

  Bài, ảnh:  Phạm Quỳnh