Lễ cúng rừng được diễn ra trang trọng ở khu rừng thiêng của thôn (Ảnh tư liệu để minh họa)
Bà Lã Thị Liền, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, người Mông xã Nà Hẩu luôn quan niệm những cánh rừng xanh, rừng cấm, rừng thiêng gần bản là nơi chở che dân bản tránh cái gió, tránh lũ ống, lũ quét, cho dân bản sản vật để ăn, nguồn nước để uống, tưới tiêu cho đồng ruộng và cũng mang lại hệ sinh thái tự nhiên giúp họ sung túc hơn nhờ làm du lịch sinh thái, du lịch xanh.
Hơn thế, rừng luôn là nguồn sống, che chở cho đồng bào dân tộc Mông trong xã. Rừng là tất cả, là mái nhà che chở, là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng, rừng tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên cho mọi người. Giữ cánh rừng luôn tươi tốt cũng chính là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm. Do vậy để cảm ơn rừng, gìn giữ rừng cũng như phát huy phong tục, tập quán truyền thống lâu đời của người Mông Nà Hẩu, hàng năm nhân dân trong xã đều tổ chức Tết rừng. Phó Chủ tịch Lã Thị Liền xúc động nói.
Do vậy, Tết rừng được dựa trên ý nghĩa lịch sử truyền thống và tập tục lâu đời của dân tộc Mông với ý nghĩa cảm tạ trời đất, cảm ơn thần rừng thấn núi, cầu mong các vị thần che chở, bảo vệ và giúp người Mông Nà Hẩu có cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc và bình yên; cho cây cối, gia súc, gia cầm phát triển, cho sự trường tồn của các dòng họ cùng với màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng nguyên sinh.
Sau nghi lễ cúng sống là nghi lễ cúng chín (Ảnh tư liệu để minh họa)
Theo Phó Chủ tịch huyện Văn Yên, năm nay, Tết rừng của người Mông, xã Nà Hẩu, được tổ chức từ ngày 8/3 - 9/3/2024 (Tức ngày 28 - 29 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên với chủ đề: “Độc đáo Tết rừng của người Mông Nà Hẩu”. Nhằm tuyên truyền giáo dục bảo vệ rừng nguyên sinh của người Mông xã Nà Hẩu nói riêng và nhân dân Văn Yên nói chung. Là dịp quảng bá nhân rộng thúc đẩy ý thức giữ rừng, phát triển sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc, từng bước thu hút khách du lịch đến thăm quan rừng sinh thái, khám phá sự kỳ thú của cánh rừng nguyên sinh, thưởng thức các sản phẩm ẩm thực của người dân làm ra, từ đó tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái lâu dài bền vững.
Được biết, từ 20h00'-21h15' ngày 08/3/2024 sẽ diễn ra khai mạc Lễ hội và Chương trình nghệ thuật bản sắc… tại Sân vận động xã Nà Hẩu. Nghi lễ cúng rừng từ 08h00’-10h30’, ngày 09/3/2024, tại khu rừng thiêng của các thôn trên địa bàn xã. Mỗi thôn cúng ở một khu rừng thiêng riêng, gồm có rước lễ và thực hiện nghi lễ cúng sống và nghi lễ cúng chín.
Đặc biệt là Hội thề giữ rừng và Ăn Tết rừng của người dân tộc Mông sẽ diễn ra từ 10h giờ 30’, ngày 09/3/2024.
Quang cảnh Lễ rước và các cháu nhỏ tham gia đoàn rước (Ảnh tư liệu để minh họa)
Bên cạnh sự kiên chính là Tết rừng, còn có các hoạt động như: Chợ quê người Mông; Thi đấu và biểu diễn các trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ của người Mông; Trồng cây làm du lịch tại thôn Bản Tát; Tổ chức các hoạt động tham quan, du lịch tại các địa điểm tham quan trải nghiệm của xã; Trưng bày ảnh “Đất và người Văn Yên” trong thời gian từ 08h00’, ngày 08 đến hết ngày 09/3/2024 tại Sân vận động xã Nà Hẩu. Chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách ưa khám phá, trải nghiệm sắc thái văn hóa độc đáo của đồng bào Mông xã Nà Hẩu.
Bà con người Mông rất vui mừng và tự hào về Tết rừng của địa phương (Ảnh tư liệu để minh họa)
Nà Hẩu là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu và là nơi định cư lâu đời của các dòng họ người Mông. Theo hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên, nhờ có phong tục Tết rừng và làm tốt công tác trồng và chăm sóc bảo vệ rừng nên diện tích có rừng của xã Nà Hẩu là 4.326,64 ha (rừng tự nhiên: 3.348,36 ha; rừng trồng: 978,28 ha), tỷ lệ che phủ rừng của xã Nà Hẩu đạt 76,7% - thuộc diện cao nhất tỉnh.
Đặc biệt, đến với xã Nà Hẩu cũng như Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu chúng ta sẽ được thấy những cánh rừng còn tương đối nguyên sinh với nhiều loài động, thực vật quý hiếm của Việt nam cũng như trên thế giới. Các cánh rừng của xã nà hẩu có tính đa dạng sinh học tương đối cao về thảm thực vật, khu hệ thực vật và động vật. Ngoài ra, còn có những mẫu rừng tương đối nguyên sinh là kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới tiêu biểu cho vùng trung tâm ẩm miền bắc Việt Nam.
Phạm Quỳnh