Yên Bái: Công bố Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà và đón Bằng công nhận huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới

Chủ nhật, 23/06/2024 - 12:34

TNV - Tối qua (22/6/2024), tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 và công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040. Sự kiện được tổ chức tại Quảng trường trung tâm huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương tham dự.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã trao Bằng công nhận huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 và tặng hoa chúc mừng.

Đơn vị cấp huyện thứ 4 của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới

Trước đó, ngày 06/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định công nhận huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, đưa huyện Yên Bình trở thành đơn vị cấp huyện thứ 4 của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ và đạt chuẩn nông thôn mới; góp phần tiếp sức cho các huyện còn lại trong tỉnh Yên Bái cũng như nhiều đơn vị cấp huyện trong vùng Tây Bắc và cả nước có thêm động lực và quyết tâm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Từ mảnh đất còn nhiều gian khó, với quyết tâm chính trị cao và tinh thần đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH và xây dựng nông thôn mới, đến nay Yên Bình đã có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn, miền núi, cuộc sống người dân thực sự đổi thay tích cực. Đến nay, tất cả 22 xã của huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới, có 7 xã nông thôn mới nâng cao và 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.

Nông nghiệp trở thành trụ đỡ quan trọng trong nền kinh tế của huyện với vùng trọng điểm lúa năng suất cao trên 600 ha; vùng trồng rừng sản xuất trên 36.000 ha; vùng chuyên canh cây ăn quả và cây trồng kinh tế chất lượng cao diện tích lên tới trên 6.100 ha; vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh với trên 2.000 lồng cá (800 ha) cho sản lượng mỗi năm gần 8.000 tấn thủy sản sạch cung ứng ra thị trường.

Toàn huyện hiện có 18 dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị được thực hiện tại 22/22 xã và 39 sản phẩm OCOP; nhiều sản phẩm đã trở thành đặc sản nổi tiếng và được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, mã vùng trồng như: Bưởi Đại Minh, Gạo Bạch Hà, Cá Hồ Thác Bà, Chè Hán Đà,...

 Lãnh đạo huyện Yên Bình đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Yên Bái nhận Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040.

Cùng với nông nghiệp, huyện Yên Bình đã hình thành 01 cụm công nghiệp và 03 cụm công nghiệp đang đầu tư, với các cơ sở sản xuất may mặc, chế biến gỗ rừng trồng, khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, cơ khí sửa chữa và sản xuất hàng tiêu dùng giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động tại địa phương; góp phần tạo đà cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nền kinh tế của huyện phát triển, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Đặc biệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư khang trang, đồng bộ kết nối tới các 24/24 xã, thị trấn trong huyện với gần 90% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, cơ bản không còn nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 4,52%, thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng, tăng 16 triệu đồng so với 4 năm trước; chỉ số hạnh phúc của người dân ngày một nâng cao.

Đáng chú ý, từ khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đến nay, huyện Yên Bình không có phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tổng nguồn vốn huy động trong 13 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 3.402,738 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp từ chương trình và lồng ghép các nguồn vốn khác 1.747,281 tỷ đồng, chiếm 51,34%; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư và nguồn vốn khác 1.655,457 tỷ đồng, chiếm 48,66%.

Hồ Thác Bà – viên ngọc xanh giữa trời Tây Bắc

Nối tiếp niềm vui công nhận huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới, ngày 10/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040. Đây là tiền đề quan trọng để Hồ Thác Bà được đầu tư, xây dựng trở thành điểm du lịch hấp dẫn của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, phấn đấu trở thành một “điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng” trong lòng du khách và bè bạn gần xa.

Với cảnh quan kỳ vĩ, sơn thủy hữu tình, Yên Bình có Hồ Thác Bà - một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất cả nước, với trên 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ được ví như “vịnh Hạ Long trên núi”, nơi hội tụ bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú, đa dạng,... Từ nhiều năm nay, tỉnh Yên Bái đã chú trọng thu hút, đầu tư xây dựng, hình thành rõ nét vùng du lịch Hồ Thác Bà và dọc sông Chảy - là một trong 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Yên Bái. Qua đó mỗi năm thu hút hơn 250.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm trên 30%, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trung bình 170 tỷ đồng/năm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương và lãnh đạo địa phương tham quan gian hàng sản phẩm OCOP

Theo Quy hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng không gian phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà gồm 2 cửa ngõ, 2 hành lang, 4 vùng phát triển và 8 trọng điểm. Với quy mô diện tích khoảng 53.000 ha, thuộc địa phận huyện Yên Bình và huyện Lục Yên. Mục tiêu là xây dựng và phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Phấn đấu đến năm 2040, Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có thương hiệu với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.

Cụ thể: Hai cửa ngõ là khu vực xã Tân Nguyên kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nút giao IC14, liên kết các khu trung tâm du lịch Liễu Đô - Vĩnh Lạc và Phúc Ninh - Mỹ Gia; Khu vực thị trấn Yên Bình nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nút IC12, liên kết các trung tâm du lịch Tân Hương - Đại Đồng, Linh Sơn - Cao Biền và thị trấn Thác Bà.

Hai hành lang: Hành lang phát triển du lịch từ cửa ngõ Tân Nguyên chạy dọc phía Tây hồ Thác Bà. Hành lang sinh thái là dải phát triển du lịch xanh, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học chạy dọc phía Đông hồ Thác Bà.

Bốn vùng phát triển gồm: Vùng 1: Là khu trung tâm phía Bắc, gắn với đặc trưng cảnh quan, văn hóa, sinh thái. Vùng 2: Là khu trung tâm phía Tây kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai tại nút giao IC14. Vùng 3: Là khu trung tâm cửa ngõ phía Nam. Vùng 4: Là khu du lịch sinh thái đảo và quần đảo phía Đông hồ Thác Bà.

Tám trọng điểm: Bốn trọng điểm phát triển đô thị: Gồm hai đô thị hiện hữu là thị trấn Yên Bình, thị trấn Thác Bà và hai đô thị mới là đô thị Cảm Ân, đô thị Cảm Nhân. Bốn trọng điểm phát triển du lịch: Liễu Đô - Vĩnh Lạc, Tân Hương - Đại Đồng, Linh Sơn - Cao Biền và Phúc Ninh - Mỹ Gia.

Tiếp theo là định hướng phát triển không gian du lịch, dịch vụ gồm:Không gian du lịch Tân Hương - Đại Đồng với diện tích khoảng 232 ha nhằm phát triển du lịch nghỉ dưỡng, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe.Không gian du lịch Linh Sơn - Cao Biền diện tích khoảng 167 ha để phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái ven hồ, trên núi, nghỉ cuối tuần; du lịch văn hóa tín ngưỡng.

Không gian du lịch Phúc Ninh - Cảm Nhân diện tích khoảng 151 ha có chức năng phát triển du lịch sinh thái và khám phá văn hóa, cảnh quan tự nhiên. Không gian du lịch Liễu Đô - Vĩnh Lạc diện tích khoảng 133 ha phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái và khám phá văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch thể thao trên cạn (sân gôn) và dưới nước. 


Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại Lễ công bố, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã biểu dương huyện Yên Bình mặc dù xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, nhưng đã kiên trì thực hiện, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đã phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, lan tỏa mô hình du lịch cộng đồng tại vùng Hồ Thác Bà, xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả kinh tế cao, gần 11.000 ha rừng được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững, cảnh quan môi trường được quan tâm thực hiện.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040, Bộ trưởng NN&PTNT khẳng định, đây là động lực phát triển kinh tế của huyện Yên Bình và của tỉnh Yên Bái, là định hướng mục tiêu, giải pháp để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp – nông thôn tích hợp đa giá trị, gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với du lịch, làng nghề truyền thống.

Vị Bộ trưởng cũng mong muốn Hồ Thác Bà – viên ngọc xanh giữa trời Tây Bắc sẽ góp phần làm nên những giá trị mới bởi tinh thần gắn kết cộng đồng, cùng nhau xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, cùng nhau giữ gìn hồn quê, trân quý màu xanh thiên nhiên của cộng đồng dân cư nông thôn Yên Bình, Yên Bái – những con người vừa đôn hậu, hiếu khách, vừa cần mẫn sản xuất, năng động tham gia kinh tế dịch vụ. (A5, A6)

: Hồ Thác Bà – viên ngọc xanh giữa trời Tây Bắc

Đặc sản Bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình

 Phạm Quỳnh