TNV - Để đảm bảo tính khả thi cũng như nâng cao sức sống cho sản phẩm, vừa qua tỉnh Yên Bái đã điều chỉnh giảm số lượng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao và 5 sao cần thực hiện đến năm 2025.
Lạc rang chay Thái Sơn của huyện Lục Yên – sản phẩm tham gia mới hiện đang đánh thẩm định năm 2023
Theo đó, nội dung điều chỉnh trên được thể hiện tại Quyết định số 801/QĐ-UBND do ông Nguyễn Thế Phước (Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái) kí ban hành ngày 23 tháng 5 năm 2023 về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 1633/QĐ-UBND ngày 21/9/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối với Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.
Không giảm tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh và số sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài
Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái quyết định điều chỉnh giảm từ có ít nhất 35 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao xuống còn có ít nhất 20 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao và điều chỉnh giảm có từ 4-6 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao xuống có từ 1-2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao đến hết năm 2025.
Mặt khác, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái vẫn giữ như cũ mục tiêu đến hết năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 300 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, có từ 15-20 sản phẩm OCOP của tỉnh xuất khẩu ra nước ngoài.
Chè shan tuyết Phình Hồ - sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Trạm Tấu
Đồng thời, tổng số lượng sản phẩm dự kiến tham gia Đề án OCOP giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030 là không thay đổi so với Đề án đã được phê duyệt. Trong đó, cập nhật mới danh mục sản phẩm từ các huyện, thị xã, thành phố, Liên minh Hợp tác xã tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Yên Bãi cũng điều chỉnh kinh phí thực hiện Đề ántừ mức 24.026.744.000 đồng (Hai mươi tư tỷ, không trăm hai mươi sáu triệu bảy trăm bốn bốn nghìn đồng) xuống còn23.785.144.000 đồng (Hai mươi ba tỷ, bảy trăm tám mươi lăm triệu một trăm bốn mươi bốn nghìn đồng). Trong đó, chỉ điều chỉnh giảm nguồn Ngân sách Nhà nước: 19.846.744.000 đồng xuống còn 19.605.144.000 đồng; còn lại, nguồn kinh phí lồng ghép (4.000.000.000 đồng) và nguồn kinh phí từ nguồn vốn hợp pháp khác (180.000.000 đồng) vẫn giữ như trước. Như vậy, kinh phí điều chỉnh giảm không đáng kể (khoảng hơn 240 triệu đồng).
Bổ sung nhiện vụ cho UBND cấp huyện, xã
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng bổ sung nhiệm vụ cho ủy ban nhân dân cấp huyện: Thực hiện công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện theo quy định; ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao (theo mẫu chung theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát trỉển nông thôn) ; tổ chức công bố kết quả. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng lưu ý việc tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP phải thật sự khách quan, đảm bảo chất lượng, không chạy theo số lượng sản phẩm OCOP.
Gạo nếp đen đặc sản của người Mường xã Quy Mông đang đươc xây dựng trở thành sản phẩm OCOP trong năm 2023
“Định kỳ 3 tháng tổng hợp, báo cáo kết quả đánh giá, quyết định công nhận sản phẩm OCOP 3 sao theo phân cấp về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Văn phòng Điều phốỉ nông thôn mới tỉnh)” - Ủy ban nhân dân tỉnh nêu rõ.
Về phía ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung nhiệm vụ tổ chức đánh giá một số nội dung của hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP; ban hành báo cáo đánh giá của ủy ban nhân dân cấp xã về một số tiêu chí sau: nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; bản sắc/trí tuệ địa phương theo quy định.
Đáng chú ý, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), khi tên các sản phẩm có sự biến động, thay đổi, điều chỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố được quyền điều chỉnh các sản phẩm cho phù hợp với điều kiện thực tế. Khi số lượng sản phẩm tham gia tăng theo nhu cầu thực tế, thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp, thẩm định trình ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Được biết, ngoài các nội dung đã được điều chỉnh, bổ sung kể trên, các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 1633/QĐ-UBND của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái.
Theo số liệu do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công bố: năm 2022 tỉnh đã công nhận 59 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuân 3 sao và 4 sao; năm 2023, dự kiến công nhận 129 sản phẩm (66 sản phẩm tham gia mới), năm 2024 công nhận 101 sản phẩm (48 sản phẩm tham gia mới) và năm 2025 sẽ có thêm 26 sản phẩm mới, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh đạt từ 3 sao trở lên là 315 sản phẩm.
Bún khô, phở khô của HTX Thanh Mai là sản phẩm OCOP 3 sao huyện Văn Yên
Trong đó, huyện Văn Yên dự kiến dẫn đầu với 51 sản phẩm, tiếp đến là huyện Trấn Yên (47 sản phẩm), Văn Chấn (46 sản phẩm), Yên Bình (39 sản phẩm), Lục Yên (35 sản phẩm), thành phố Yên Bái (31 sản phẩm), Mù Cang Chải (28 sản phẩm), thị xã Nghĩa Lộ (21 sản phẩm) và Trạm Tấu (17 sản phẩm).
Đặc biệt, từ năm 2024 đến năm 2025 mỗi năm tỉnh sẽ phấn đấu có 01 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao. Cụ thể, năm 2024, huyện Văn Chấn sẽ phấn đấu có 01 sản phẩm OCOP 5 sao và năm 2025 huyện Trấn Yên sẽ có 01 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.
Cá sấy hồ Thác Bà – sản phẩm OCOP 3 sao của HTX dịch vụ tổng hợp Yên Bình
Phạm Quỳnh