Yên Bái đưa Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững

Thứ sáu, 30/08/2024 - 10:48

Để thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2024 với mục đích chủ đạo là đưa Chương trình OCOP vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, đồng thời trở thành chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. 

Sản phẩm măng khô Thác Bà – là 1 trong 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao của Công ty cổ phần Yên Thành. Hiện hơn 80% sản lượng chế biến tre măng Bát độ của Công ty được xuất khẩu ra nước ngoài tiêu thụ.

Sản phẩm măng khô Thác Bà – là 1 trong 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao của Công ty cổ phần Yên Thành. Hiện hơn 80% sản lượng chế biến tre măng Bát độ của Công ty được xuất khẩu ra nước ngoài tiêu thụ. Ảnh: Phạm Quỳnh

Ưu tiên các sản phẩm chế biến, sản phẩm truyền thống, làng nghề và sản phẩm du lịch nông thôn

Theo đó, kế hoạch nhấn mạnh toàn bộ 6 bước của chu trình OCOP đều phải được triển khai thực hiện trên cơ sở nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng". Trong đó trọng tâm là bước hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ tham dự đánh giá và phân hạng sản phẩm để các tổ chức kinh tế hoàn thiện sản phẩm theo kế hoạch kinh doanh của đơn vị mình đã xây dựng, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy hoàn thiện các sản phẩm theo hệ thống các tiêu chí đặt ra. 

Đồng thời, đẩy mạnh hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương, bao gồm: Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức bản địa; sản phẩm có đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống. 

Lạc đỏ ri vỏ đỏ Thái Sơn (huyện Lục Yên) – được Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương công nhận là sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2018-2020.

Lạc đỏ ri vỏ đỏ Thái Sơn (huyện Lục Yên) – được Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương công nhận là sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2018-2020. Ảnh: Phạm Quỳnh

Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm OCOP có thương hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn,  bảo đảm hệ sinh thái bền vững, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; phát triển một số sản phẩm thế mạnh hướng tới thị trường xuất khẩu.

Cụ thể, đối với các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng: Tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện và phát triển sản phẩm. Tập trung tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến, tăng cường giám sát; có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch; tăng quy mô sản xuất; mở rộng thị trường tiêu thụ. Đối với sản phẩm mới: Rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các sản phẩm chế biến, sản phẩm truyền thống, làng nghề và sản phẩm du lịch nông thôn.

Để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, tỉnh Yên Bái khuyến khích các chủ thể sản xuất đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng của từng địa phương. 

Yên Bái đưa Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững- Ảnh 3.

Bà con nông dân xã Bản Mù miệt mài thu hoạch khoai sọ nương – sảnphẩm OCOP đặc sản của huyện Trạm Tấu. Ảnh: Phạm Quỳnh

Tập trung đầu tư cho các sản phẩm có tiềm năng 5 sao và các sản phẩm chủ lực có thế mạnh để hướng tới xuất khẩu

Mặt khác, cơ quan thường trực Chương trình OCOP cấp tỉnh, huyện sẽ tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyển đổi số; năng lực cộng đồng và tinh thần hợp tác; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; các kỹ năng về quản trị, marketing, bán hàng, thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị... cho khoảng trên 160 cán bộ quản lý nhà nước (cấp huyện, xã) thực hiện Chương trình OCOP và 100% các chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với chuỗi liên kết giá trị sản phẩm OCOP. Tổ chức đoàn công tác đi học tập trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh tiêu biểu trong công tác triển khai chương trình OCOP. 

Miến đao tráng thái Toàn Nga – sản phẩm OCOP cỉa xã Quy Mông, huyện Trấn Yên.

Miến đao tráng thái Toàn Nga – sản phẩm OCOP cỉa xã Quy Mông, huyện Trấn Yên. Ảnh: Phạm Quỳnh

Ngoài ra, tỉnh cũng giao các ngành chức năng liên quan đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với nhu cầu thị trường. Nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP, hệ thống phân phối sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; các điểm giới thiệu OCOP đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với khai thác lợi thế về du lịch nông thôn. Gắn sản phẩm OCOP với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương.

Tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường; đảm bảo 100% các sản phẩm OCOP được quảng bá, giới thiệu thông qua các nền tảng Sàn Thương mại điện tử, nền tảng số… Tập trung đầu tư cho các sản phẩm có tiềm năng 5 sao và các sản phẩm chủ lực có thế mạnh để hướng tới xuất khẩu. Thông qua đó quảng bá hình ảnh thương hiệu sản phẩm OCOP Yên Bái.

Yên Bái đưa Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững- Ảnh 5.

Các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực được chế xuất ra từ đặc sản quếhuyện Văn Yên của Công ty TNHH nam dược Đại Phú An phục vụ tiêu dùng trongnước và xuất khẩu ra nước ngoài. Ảnh: Phạm Quỳnh

Yên Bái đưa Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững- Ảnh 6.

Hầm rượu ngâm ủ thùng gỗ sồi của HTX rượu Mộc Yên Hưng – sảnphẩm OCOP tiêu biểu của huyện Yên Bình. Ảnh: Phạm Quỳnh

Cùng đó, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và giám sát sản phẩm OCOP đồng bộ và thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, giám sát, thúc đẩy kết nối cung - cầu sản phẩm. 

Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP được công nhận; thu hồi giấy chứng nhận đối với các sản phẩm không đáp ứng điều kiện theo quy định. 

Đặc biệt quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia. Chương trình OCOP chuyển đổi số để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.

Với tinh thần quyết tâm cao hơn, tỉnh Yên Bái yêu cầu các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 phải có ít nhất một sản phẩm được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên. Đồng thời, phấn đấu phát triển thêm từ 30 sản phẩm mới trở lên, đưa tổng số sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên đến hết năm 2024 dự kiến có 264 sản phẩm; trong đó phấn đấu có 01 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.

Phạm Quỳnh