Tích hợp Hệ thống đăng nhập dùng chung (SSO) với hệ thống Trợ lý ảo.
Theo ông Lê Trí Hà (Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Yên Bái), để công việc thử nghiệm đạt kết quả tốt, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phối hợp chuẩn bị đầy đủ và cung cấp kịp thời, có chất lượng các dữ liệu, số liệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh các văn bản cấp huyện, cấp xã.
Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức được lựa chọn tham gia quá trình thí điểm chịu trách nhiệm tham gia nghiêm túc, tích cực đặt câu hỏi, thử thách Trợ lý ảo để huấn luyện và làm giàu tri thức cho Trợ lý ảo thông qua quá trình sử dụng; nghiên cứu, thống kê những vấn đề còn tồn tại, hạn chế của Trợ lý ảo, tập hợp các ý kiến tham gia, góp ý, gửi về Trung tâm Chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông để tiếp tục hoàn thiện nền tảng Trợ lý ảo trong quá trình thử nghiệm.
“Sau thời gian thí điểm, phải tổng kết, đánh giá được những ưu điểm, tồn tại, hạn chế của nền tảng Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Yên Bái, cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của quá trình triển khai nền tảng này trên phạm vi toàn tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông để đề xuất tiếp tục hoàn thiện, đưa vào sử dụng rộng rãi hay không tiếp tục phát triển nền tảng sau thời gian thí điểm.” – ông Hà nhấn mạnh.
Khảo sát, giới thiệu Trợ lý ảo tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ông Nguyễn Khánh Phương (Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái) cho hay, đến thời điểm hiện nay (25/3/2024), tỉnh yên Bái đã hoàn thành việc cập nhật dữ liệu của tỉnh Yên Bái lên nền tảng Trợ lý ảo, cụ thể gồm: Cập nhật dữ liệu, thông tin công khai từ Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí của tỉnh và trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; cập nhật các thông tin, số liệu, dữ liệu do các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cung cấp,..; thực hiện việc thí điểm kết nối để cập nhật dữ liệu văn bản trên hệ thống Văn phòng điện tử Voffice cho Trợ lý ảo.
Đồng thời, cung cấp thông tin tài khoản sử dụng Trợ lý ảo đến toàn bộ các công chức, viên chức tham gia thí điểm; tích hợp hệ thống Đăng nhập dùng chung của tỉnh (SSO) với hệ thống Trợ lý ảo; tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng Trợ lý ảo cho cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Cũng theo ông Phương, việc sử dụng Trợ lý ảo có ưu điểm hơn nhiều so với việc sử dụng các công cụ tìm kiếm khác là cho một kết quả theo đúng yêu cầu của người đặt câu hỏi, bên cạnh đó còn trích dẫn các văn bản pháp luật liên quan làm cơ sở pháp lý minh chứng cho kết quả đã đưa ra.
Tuy nhiên, để Trợ lý ảo cho ra kết quả chính xác nhất, đòi hỏi các cán bộ, công chức, viên chức được cấp tài khoản thực hiện việc truy cập nền tảng Trợ lý ảo phải thường xuyên hàng ngày sử dụng, đặt câu hỏi, thực hiện huấn luyện Trợ lý ảo; tổng hợp danh sách các câu hỏi, các lần truy cập, truy vấn nền tảng Trợ lý ảo, báo cáo cơ quan, đơn vị gửi Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh sau khi kết thúc thí điểm. Ông Phương lưu ý.
Triển khai tập huấn sử dụng Trợ lý ảo.
Được biết, mục đích của việc thí điểm triển khai Trợ lý ảo nhằm để phục vụ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Yên Bái trong việc hỏi/đáp các nội dung, thông tin liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật của trung ương, của tỉnh; tư vấn pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh được tiếp cận sớm với những tiến bộ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong nước và trên thế giới.
Mặt khác, việc triển khai thí điểm nền tảng Trợ lý ảo phục vụ cán bộ, công chức, viên chức tại tỉnh với nhiều người tham gia sẽ góp phần giúp Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá được hiệu quả, tính ứng dụng và khả năng triển khai rộng rãi của công nghệ này trên phạm vi toàn quốc; đồng thời giúp tỉnh Yên Bái đánh giá được năng lực triển khai, ứng dụng công nghệ AI tại các sở, ban, ngành, địa phương cũng như tăng cường năng lực tiếp cận công nghệ mới của cán bộ, công chức, viên chức trên phạm vi toàn tỉnh.
Phạm Quỳnh