Yên Bái phát triển sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu và nâng cao sức cạnh tranh

Thứ ba, 01/09/2020 - 18:26

TNV - Theo khảo sát tại180 xã, phường và thị trấn trên địa bàn tỉnh Yên Báicó 90 sản phẩm thuộc 6 nhóm sản phẩm OCOP có thể tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; trong đó, 2 sản phẩm đã đăng ký chỉ dẫn địa lý, 8 sản phẩm có chứng nhận nhãn hiệu tập thể, 3 sản phẩm có nhãn hiệu chứng nhận, 6 sản phẩm có chứng nhận ViepGap, 18 sản phẩm có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

1 59 /180 tham gia đăng ký sản phẩm OCOP

Nhóm thực phẩm có số lượng sản phẩm nhiều nhất với 69 sản phẩm (chiếm 76,67%), gồm gần như đầy đủ cây con chủ lực của tỉnh như: cam, bưởi, miến, gạo, măng bát độ, chè xanh, chè shan tuyết; gà đen, lợn bản, thịt trâu sấy, cá hồi, cá tầm nước lạnh, cá trắm, cá chép, cá diêu hồng....

Bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình.

Bên cạnh đó là nhóm đồ uống có 6 sản phẩm (chiếm 6,67%), gồm: Rượu táo mèo, rượu tứ khoái, rượu Bách chi, rượu thóc, rượu ngô, rượu men lá và nước uống tinh khiết; nhóm dược liệu có 5 sản phẩm (chiếm 5,56%), đó là: Dầu trị liệu cổ truyền, dầu thảo dược, cao thiên y, cao thực vật, tinh dầu thực vật Đại Phú An; nhóm vải và may mặc có 2 loại sản phẩm chủ yếu là thổ cẩm, chiếm 2,22%; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí cũng có 2 sản phẩm (chiếm 2,22%) là tượng đá, các sản phẩm mỹ nghệ từ đá. Cuối cùng là nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng: Có 6 sản phẩm (chiếm 6,67%) bao gồm du lịch Suối khoáng, du lịch cộng đồng.

Số lượng sản phẩm trên được phân theo các huyện, thành phố, thị xã như sau: Huyện Văn Chấn đứng đầu với 15 sản phẩm, bao gồm: Gạo Tú Lệ, tinh dầu quế, chè shan tuyết, chè shan tuyết Suối Giàng, chè đen, cam Văn Chấn (cam sành, cam Valenxia, cam đường canh, cam Vinh), gạo séng cù, gạo hương chiêm, mật ong, baba gai... Huyện Lục Yên 13 sản phẩm, gồm: Cam sành Lục Yên, dầu lạc, lạc đỏ, gà trống thiến, vịt bầu, cá bỗng, lợn thịt bản địa, rượu ngô, rượu men lá, thổ cẩm, tranh đá và các sản phẩm mỹ nghệ từ đá, du lịch cộng đồng. Huyện Trấn Yên 12 sản phẩm, bao gồm: Tinh dầu quế hữu cơ, quế vỏ khô, măng bát độ, miến đao, chè xanh bát tiên, cam Trấn Yên (cam sành, cam Valenxia, cam đường canh), gà thương phẩm, mật ong...

Tiếp đến là huyện Văn Yên 11 sản phẩm, bao gồm: Gạo hương chiêm, quế vỏ khô, tinh dầu quế, gà đen, lợn địa phương, mật ong hoa nhãn, rau xanh, cao thực vật, tinh dầu thực vật Đại Phú An….; thị xã Nghĩa Lộ 9 sản phẩm, bao gồm: gạo séng cù, hương chiêm, thịt lợn, trâu sấy, rượu Bách chi, thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, du lịch cộng đồng…; huyện Mù Cang Chải có 8 sản phẩm, bao gồm: Quả Sơn tra, lợn đen, gà đen, cá hồi, cá tầm, mật ong, chè shan tuyết, du lịch cộng đồng;

Theo ông Nhâm Xuân Trường (Phó Chánh Văn phòng điều phối CTMTQG xây dựng Nông thôn mới tỉnh Yên Bái): Hiệu quả của Chương trình hướng tới là tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và thương hiệu ở khu vực nông thôn; mở ra luồng đầu tư của cộng đồng thông qua phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP, hình thành các tổ chức kinh tế OCOP dưới dạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, tổ hợp tác sản xuất, hộ gia đình đăng ký kinh doanh; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển quốc gia khởi nghiệp, tạo thêm nhiều công ăn việc làm ở khu vực nông thôn. Đồng thời, Chương trình OCOP giúp cho một bộ phận lớn dân cư các cộng đồng ở vùng nông thôn trở thành chủ nhân của quá trình phát triển kinh tế.

Huyện Yên Bình có 8 sản phẩm, bao gồm: vỏ quế khô, măng bát độ, chè xanh, bưởi diễn, bưởi Đại Minh, cá hồ thác bà, du lịch cộng đồng, gạo Bạch Hà; huyện Trạm Tấu cũng có 8 sản phẩm, bao gồm: Chè shan tuyết, nếp 87, lợn đen, gà đen, gạo chí chủa, quả sơn tra, du lịch suối khoáng, du lịch cộng đồng; Thành phố Yên Bái 6 sản phẩm, bao gồm: Miến đao, rau xanh, chanh tứ thời, các loại chè…

Khoai môn tím Lục Yên.

Hầu hết các sản phẩm ở dạng vật phẩm có sẵn hoặc sản phẩm được làm với công nghệ thô sơ, đơn giản, hoàn thiện sản phẩm (bao bì, nhãn mác,...) chưa đi đôi với quản lý chất lượng nên khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường còn yếu. Một số sản phẩm tiềm năng trên địa bàn tỉnh như: Miến đao, rau xanh an toàn, măng bát độ, cam, chè shan tuyết và rượu ngô, rượu thóc, rượu tứ khoái,... còn sản xuất bằng công nghệ truyền thống, chưa có quy hoạch bài bản, rõ ràng.

Có 17 sản phẩm trùng nhau. Số lượng các loại sản phẩm của tỉnh còn lại sau khi thống nhất ghép các sản phẩm có cùng tên giống nhau là 61 sản phẩm.

Qua điều tra cho thấy, 159/180 xã đã tham gia đăng ký sản phẩm OCOP, chiếm tỷ lệ 88,33%; các xã, phường còn lại chưa có sản phẩm, chiếm 11,67%. Trong đó: Thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Yên Bình 100% xã, phường, thị trấn có sản phẩm; huyện Lục Yên 20/24 xã có sản phẩm chiếm 83,33%, huyện Mù Cang Chải 11/14 số xã có sản phẩm chiếm 78,57%, huyện Trạm Tấu 8/12 xã có sản phẩm chiếm 66,66%; thành phố Yên Bái dưới 50% số xã có sản phẩm OCOP .

Tâm lý trông chờ, ngại đột phá của người dân là điểm nghẽn cản trở sự phát triển

Theo thông tin do các huyện cung cấp, số lượng các chủ thể tham gia sản xuất xuất các loại sản phẩm hiện có, gồm: 38 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác, 19 doanh nghiệp, 45 hộ gia đình. Tất cả các sản phẩm trên đều được sản xuất trên địa bàn tỉnh Yên Bái và được các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết đến tận hộ sản xuất kinh doanh.

Miến dong Giáp Hậu, TP. Yên Bái.

Tuy các sản phẩm tại cộng đồng đa dạng, song phần lớn khó tiêu thụ hoặc chưa được thương mại hóa trong và ngoài tỉnh; số lượng sản phẩm đạt chứng nhận đủ tiêu chuẩn còn hạn chế. Nguyên nhân, do cách thức tổ chức, quản trị của các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn còn yếu; các HTX, THT phần lớn chưa xây dựng được bộ máy tổ chức hoạt động chính quy, chưa xây dựng được cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm chuyên biệt, chưa tạo được liên kết sản xuất giữa các thành viên,...

Mặt khác, việc sản xuất các sản phẩm còn mang tính thụ động, chỉ sản xuất những sản phẩm trong khả năng mình có hoặc sản xuất với quy trình, công nghệ truyền thống, lạc hậu, chưa nắm bắt theo xu hướng thị trường, sản xuất quy mô nhỏ, tính bền vững không cao, giá trị gia tăng thấp do chưa biết tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu, khai thác các lợi thế ở vùng nông thôn và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Các hoạt động xúc tiến thương mại được tỉnh Yên Bái chú trọng triển khai trên phạm vi cấp vùng và tỉnh, tổ chức các hội chợ ở Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ,... đã thu hút sự tham gia của các cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các chủ thể này đều chưa quen với kinh tế thị trường, chưa chủ động tìm kiếm khách hàng. Tâm lý trông chờ, e dè, ngại đột phá của người dân là điểm nghẽn cản trở sự phát triển và gia tăng giá trị hàng hóa ở vùng nông thôn.

Trà táo mèo Shan Thịnh, huyện Văn Chấn.

Với tinh thần “Quốc gia khởi nghiệp” theo phát động của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cần có sự tham gia khởi nghiệp của cả đội ngũ nông dân đông đảo hiện nay. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để người dân tự đứng trong tổ chức kinh tế của mình (doanh nghiệp, hợp tác xã...) để nông dân thực sự làm chủ, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế từ những lợi thế của mỗi địa phương trong tỉnh.

Tháng 03/2017, tại Hội nghị “Phát triển Mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp” Chính phủ đã có chỉ đạo triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong phạm vi toàn quốc nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đồng thời thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2019 2020 phấn đấu tiêu chuẩn hóa 70 sản phẩm

Từ thực tiễn trên, tháng 6/2019 UBND tỉnh Yên Bái đã xây dựng Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030”nhằm tận dụng được tối đa những lợi thế riêng, biến những giá trị tiềm năng trở thành lợi thế, tạo động lực cho sự đột phá trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, miền núi. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Yên Bái có những cách làm sáng tạo, phá vỡ các rào cản về không gian, những giới hạn về địa lý, về trình độ để phát triển một cách hài hòa, bền vững, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Mật ong hoa rừng tự nhiên Mù Cang Chải.

Theo đó, ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất kinh doanh để sản xuất ra các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần đưa kinh tế nông thôn phát triển theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị.

Giai đoạn 2019 – 2020, bổ sung nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới thực hiện chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến huyện, xã phấn đấu tiêu chuẩn hóa 20 sản phẩm hiện có của địa phương. Năm 2019 đã phát triển 8 sản phẩm: Miến đao Giới Phiên (thành phố Yên Bái); Chè Shan tuyết Suối Giàng (huyện Văn Chấn); tinh dầu quế (huyện Văn Yên); Gạo séng cù (thị xã Nghĩa Lộ); bưởi Đại Minh (huyện Yên Bình)…

Cuối tháng 11/2019, thực hiện Chương trình hành động số 190-CTr/TU của Tỉnh ủy, giao thực hiện tiêu chuẩn hóa 70 sản phẩm OCOP cho cả giai đoạn 2019 – 2020, như vậy năm 2020 số lượng sản phẩm phấn đấu hoàn thành là rất lớn: 62 sản phẩm. Được biết, tính đến hết tháng 7/2020, đã có 18 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được đánh giá phân hạng; dự kiến, hết tháng 9/2020 cả tỉnh có 38 sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng đều đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh trở lên.

Gạo Mường Lò.

Đồng thời, chú trọng xây dựng quy chế quản lý tem nhãn mác OCOP, chế độ thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP; tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho 100% cán bộ cấp tỉnh, huyện tham gia trực tiếp chương trình OCOP ; 100%  doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đăng ký tham gia chương trình OCOP được tập huấn kiến thức quản lý sản xuất, kinh doanh.

Song song với đó là nâng cao kỹ năng tiếp thị, bán hàng cho đội ngũ tham gia vào hệ thống xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện; duy trì chu trình chuẩn OCOP liên tục từ tỉnh xuống huyện, xã. Hằng năm mỗi huyện có ít nhất 01 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo Chu trình OCOP.

Tập trung nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường và hướng đến xuất khẩu

Giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở kết quả đã đạt được của giai đoạn 2019 - 2020, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu; đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác. Đầu tư nâng cấp 20 sản phẩm thế mạnh, phát triển 10 sản phẩm mới; lựa chọn và đầu tư phát triển 2-3 sản phẩm đạt cấp quốc gia. Phát triển mới 60 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia chương trình OCOP.

Các sản phẩm quế huyện Văn Yên.

Giai đoạn 2026 – 2030, phát triển 60 - 80 sản phẩm OCOP, trong đó 25 - 30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-5 sao cấp tỉnh; lựa chọn, đầu tư phát triển 3-5 sản phẩm đạt cấp quốc gia. Tư vấn, thành lập mới, chuyển đổi cơ cấu của 80 - 85 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Phấn đấu 100% các xã có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Khi các sản phẩm OCOP phát triển mạnh mẽ, cần lựa chọn 1-3 sản phẩm hiệu quả kinh tế cao để đầu tư thành sản phẩm chủ lực của huyện, 3 - 5 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; tập trung củng cố, nâng cấp chuỗi sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị.

Chè Shan Phình Hồ, huyện Trạm Tấu.

Việc quyết định chọn sản phẩm nào do người dân và cộng đồng quyết định, nhưng cần đạt các quy định hiện hành cho loại sản phẩm đã chọn; đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ đăng ký sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP theo nguyên tắc hướng tới tiêu chuẩn quốc tế (như: Global, GAP,...) và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực./.

Thịt sấy cơ sở Yến Phương, thị xã Nghĩa Lộ.

Phạm Quỳnh