Theo đó, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở thôn xóm một cách sâu rộng, nhằm đưa các nền tảng và công nghệ số thiết yếu phục vụ tốt nhất vào đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, cũng như hướng dẫn người dân cách khắc chế mặt trái của không gian mạng.
Trong đó, nổi bật là các hoạt động như: Tổ chức Chiến dịch "Phổ cập các nền tảng, công nghệ số thiết yếu đến người dân"; Tổ chức Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu về kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng tỉnh Yên Bái năm 2024"; Phát động phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức học điều khiển trí tuệ nhân tạo phục vụ công việc"; Tổ chức Chiến dịch truyền thông "Nhận diện và phòng chống lừa đảo trên không gian mạng"…
Phát triển mạng lưới viễn thông, internet tốc độ cao, xóa các điểm lõm sóng, trắng sóng
Phó Chủ tịch tỉnh Ngô Hạnh Phúc cho hay, các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024 của tỉnh Yên Bái tập trung vào việc tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng số, xây dựng, phát triển mạng lưới viễn thông, internet tốc độ cao, xóa các điểm lõm sóng, trắng sóng. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sáng tạo, phát triển các ứng dụng số phục vụ phát triển kinh tế số. Cùng đó là tổ chức tập huấn, hội thảo để nâng cao nhận thức của người dân, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng số trong phát triển kinh tế; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Được biết, với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong tiến trình Chuyển đổi số, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã bám sát chủ đề của quốc gia, của tỉnh để triển khai thực hiện. Qua đó nhiều mô hình, cách làm hay đã xuất hiện và được triển khai nhân rộng, thực hiện có hiệu quả.
Nhờ vậy, đến nay tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt xóa vũng lõm sóng, trắng sóng 3G, 4G; tổng số trạm phát sóng di động trên địa bàn tỉnh là 2.468 trạm, đưa độ phủ sóng 4G lên 98,5% thôn, bản trên địa bàn tỉnh. Cổng Dịch vụ công tỉnh Yên Bái đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đứng thứ 01/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc về đánh giá, xếp hạng chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh năm 2024.
100% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng các nền tảng số trong kinh doanh, quản trị; thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh trên địa bàn toàn tỉnh, toàn tỉnh, hầu hết các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, thương mại đều có thể thanh toán không dùng tiền mặt… đây là một tiện ích vượt bậc do Chuyển đổi số mang lại.
Đáng chú ý, nhờ ứng dụng công nghệ số, đã có nhiều mô hình thành công trong phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch. Tiêu biểu như chàng thanh niên 32 tuổi Sùng A Tủa - người dân tộc Mông xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, với kênh A Tủa Phình Hồ thu hút hơn 300.000 người theo dõi; anh Hà Văn Thịnh 36 tuổi người Tày xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, với kênh Anh Dân Tộc thu hút trên 200.000 người quan tâm, đã ứng dụng thành công công nghệ số để phát triển kinh tế cho mình và thu hút khách du lịch đến địa phương. Đây là những tấm gương điển hình về phát triển kinh tế số của địa phương.
Ông Ngô Hạnh Phúc khẳng định Cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã và đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số "Toàn dân, toàn diện". Đến nay Hạ tầng chuyển đổi số đã được quan tâm đầu tư, hoàn thiện, Chính quyền số được triển khai rộng khắp, góp phần cải thiện hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Kinh tế số từng bước phát triển, đóng góp ngày càng quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Xã hội số được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin, dịch vụ và tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, nhờ nhận thức và thói quen sử dụng các tiện ích công nghệ số, trong tình hình phức tạp của cơn bão số 3 vừa qua, việc thông tin, trao đổi giữa các cơ quan chức năng, giữa chính quyền với người dân được thực hiện và cập nhật liên tục; phục vụ đắc lực cho công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. Vị Phó Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.
Hỗ trợ tối đa để người dân ứng dụng công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế và cuộc sống
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Ngô Hạnh Phúc cũng thẳng thắn cho hay, chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn một số bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế cần tiếp tục khắc phục như: Nhận thức, kỹ năng số cơ bản của một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực phục vụ chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương và một bộ phận nhỏ người dân còn chưa đảm bảo. Vấn đề về tạo lập, số hóa, cập nhật, kết nối cơ sở dữ liệu còn nhiều thiếu đồng bộ. Mức độ ứng dụng công nghệ số của doanh nghiệp và người dân còn chưa cao, chưa trở thành thói quen, nền nếp thường xuyên.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số theo hướng thiết thực, hiệu quả mang đặc trưng Yên Bái - "Chuyển đổi số để người dân hạnh phúc hơn".
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ngô Hạnh Phúc đề nghị Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, khuyến khích người dân chủ động học tập, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số; hỗ trợ tối đa để người dân ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế và cuộc sống.
Thứ hai, tập trung khắc phục hư hỏng về hạ tầng mạng viễn thông sau bão số 3, phát triển vùng phủ sóng mạng internet cáp quang băng rộng cố định và băng rộng di động, xóa vùng lõm sóng, nâng cao chất lượng dịch vụ sóng di động; truyền thông việc tắt sóng 2G, triển khai chính sách trợ giá điện thoại thông minh để người dân chuyển đổi sử dụng điện thoại thông minh và dịch vụ 3G, 4G, 5G.
Thứ ba, tiếp tục tạo lập, số hóa, cập nhật thông tin vào các cơ sở dữ liệu; thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở của tỉnh.
Thứ tư, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng số, công nghệ số, nhất là các công nghệ mới, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào công việc và các ngành, nghề, các hoạt động kinh tế - xã hội; chú trọng ứng dụng nền tảng, công nghệ số trong công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn; đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh thông tin dữ liệu của tổ chức, cá nhân.
Thứ năm, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế số; khuyến khích mô hình hợp tác chuyển đổi số giữa doanh nghiệp công nghệ số với các cơ quan, đơn vị nhà nước và các loại hình doanh nghiệp.
Phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua, cộng với sự quyết tâm và nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tin tưởng: chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục tiến lên, đạt được nhiều kết quả quan trọng và thực chất hơn nữa trong thời gian tới, để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Phạm Quỳnh