Yên Bái sẽ có huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên trong năm 2024

Thứ năm, 02/05/2024 - 11:41

TNV - Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu xây dựng huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Như vậy, huyện Trấn Yên sẽ có cơ hội trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi qui mô lớn ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên.

Huyện đầu tiên các tỉnh miền núi phía Bắc đạt chuẩn nông thôn mới

Theo đó, tại Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước ký ban hành ngày 20/3/2024 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái (UBND Tỉnh) đề ra mục tiêu phấn đấu đưa huyện Trấn Yên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
nâng cao.

Để thực hiện mục tiêu này, UBND Tỉnh yêu cầu huyện Trấn Yên duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn thôn mới giai đoạn 2021-2025. Rà soát, thực hiện đảm bảo 20/20 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, tiếp tục duy trì 14 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và phấn đấu có thêm 02 xã (xã Minh Quân, xã Việt Cường) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Lũy kế đến hết năm 2024, huyện Trấn Yên có 16/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Mặt khác, thực hiện duy trì 04/09 tiêu chí đã đạt chuẩn (Tiêu chí số 2 về Giao thông, Tiêu chí số 4 về Điện, Tiêu chí số 5 về Y tế - Văn hóa - Giáo dục, Tiêu chí số 8 về Chất lượng môi trường sống); thực hiện xây dựng hoàn thành 05/09 tiêu chí còn chưa đạt (Tiêu chí số 1 về Quy hoạch; Tiêu chí số 3 về Thủy lợi; Tiêu chí số 6 về Kinh tế; Tiêu chí số 7 về Môi trường; Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công) để có đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Kế hoạch nêu rõ. Được biết, hiện tỉnh Yên Bái có 4/9 huyện, thị, thành phố hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, huyện Trấn Yên vinh dự trở thành huyện đầu tiên không những của tỉnh Yên Bái mà còn là huyện đầu tiên của các tỉnh miền núi phía Bắc được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.


Công trình “Thắp sáng đường quê” của thanh niên huyện Lục Yên

Cùng đó, UBND Tỉnh cũng xác định mục tiêu xây dựng huyện Văn Yên về đích xây dựng huyện nông thôn mới trong năm nay. Để hoàn thành mục tiêu này, UBND Tỉnh giao huyện Văn Yên vừa duy trì 20 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới vừa thực hiện xây dựng hoàn thành 100% tiêu chí của 04 xã (Phong Dụ Thượng, Mỏ Vàng, Châu Quế Hạ, Nà Hẩu) để có đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024. Ngoài ra, đảm bảo thực hiện có ít nhất 10% số xã trên địa bàn đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, tạo tiền đề cho xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao ở các năm tiếp theo.

Phấn đấu có thêm 11 xã nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu

Đối với cấp xã, UBND Tỉnh phấn đấu năm 2024 công nhận thêm 11 xã đạt  chuẩn nông thôn mới, cụ thể là 04 xã của huyện Văn Yên gồm: Xã Phong Dụ Thượng, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Châu Quế Hạ; 05 xã của huyện Lục Yên, gồm: Xã An phú, Phúc Lợi, Phan Thanh, Động Quan, Khánh Hòa; và 02 xã của huyện Văn Chấn, gồm: Xã Nậm Lành, Suối Giàng. Lũy kế hết năm 2024 toàn tỉnh sẽ có 117/150 xã đạt chuẩn nông thôn mớỉ.

Bà con xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn mở rộng diện tích trồng quế vừa nâng cao thu nhập vừa bảo vệ môi trường rừng bền vững.

Về nội dung triển khai thực hiện, UBND Tỉnh yêu cầu các sở ngành và địa phương liên quan,.. đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng trên địa bàn xã; tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, ngành nghề nông thôn; xây dựng các mô hình hợp tác theo chuỗi giá trị để tạo việc làm, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân; xây dựng các tuyến đường được trồng hoa, cây cảnh hai bên đường và có cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Bên cạnh đó, Kế hoạch của UBND Tỉnh cũng phấn đấu công nhận 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gồm: Huyện Trấn Yên, 02 xã (Minh Quân, Việt Cường); Huyện Văn Chấn, 01 xã (Minh An); Huyện Văn Yên: 01 xã (Đông An); Huyện Yên Bình: 01 xã (Tân Hương); Huyện Lục Yên: 02 xã (Liễu Đô, Mai Sơn). Lũy kế hết năm 2024 sẽ có 44 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Và phấn đấu công nhận 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, là: Xã Yên Hợp (huyện Văn Yên); xã Quy Mông (huyện Trấn Yên); xã Hán Đà (huyện Yên Bình). Như vậy hết năm 2024 toàn tỉnh sẽ có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên

Ở cấp thôn bản, tỉnh Yên Bái đặt chỉ tiêu có thêm 39 thôn (bản) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 90 thôn (bản) đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng số thôn (bản) đạt chuẩn nông thôn mới lên 143 thôn (bản) và số thôn (bản) đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu lên 335 thôn, bản vào cuối năm 2024.

Đáng chú ý, đối với 106 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, UBND Tỉnh giao tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với 11 xã đã đạt đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân; tập trung triển khai các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Nông dân xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu tích cự trồng cây màu vụ đông cải thiện đời sống

Ngoài ra, UBND Tỉnh yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; vận động toàn xã hội tham gia; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, người dân phát huy vai trò chủ thể; đồng thời phải gắn việc triển khai thực hiện chương trình xây dụng NTM
với thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Trong quá trình thực hiện, UBND Tỉnh lưu ý cần xác định rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; trong đó, phải kiên định, nhất quán về mục tiêu, đồng thời có thể điều chỉnh linh hoạt và có những biện pháp khả thi để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Phạm Quỳnh