Theo Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Yên Bái cho biết, từ 19h ngày 30/9 đến 16h00 ngày 01/10 vừa qua, do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao, các khu vực trong tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 70-200mm, một số nơi cao hơn 200mm, như: Mỏ Vàng 321,6mm; Tà Si Láng 238,2mm; Kiên Lao 227,6mm, Phúc sơn 221,2mm, Phong Dụ Thượng 215,2mm, Cao Phạ 209,8mm; Mậu A 208,4mm, Đại Sơn 208,2mm; Phình Hồ 206,0mm.
Đã làm cho mực nước trên sông Thao tại Yên Bái lên nhanh. Mực nước lúc 20h/01/10/2024 trên sông Thao là 31,50m (trên BĐ2: 0,50m); sông Ngòi Thia là 42,53m (dưới BĐ1: 1,97m).
Do mưa to và lũ lớn, đã làm cho 01 người ở Bản Chao, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn bị chết do sét đánh; 06 nhà huyện Văn Yên bị thiệt hại trên 70%, 93 nhà (Văn Yên 67 nhà; Trấn Yên 26 nhà) phải di dời người và tài sản; 07 nhà (Văn Chấn 5 nhà; Văn Yên 2 nhà) bị sạt lở ta luy gây ảnh hưởng; 06 nhà ở huyện Văn Chấn bị ngập nước và 01 nhà bị tốc mái. Ta luy phía sau UBND xã Mỏ Vàng (Văn Yên) tiếp tục sạt lở, khối lượng sạt lở khoảng 35 m3.
Bên cạnh đó, tổng diện tích lúa, ngô, bị thiệt hại, ảnh hưởng là 381,25 ha, trong đó: Diện tích lúa bị thiệt hại 0,75 ha huyện Trấn Yên; diện tích ngô, rau màu bị ngập úng: 380,50 ha (Văn Yên 274 ha; Trấn Yên 99 ha; Văn Chấn 7,5 ha). Thiệt hại về chăn nuôi: 263 con gia cầm bị chết (Văn Chấn 170 con, Trấn Yên 93 con). Về thủy sản bị thiệt hại: 0,35 ha (Trấn Yên 0,25 ha; Văn Chấn 0,1 ha).
Nhiều tuyến đường liên thôn, xã thuộc các huyện Văn Yên, Trấn Yên và Văn Chấn bị sạt lở, ngập úng, một số cầu cống bị hư hỏng. Trong đó, Huyện Văn Yên: Tuyến đường xã Yên Thái bị sạt taluy dương xuống đường giao thông 5 điểm, bị ngập 8 ngầm tràn, giao thông đi lại khó khăn. Xã Viễn Sơn đường giao thông bị sạt lở 5 điểm ước tính 200 m3. Tuyến đường từ Đại Sơn - Nà Hẩu có 12 điểm sạt lở taluy với khối lượng khoảng 500 m3 đất đá, tại các điểm sạt lở các phương tiện không thể lưu thông được. Tuyến đường An Thịnh – Yên Phú – Yên Hợp; Yên Phú = Viễn Sơn sạt lở 02 điểm ta luy dương vùi lấp đường giao thông, khối lượng khoảng 3.000 m3.
Huyện Trấn Yên: Ngập úng và sạt lở 13 tuyến đường liên thôn thuộc các xã Vân Hội, Đào Thịnh, Lương Thịnh, Kiên Thành, Quy Mông, Hòa Cuông, Việt Hồng. Huyện Văn Chấn: Hỏng 02 cống qua đường dẫn vào thôn Văn Tứ, xã Đồng Khê; sập trôi hoàn toàn 01 cầu bản dân sinh của thôn Khe Tho, xã Nghĩa Tâm. Tại các xã Suối Giàng, Đồng Khê, Nghĩa Tâm... tuyến đường liên xã, liên thôn bị sạt lở gây cản trở giao thông. Ước tổng thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Cũng theo thông tin từ Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Yên Bái, ngay sau khi nhận được tin báo của địa phương, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện trên đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn khẩn trương kiểm tra, xác minh, lập biên bản và chỉ đạo các lực lượng tại chỗ tham gia giúp đỡ khắc phục hậu quả thiên tai cho các hộ gia đình bị thiệt hại.
Duy trì công tác trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh. Đồng thời sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cùa người dân khi có tình huống xảy ra.
Trước những thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản của nhân dân do 02 đợt mưa lũ gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Ngày 02/10 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái – Tạ Văn Long – đã ký ban hành công văn chỉ đạo Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các huyện, thị, thành ủy trong tỉnh khẩn trương lãnh đạo và tổ chức thực hiện khắc phục nhanh hậu quả, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống nhân dân.
Đồng thời, kịp thời hỗ trợ người nông dân, tạo động lực để người dân tái đầu tư phát triển và khôi phục lại tư liệu sản xuất; cung ứng kịp thời các loại giống cây trồng, vật nuôi tại những địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão, lũ, sạt lở đất để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, sớm bảo đảm ổn định đời sống cho người dân trong những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đặc biệt, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tạ Văn Long cũng yêu cầu: "Kiên quyết di dời nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, ngập úng nghiêm trọng; bảo đảm cuộc sống và chỉ cho người dân trở về nhà khi đã bảo đảm thật sự an toàn; tập trung thực hiện nghiêm túc các nghị quyết kỳ họp thứ 19 Hội đồng nhân dân tỉnh về các chính sách hỗ trợ đất đaỉ, phục hồi sản xuất nông nghiệp, miễn giảm học phí và chính sách hỗ trợ làm nhà đối với các hộ gia đình bị thiệt hại".
Phạm Quỳnh
Ảnh do người dân vùng thiệt hại cung cấp