Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm Nhà máy chế biến măng xuất khẩu ở tỉnh Yên Bái.
Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, hình thành chuỗi giá trị sản xuất
Cụ thể, đến năm 2025 hình thành vùng sản xuất măng tre tập trung nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá với quy mô 700 ha, trong đó 320 ha cho kinh doanh, hàng năm cung cấp 12 - 15 nghìn tấn măng tươi cho thị trường trong và ngoài nước.
Đến năm 2030 phát triển 1.200 ha tre măng Bát độ, áp dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo sản phẩm chất lượng, năng suất măng tre thời kỳ kinh doanh khai thác đạt 25- 30 nghìn tấn măng vỏ tươi; gắn sản xuất với chế biến, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm lâu dài. Giải quyết việc làm cho người dân vùng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống, ổn định an ninh chính trị trong vùng.
Đồng thời, Đề án đặt mục tiêu sẽ cấp mã chủ rừng theo tín chỉ carbon cho 1.200 ha tre măng Bát độ, tiến tới năm 2028 bán được tín chỉ carbon. Định hướng đến năm 2030 sẽ cấp mã chủ rừng theo tín chỉ carbon, bán tín chỉ carbon, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC/PEFC/VFCS-FM) cho toàn bộ diện tích tre măng bát độ địa bàn huyện.
Trong đó vùng trồng tre măng Bát độ được quy hoạch tại 11 xã, thị trấn với yêu cầu ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường… xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, hình thành chuỗi giá trị sản xuất và nâng cao giá trị, phát huy lợi thế của từng vùng.
Bí thư Huyện ủy An Hoàng Linh tham gia trồng tre măng Bát độ tại xã Bảo Ái, huyện Yên Bình.
Được biết, hiện diện tích tre măng Bát độ toàn huyện có 338,5 ha, dự kiến hết năm 2024 có trên 438,5 ha trong đó có khoảng 230 ha diện tích kinh doanh phân bố tại 07 xã. Tổng sản lượng măng tre hàng năm ước đạt 3.000 tấn; sản lượng nguyên liệu sợi dài ước đạt 900 tấn/năm. Tổng giá trị thu nhập bình quân năm ước đạt 15 tỷ đồng. Hàng năm đã giải quyết việc làm cho 150 - 200 lao động với thu nhập bình quân đạt 5,0 - 6,0 triệu đồng/người/tháng. Một số hộ gia đình có thu nhập khá từ 70 - 90 triệu đồng/vụ.
Về chế biến bảo quản: Trên địa bàn huyện hiện có Công ty Cổ phần Yên Thành thu mua, chế biến, kinh doanh các sản phẩm măng, đã tiêu thụ toàn bộ sản lượng măng tre trên địa bàn toàn huyện với giá thu mua ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu. Cùng đó, trên địa bàn tỉnh còn có một số cơ sở chuyên sản xuất giấy đế từ nguyên liệu sợi dài tre, vầu, nứa.... nên việc tiêu thụ các sản phẩm tận thu sau tỉa thưa (thân tre) luôn được đảm bảo thuận lợi đầu ra.
Thu nhập cao hơn 3 đến 4 lần so với cây trồng lâm nghiệp khác
Để thực hiện mục tiêu trồng mới 761,5ha của giai đoạn 2025 - 2030, tăng gấp gần 2,25 lần so với diện tích hiện nay, chưa kể diện tích trồng mới của năm 2024 là 100ha. Đề án nêu ra 09 nhóm giải pháp liên quan đến đất đai, giống, kỹ thuật, phân bón, khoa học công nghệ, thị trường, cơ chế chính sách và vốn đầu tư.
Trong đó, đáng chú ý huyện Yên Bình sẽ giao đất cấp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những diện tích được quy hoạch phát triển cây tre măng đảm bảo người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất ổn định, lâu dài. Khuyến khích sản xuất, chế biến phân xanh, phân vi sinh tại chỗ; có thể trồng xen các cây họ đậu, cây ngắn ngày khác để che phủ mặt đất chống bốc hơi, giữ ẩm cải tạo và tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình trong những năm đầu trồng tre.
Đặc biệt, mỗi hộ gia đình trồng mới tre măng Bát độ tập trung từ 0,2 ha trở lên được hỗ trợ 01 lần kinh phí để mua cây giống với mức hỗ trợ 3,5 triệu đồng/ha theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh từ nguồn Ngân sách Nhà nước; tổng số kinh phí nhà nước hỗ trợ để mua giống là 2.665,25 triệu đồng. Sau năm 2025, ngân sách huyện sẽ hỗ trợ kinh phí đánh giá và thẩm định tín chỉ carbon để nâng cao giá trị gia tăng và tiếp cận được với thị trường thế giới.
Nhân dân trong huyện tham quam mô hình trồng tre măng Bát độ ở xã Mỹ Gia (Yên Bình).
Đề cập đến hiệu quả kinh tế, Đề án phân tích với kinh phí đầu tư trung bình cho 01 ha trồng mới và chăm sóc đến khi thu hoạch là 30,5 triệu đồng (giống: 7,5 triệu đồng; công chăm sóc, thu hoạch: 18 triệu đồng; phân bón: 5 triệu đồng). Sau 3 năm cho thu hoạch sản phẩm ổn định bình quân lợi nhuận đạt từ 30 - 40 triệu đồng/ha/năm, từ năm thứ 5 trở đi tre đã phát triển ổn định cho lợi nhuận trên 60 triệu đồng/ha/năm, ngoài ra còn có thêm thu nhập phụ từ việc bán lá, bán thân cây già làm nguyên liệu giấy... với tổng thu nhập phụ vào khoảng 20 triệu đồng/năm/ha. Như vậy lợi ích kinh tế trồng tre khoảng 70 triệu đồng/ha sau khi đã trừ các khoản chi phí; mức thu nhập này cao hơn 3 đến 4 lần so với cây trồng lâm nghiệp khác.
Nếu so với một số loài cây khác như Bồ đề, Keo, Mỡ... thường sau 6 - 7 năm mới có thể khai thác, thu hoạch xong lại phải trồng mới, trong khi lợi nhuận thu được bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/năm, thì việc trồng cây tre măng Bát độ có ưu thế vượt trội hơn hẳn. Do vậy, ở huyện Yên Bình cây tre Bát độ đã được trồng nhiều ở xã: Mỹ Gia, Yên Thành, Xuân Lai,.. Đây là loại tre sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao, thời gian cho sản phẩm dài hơn các loại tre măng địa phương, chất lượng măng ngon và có giá trị xuất khẩu.
Giảm thiểu sự tác động của con người đến rừng
Bên cạnh giá trị kinh tế, Đề án nhấn mạnh việc phát triển diện tích trồng tre Bát độ còn khai thác được tiềm năng to lớn về đất đai, lao động ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xoá đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, làm giàu cho nhiều hộ nông dân. Ngoài ra, để tham gia vào thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam vào năm 2028, huyện Yên Bình cần có diện tích tre măng Bát độ để đảm bảo khả năng hấp thụ được nhiều cacbon tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp tín chỉ carbon và đánh giá khối lượng carbon dư thừa để bán ra thị trường thế giới.
Theo tính toán của các nhà khoa học, từ năm thứ nhất đến năm thứ tư, lượng carbon chỉ đủ trung hòa carbon phát thải ra. Vì vậy, phải trồng tre măng Bát độ (từ 10-20 năm) mới đủ thời gian hấp thụ carbon có thể trao đổi trên thị trường. Mở ra cơ hội tăng thêm thu nhập từ 250 – 750 USD cho mỗi ha tre Bát độ.
Vườn ươm hom giống tre măng Bát độ ở huyện Yên Bình.
Đáng chú ý, Đề án cũng nêu rõ việc phát triển trồng tre măng Bát Độ không chỉ phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của người dân, mà còn phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội trong vùng, đảm bảo cho tre sinh trưởng, phát triển và cho phép áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, phát huy tiềm năng về đất đai và lao động trong vùng.
Năm 2023 Trung tâm nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp đã hỗ trợ làm thí điểm cấp 185 mã rừng trồng cho người dân 02 xã Đại Đồng và Phú Thịnh, sau khi nghiên cứu và xây dựng được đường cơ sở carbon rừng trồng. Theo lộ trình thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028 nên việc sớm thực hiện sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội, cũng như góp phần quan trọng trong phát triển và bảo vệ rừng của huyện Yện Bình.
Khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Đề án, ông Nguyễn Xuân Trường – Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, cho biết nhằm từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng canh tác bền vững, tạo việc làm, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đa dạng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, giảm thiểu sự tác động của con người đến rừng, tạo nguồn tín chỉ carbon hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp; đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ đất chống xói mòn rửa trôi, môi trường sinh thái được cải thiện, nâng cao sức khỏe và cải thiện thu nhập cho người dân trong vùng.
Dây chuyền chế biến măng xuất khẩu theo tiêu chuẩn Nhật Bản của Công ty Cổ phần Yên Thành.
Hiện, Công ty Cổ phần Yên Thành có 03 sản phẩm chế biến từ tre măng Bát độ của đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao
Cây tre măng Bát độ là loài cây đa mục đích, thân cây tre là nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhiều công việc, ngành nghề khác nhau như làm nhà cửa, nông cụ, làm đồ thủ công mỹ nghệ, bao bì, làm nguyên liệu giấy, sợi dài, nhiều nơi trồng tre chống sạt lở, bảo vệ môi trường. Tre măng Bát độ là giống chuyên trồng để lấy măng thực phẩm, là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, là loại rau sạch đứng hàng đầu trong các loại rau, là một loại thực phẩm chữa trị một số loại bệnh như chống béo phì, tăng cường tiêu hoá, phá đờm, nhuận phổi, nhuận tràng,…đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Phạm Quỳnh