Yên Châu có xã vùng 3 biên giới đặc biệt khó khăn đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ sáu, 05/01/2024 - 09:28

TNV - Vào những ngày cuối tháng 12/2023, tỉnh Sơn La vừa có Quyết định công nhận xã Lóng Phiêng thuộc huyện Yên Châu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Đây cũng là xã vùng 3 biên giới đầu tiên của huyện và là xã thứ 4 của tỉnh Sơn La về đích xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Hữu Đông và đoàn công tác thăm mô hình trồng nhãn chín muộn của HTX Phương Nam.

Khi bắt tay vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, xã Lóng Phiêng không chỉ là một xã vùng 3, biên giới,xa xôi cách trở nằm cách trung tâm huyện 45 km, mà còn là xã đặc biệt khó khăn với xuất phát điểm rất thấp (đạt 1/19 tiêu chí), tỷ lệ hộ nghèo trên 60%. Do vậy, sau hơn 10 năm thực hiện, tính đến hết năm 2021 xã mới đạt 12/19 tiêu chí và 48/57 chỉ tiêu. Số lượng tiêu chí đạt chuẩn tăng bình quân thấp, các tiêu chí đạt được chưa thật bền vững.

Nhân dân các bản hăng hái góp công, góp của xây dựng nông thôn mới

Để hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023, khó khăn thách thức đặt ra với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lóng Phiêng là rất lớn. Đó là khối lượng công việc cần phải thực hiện để đạt được các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều và khó, đặc biệt là các tiêu chí giao thông, quy hoạch, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, lao động, trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên cũng như vốn ngân sách xã còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. Công tác huy động các nguồn lực trên địa bàn để xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn, người dân tuy rất hăng hái tham gia nhưng nguồn lực ủng hộ chủ yếu là công lao động và hiến đất để xây dựng công trình.

Vựa mận hậu của bà con xã Lóng Phiêng.

Với quyết tâm cao, ngay trong năm 2022 xã Lóng Phiêng đã dồn sức hoàn thành thêm 2 tiêu chí, nâng tổng số tiêu chí đạt về thực hiện xây dựng nông thôn mới lên 14/19 tiêu chí; năm 2022 và 2023 xóa được 64nhà tạm, nhà dột nát, hoàn thành tiêu chí về nhà ở dân cư, toàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Riêng trong năm 2023, Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành đoàn thể của xã đã tham mưu, ban hành 34 văn bản, đồng thời tổ chức 22 hội nghị họp ban chỉ đạo triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2023.Cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân các bản trong toàn xã hăng hái góp công, góp của xây dựng nông thôn mới, nên toàn bộ các tiêu chí khó thực hiện còn lại đều đạt trong năm 2023.

Điển hình như cán bộ và nhân dân các bản: Yên Thi, Mỏ Than,Tà Vàng, Pha Cúng đã đóng góp tiền và nhân công làm được 4km hệ thống đường điện chiếu sáng. Bà con nhân dân các bản ủng hộ bồn hoa, cây hoa các loại trồng trong khuôn viên nhà văn hóa, trồng tại các tuyến đường trục chính của bản; hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên tham gia phong trào quét dọn đường làng ngõ xóm, cắt tỉa cây phân tán tại trục đường Quốc lộ 6c. Kết quả có 05/05 bản có tuyến đường giao thông nông thôn được vệ sinh hàng tháng đảm bảo sạch, đẹp, có 1.786m /2.210m kênh mương được nạo vét; trồng được 200 cây phân tán.

Mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩmmận hậu được tổ chức thực hiện tốt ở HTX Tiến Đạt

Con đường từ xã ra huyện, trước kia gập ghềnh khó đi, phải mất mấy tiếng đồng hồ là vậy, nay chỉ còn gần một giờ do đã thảm nhựa rộng rãi phẳng phiu chạy qua những đồi trái cây xanh ngát nhìn rất đẹp mắt. Các tuyến đường trục chính của xã, đường liên bản, nội xóm và đường trục chính nội đồng về cơ bản đều được bê tông hóa, tu sửa sạch sẽ bảo đảm thuận tiện đi lại và vận chuyển tiêu thụ nông sản.

Phát triển vùng trồng cây ăn quả và nông trại chăn nuôi qui mô lớn

Điểm sáng nổi bật của xã Lóng Phiêng trong nhiều năm qua là công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực. Xu hướng giảm dần diện tích cây lương thực, thực phẩm sang tăng diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp. Tập trung đẩy mạnh việc trồng cây ăn quả an toàn, phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều mô hình nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng, giá trị sản xuất 01 ha đất nông nghiệp không ngừng tăng lên hàng năm.

Nông trại chăn nuôi lợn qui mô lớn của hộ Trần Như Kiên (bản Pha Cúng). Năm 2023 xuất bán trên 300 tấn lợn hơi, doanh thu 16-18 tỷ đồng, lợi nhuận gần 3 tỷ đồng.

Hiện trên địa bàn xã có 05 mô hình về sản xuất nông nghiệp cho kết quả tốt, gồm mô hình: mận hậu trái vụ, dâu tây (bản Yên Thi); cây nhãn chín muộn (bản Pha Cúng); trồng rau tại bản Quỳnh Phiêng; ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt tại bản Pha Cúng, Yên Thi. Các mô hình này đang được triển khai nhân rộng trên địa bàn xã theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao giá trị, kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Đặc biệt, từ nhiều năm nay xã Lóng Phiêng đã hình thành được vùng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích 1.482 ha (1.068 ha đang cho sản phẩm), trong đó diện tích: cây mận 473 ha, nhãn 676 ha, xoài 152 ha, các cây khác 142 ha. Năm 2023, vùng cây ăn trái của xã cho thu hoạch 15.017 tấn, doanh thu đạt gần 200 tỷ đồng; dẫn đầu về sản lượng là mận hậu 8.126 tấn, kế đến là nhãn 6.070 tấn, xoài 348 tấn và các cây ăn quả khác 465 tấn.

Trồng rau ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọttại bản Quỳnh Phiêng.

Bên cạnh đó, toàn xã hiệncó 06 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đều hoạt động có hiệu quả và tích cực thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; trong đó có 3 HTX đang triển khai lập hồ sơ đăng ký cấp mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu cho cây nhãn, cây mận. Các HTX đều có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, nổi bật như HTX Phương Nam có năm doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng với qui mô chăn nuôi hàng ngàn lợn thịt mỗi năm.

Ngoài ra, ở xã ở xã Lóng Phiêng còn xuất hiện vài chục nông trại chăn nuôi lợn qui mô lớn từ hàng trăm đến hơn nghìn con xuất chuồng mỗi năm; sản lượng xuất chuồng năm 2023 là 790 tấn, doanh thu hơn 50 tỷ đồng. Đây là điều bất ngờ lớn cho rất nhiều người khi có dịp về thăm xã vùng 3 biên giới, vùng đồng bào dân tộc thuộc huyện Yên Châu nơi đây.

Xuất hiện hàng trăm hộ có thu nhập tiền tỷ mỗi năm

Nhìn lại chặng đường 13 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới vừa qua, theo Chủ tịch xã Trần Thế Quang, toàn xã Lóng Phiêng có 4 mô hình xây dựng nông thôn mới tiêu biểu. Đó là: Mô hình bản làng xanh - sạch - đẹp được tất cả các bản duy trì phong trào vệ sinh môi trường định kỳ mỗi tháng một lần, kết hợp với trồng và chăm sóc hoa, cây xanh dọc các tuyến đường nội bản; Mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được tổ chức thực hiện tốt ở HTX Tiến Đạt và HTX Phương Nam.

Diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt.

Tiếp đến là mô hình làm đường điện chiếu sáng tại bản: Pha Cúng, Tà Vàng, Mỏ Than, Yên Thi, với 4 km đường điện chiếu sáng. Đáng chú ýlà các mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Đỗ Văn Hoàng, Trần Văn Thực (bản Yên Thi), với diện tích 4hamận cho thu nhập gần 2,2 tỷ đồng/năm; hộ anh Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Đình Chính (bản Tà Vàng), Nguyễn Văn Tuân, Trần Như Kiên (bản Pha Cúng) chăn nuôi lợn qui mô lớn, mỗi năm xuất bán hàng trăm tấn, thu nhập trên 3 tỷ đồng...

Là người có gần 40 năm sinh sống, công tác tại xã Lóng Phiêng, ông Phạm Văn Tiến(Bí thư Đảng ủy – Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Lóng Phiêng) tự hào cho biết: Từ một xã vùng biên nghèo đặc biệt khó khăn, đến nay thu nhập bình quân của nhân dân toàn xã đạt 42,3 triệu đồng/người/năm; số hộ có nhà ở đạt chuẩn là 1.348/1.422 hộ, tỷ lệ đạt 95%; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đa chiều giảm còn 12, 73%. Trong xã xuất hiện hàng trăm hộ có thu nhập tiền tỷ mỗi năm và hàng trăm ngôi nhà khang trang, hiện đại, trị giá từ 01 tỷ đến 05 tỷ đồng đã được xây lên từ chính công sức cần cù, sáng tạo làm ăn của người dân trong xã.

Xuất hiện hàng trăm hộ có thu nhập tiền tỷ/năm, nhà cửa khang trang, hiện đại. Trong ảnh là một hộ gia đình nông dân ở bản Pha Cúng

Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Tiến, trong không khí vui mừng của những ngày đầu năm mới 2024, chuẩn bị đón tết Nguyên đán Giáp Thìn cổ truyền của dân tộc, niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc của xã như được nhân lên gấp nhiều lần khi vào ngày 12/1/2024 xã sẽ long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Diện mạo của xã Lóng Phiêng hôm nay đã thay da đổi thịt rõ rệt. Dáng dấp về một miền quê trù phú vùng biên nay đã và đang trở thành hiện thực.

Sản xuất miến dong - đặc sản của xã Lóng Phiêng

Tính đến hết năm 2023, tổng số kinh phí đã huy động thực hiện xây dựng nông thôn mới trong toàn xã Lóng Phiêng là67.191 triệu đồng. Trong đó:Ngân sách nhà nước là 58.212triệu đồng, chiếm 86,63%; Nhân dân đóng góp 8.979triệu đồng, chiếm 13,36%.

Theo ông Sùng A Dế (Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Sơn La), năm 2023 toàn tỉnh có 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó, huyện Yên Châu có thêm xã Lóng Phiêng và Sặp Vạt được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện lên 6 xã. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh Sơn La có 65 xã nông thôn mới và 8 xã nông thôn mới nâng cao.

Phạm Quỳnh