Yên Châu: Điểm sáng về công tác phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi

Thứ sáu, 22/11/2019 - 15:10

TNV - Ông Nguyễn Văn Điện (Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Châu) cho biết, với qui mô tổng đàn 36.700 con, thì 228 con lợn bị tiêu hủy chiếm tỷ lệ rất nhỏ (hơn 0,6%) so với tỷ lệ chung toàn tỉnh là 2,9%; trong đó, Công ty TNHH chăn nuôi Chiềng Hặc, HTX Phương Nam, HTX VLXD Tà Vàng là những cơ sở chăn nuôi qui mô lớn rất thành công trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đàn lợn.

Số lượng bị tiêu hủy chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tỷ lệ chung toàn tỉnh

Theo UBND huyện Yên Châu (Sơn La): Từ ngày 18/3/2019 - 11/11/2019 trên địa bàn huyện xảy ra 21 ổ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại 9 xã, thị trấn; đã tiêu hủy bắt buộc theo quy định 228 con lợn , trọng lượng 8.830 kg. Đến nay (11/11/2019), 17 ổ dịch đã được khống chế và công bố hết dịch theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Điện (Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Châu) cho biết, với qui mô tổng đàn 36.700 con, thì 228 con lợn bị tiêu hủy chiếm tỷ lệ rất nhỏ (hơn 0,6%) so với tỷ lệ chung toàn tỉnh là 2,9%; trong đó, Công ty TNHH chăn nuôi Chiềng Hặc, HTX Phương Nam, HTX VLXD Tà Vàng là những cơ sở chăn nuôi qui mô lớn rất thành công trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đàn lợn.

Bám địa bàn, chủ động phòng chống dịch. Ảnh: P. Quỳnh.

Có được kết quả trên là nhờ Huyện ủy, UBND huyện đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh DTLCP, duy trì hoạt động có hiệu quả các đoàn kiểm tra liên ngành, các chốt kiểm dịch phòng, chống bệnh DTLCP trên toàn huyện.

Bên cạnh việc kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, huyện Yên Châu tập trung vào công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã vùng dịch, vùng uy hiếp đánh giá tình hình dịch bệnh, thống nhất giải pháp tạm thời để khống chế dịch, không để bùng phát ra diện rộng; lập 5 chốt kiểm dịch cấp huyện, 60 chốt kiểm dịch cấp xã kiểm soát nghiêm ngặt không để sản phẩm từ lợn trong vùng dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn.

UBND các xã, thị trấn thành lập đội phản ứng nhanh, tiêu hủy kịp thời toàn bộ số lợn mắc dịch; phun khử trùng tiêu độc tại các ổ dịch và các hộ chăn nuôi lợn ở các xã vùng uy hiếp 2 lần/tuần; tăng cường theo dõi diễn biến dịch; giám sát chặt chẽ việc vận chuyển ra lợn và sản phẩm từ lợn, cấm giết mổ lợn tại khu vực công bố dịch.

Các hộ chăn nuôi có lợn đến tuổi xuất bán, được hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm, nếu kết quả xét nghiệm âm tính với virus DTLCP thì được phép giết mổ, xuất bán tiêu thụ trong bản.

Tuyệt đối không nhập lợn giống, mỗi tháng đàn lợn bố mẹ của HTX Phương Nam sinh sản với số lượng 350 con.
Ảnh: P. Quỳnh.

Đồng thời, chỉ đạo thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh và báo cáo kịp thời khi có dịch xảy ra, tổ chức tốt công tác công tác tuyên truyền về bệnh DTLCP đến từng hộ chăn nuôi.

Tính đến hết tháng 10/2019, huyện Yên Châu đã cấp2.980 lít hóa chất, 11.155 kg vôi bột để khử trùng tiêu độc. Công tác tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, phun hóa chất, rắc vôi bột được tiến hành liên tục trong 07 ngày, mỗi ngày 01 lần tại nơi có ổ dịch và 01 lần/tuần tại các cơ sở nuôi nhốt gia súc, khu vực chăn nuôi, cống rãnh, đường đi lại trong bản.

Nhờ vậy, đến nay tình hình Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện cơ bản đã được khống chế, đẩy lùi; chính quyền đã kịp thời hỗ trợ kinh phí số lợn tiêu hủy để bà con tái đàn, ổn định sản xuất.

14 năm liền chưa để xảy ra dịch bệnh và nghĩa cử nhân văn

Với kinh nghiệm 14 năm phát triển chăn nuôi lợn qui mô lớn, chưa năm nào để lợn chết vì dịch bệnh, ông Trần Như Kiên (Giám đốc HTX Phương Nam) ở bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu) vui vẻ bật mí: Cần chú ý tới khâu con giống, thức ăn, vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh.

Theo đó, từ khi bắt đầu xuất hiện Dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam, trại lợn của ông Kiên và 4 hộ thành viên trong HTX tuyệt đối không nhập con giống từ nơi khác mà đều do đàn lợn bố mẹ của HTX sinh sản với số lượng 350 con/tháng.

Bên cạnh việc chỉ lựa chọn nguồn thức ăn công nghiệp ở một số doanh nghiệp có uy tín, HTX chủ động mua ngô, sắn từ những địa phương xa nơi có dịch, đem về nghiền nát ra phối trộn với thức ăn công nghiệp, vừa giảm rủi ro phát sinh dịch bệnh do thức ăn gây ra, vừa làm cho chất lượng thịt thơm ngon, lại tiết kiệm được chí phí thức ăn, giúp HTX trụ vững ngay cả những giai đoạn khó khăn nhất do giá lợn tụt giảm mạnh.

“Đối với công tác vệ sinh chuồng trại, trước đây 2 ngày làm vệ sinh tiêu độc khử trùng 1 lần, thì nay được tiến hành thường xuyên hơn: 2 lần/ngày; hạn chế, cách ly và tuân thủ nghiêm ngặt qui trình vệ sinh với những người ra vào trại. Toàn bộ 3 hộ gia đình công nhân của HTX đều ăn ở sinh hoạt trong trang trại bằng nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ do trang trại tự cung, tự cấp; đồng thời, mỗi khi xuất bán lợn thành phẩm, đều do xe của HTX vận chuyển ra cách trại chăn nuôi 1 km để giao hàng, và phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ xe trước khi về trang trại”  - ông Kiên nói tiếp.

N hững cơ sở chăn nuôi qui mô lớn rất thành công trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo tuyệt đối
an toàn cho đàn lợn. Ảnh: P. Quỳnh.

Ngoài ra, giám đốc Kiên còn chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh ở các hộ chăn nuôi lân cận, bỏ tiền ra mua 5 tạ vôi bột, 10 kg thuốc sát trùng và thuê 4 ca máy xúc giúp bà con tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn dịch. Đặc biệt, ông Kiên còn tự nguyện hỗ trợ thêm 10 triệu đồng cho hộ ông Nguyễn Văn Khương nhanh chóng tiêu hủy ngay 10 con lợn giống hơn một tháng tuổi, kịp thời dập tắt toàn bộ ổ dịch mới chớm bùng phát trong thôn.

Với các biện pháp phòng chống dịch được triển khai bài bản, khoa học, có hiệu quả cao và nghĩa cử nhân văn “chia sẻ khó khăn, hoạn nạn với bà con cũng chính là bảo vệ mình” như lời của giám đốc Kiên; đến nay, toàn bộ đàn lợn 2.500 con của HTX Phương Nam đều khỏe mạnh, phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao.

Được biết, trong năm 2019, HTX Phương Nam được Bộ Kế hoạch & Đầu tư tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, được Hội nghị Cụm 7 tỉnh miền núi phía Bắc tuyên dương, khen thưởng.

Phạm Quỳnh