Yên Châu (Sơn La): Trồng 112 ha xoài và nhãn trên đèo Chiềng Đông, chống sạt lở đất đá vào mùa mưa

Thứ bảy, 15/07/2017 - 16:15

TNV- Đây là giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn xã Chiềng Đông; đồng thời hạn chế tình trạng xói mòn, rửa trôi đất màu tầng mặt, chống sạt lở đất đá gây tắc đường Quốc lộ 6 khu vực đèo Chiềng Đông - điểm trọng yếu trên Quốc lộ 6; vừa làm tăng thu nhập, vừa giúp cho người nông dân sản xuất bền vững trên đất dốc.

Sáng nay (15/7/2017), hàng trăm hộ nông dân ở bản Chai và bản Chủm, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La phấn khởi có mặt tại đèo Chiềng Đông để nhận 31.200 cây giống và tổ chức trồng 78 ha giống xoài ghép; nâng tổng diện tích trồng cây ăn trái lâu năm tại khu vực đèo Chiềng Đông lên 112 ha.

Kết quả cây đợt 1, cây nhãn sinh trưởng tốt, rễ bén sâu, đâm chồi non và ra nhiều lá,
tỷ lệ cây bị chết (mất) chiếm 4,7% (huyện đang bố trí giống để bà con trồng dặm).
Ảnh: Văn Điện.

Trước đó, vào ngày 18/5/2017 nhân dịp kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phòng NN&PTNT phối hợp với Trạm Khuyến nông và UBND xã Chiềng Đông của huyện Yên Châu đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con nhân dân trồng được 1.000 cây ăn trái lâu năm; tính đến hết tháng 5/2017, các hộ tham gia mô hình đã triển khai trồng hết số cây nhãn được cấp trong đợt này là 13.746 cây trên diện tích 34 ha đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật.

Ông Vũ Hải Yến - Trạm trưởng Khuyến nông – kiểm tra chất lượng cây trồng.
Ảnh: Văn Điện.

Yên Châu là một huyện miền núi của tỉnh Sơn La, có tuyến đường quốc lộ 6 đi qua với chiều dài 47 km - đây là điều kiện thuận lợi để huyện Yên Châu giao thương hàng hóa và phát triển kinh tế xã hội về xuôi cũng như tới các địa phương khác trong khu vực Tây Bắc.

Bà con nhận cây giống. Ảnh: Văn Điện.

Tuy nhiên, do địa hình chia cắt có độ cao từ 250m đến trên 1.000m so với mực nước biển, diện tích đất đồi núi có độ dốc tương đối cao, nên thường xuyên xảy ra lũ lụt gây xói mòn, rửa trôi tầng đất mặt, làm giảm năng suất, thu nhập trên diện tích đất canh tác của người nông dân. Đặc biệt, ở khu vực đèo Chiềng Đông thường xuyên xảy ra lũ lụt gây xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất đá làm ảnh hưởng đến tuyến giao thông Hà Nội - Sơn La và Điện Biên là rất lớn; tình trạng tắc đường mỗi khi đến mùa mưa xảy ra thường xuyên, do đất đá từ trên đồi chảy xuống, do sạt lở ta luy đường, nguy cơ gây mất an toàn về người và tài sản các phương tiện lưu thông trên đường.

Nguyên nhân chính là do bà con làm nương rẫy, trồng cây hàng năm không có khả năng phòng chống xói mòn. Do vậy, huyện Yên Châu đã triển khai đầu tư trồng cây lâu năm (cây ăn quả) để chống bị xói mòn, rửa trôi và sạt lở, vừa giúp nhân dân canh tác bền vững hơn trên đất dốc, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây hàng năm là việc làm cấp thiết, có giá trị thiết thực, cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Điện (Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Châu) cho biết: Mô hình trồng cây ăn quả ở khu vực đèo Chiềng Đông là dự án do nhà nước và nhân dân cùng làm, phù hợp với chủ trương chung của tỉnh về việc trồng cây ăn trái trên đất dốc, được các hộ gia đình đang canh tác trên khu vực đèo Chiềng Đông đồng tình ủng hộ rất cao. 196 hộ đồng bào các dân tộc ở bản Chai và bản Chủm (thuộc xã Chiềng Đông) đã đăng ký trồng cây ăn quả tại khu vực đèo Chiềng Đông với diện tích trên 100 ha.

Hàng trăm hộ nông dân ở bản Chai, bản Chủm và cán bộ huyện Yên Châu phấn khởi
trồng xoài ghép trên đèo Chiềng Đông. Ảnh: Văn Điện.

Theo đó, tính từ chân đèo tới đỉnh đèo Chiềng Đông toàn bộ diện tích đất trồng cây hàng năm (cây ngô, cây hàng năm khác) được chuyển đổi sang trồng cây xoài ghép Đài Loan (78 ha) và nhãn ghép chín muộn (34 ha) theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể gắn với liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đây là giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa bàn xã Chiềng Đông; đồng thời hạn chế tình trạng xói mòn, rửa trôi đất màu tầng mặt, chống sạt lở đất đá gây tắc đường Quốc lộ 6 khu vực đèo Chiềng Đông - điểm trọng yếu trên Quốc lộ 6; vừa làm tăng thu nhập, vừa giúp cho người nông dân sản xuất bền vững trên đất dốc.

Tổng mức đầu tư cho mô hình là hơn 9,6 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh (1,2 tỷ đồng) hỗ trợ giống cây trồng với định mức 10 triệu đồng/ha; ngân sách huyện hơn 1,8 tỷ đồng hỗ trợ phần cây giống còn thiếu, trồng xen dứa, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, khảo sát thiết kế..; phần còn lại hơn do nhân dân đóng góp, bao gồm công làm đường đồng mức, giống cây trồng xen (cây dứa), phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công trồng, chăm sóc trong thời gian 02 năm.

Để mô hình triển khai thành công, ngay từ năm 2016, huyện Yên Châu đã tập huấn cho các hộ gia đình về kỹ thuật làm đường đồng mức, kỹ thuật đầu hố, bón lót các loại phân trước khi trồng, kỹ thuật trồng, chăm sóc; hướng dẫn các hộ gia đình chuẩn bị các điều kiện khác (đất, công lao động, phân hữu cơ phân chuồng 10 tấn/ha) đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, quy trình. Đồng thời, thành lập 3 Hợp tác xã nông nghiệp tại 2 địa bàn (bản Chai 02 HTX, bản Chủm 01 HTX) để làm trung gian liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm quả cho các hộ gia đình.

Ngoài ra, huyện đã thực hiện ký kết hợp đồng nguyên tắc sản xuất và cung ứng giống cây ăn quả nhãn, xoài với Viện nghiên cứu Rau quả Hà Nội; ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây trồng xen (cây dứa) với Công ty xuất nhập khẩu Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình. Từ tháng 10 đến hết tháng 12 năm 2016, bà con tham gia mô hình đã triển khai phát dọn, làm đường đồng mức, đào hố, bón lót ngay sau khi thu hoạch ngô và các loại cây trồng khác để kịp thời bắt tay vào việc trồng cây ăn quả trên đất dốc từ đầu năm 2017.

Theo ông Lường Trung Hiếu (Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu), kết quả kiểm tra trồng cây đợt 1, cây nhãn sinh trưởng tốt, rễ bén sâu, đâm chồi non và ra nhiều lá, tỷ lệ cây bị chết (mất) chiếm 4,7% (huyện đang bố trí giống để bà con trồng dặm); dịp này thời tiết mát mẻ, thuận hòa hơn, chắc hẳn cây xoài sẽ nhanh bén rễ và chỉ vài năm nữa khi tán cây phủ kín, khu vực đèo Chiềng Đông sẽ giảm căn bản tình trạng sạt lở đất đá, đất bị xói mòn, rửa trôi mà còn hứa hẹn trở thành vùng cây ăn trái trù phú, điểm du lịch hấp dẫn của vùng đất xoài thơm chuối ngọt Yên Châu bên cạnh Di tích lịch sử Thanh niên Xung phong ở Ngã ba Cò Nòi./.

Phạm Quỳnh