Yêu lắm đường sắt Việt Nam

Thứ năm, 10/10/2019 - 15:27

TNV - Theo lịch sử Đường sắt Việt Nam, kể từ khi thực dân Pháp đặt những mét ray đầu tiên tại Việt Nam, đến nay đường sắt đã hơn 133 năm hình thành và phát triển. Nhưng phải đến năm 1946, với sự kiện đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tàu từ Hải Phòng về Hà Nội, ngành Đường sắt mới chính thức bước sang giai đoạn mới, đồng hành cùng lịch sử xây dựng và phát triển nước Việt Nam độc lập.

Ngày 21/10/1946, cán bộ, công nhân viên Đường sắt Việt Nam vinh dự được nhận nhiệm vụ tổ chức một chuyến tàu đặc biệt đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hải Phòng về Hà Nội sau chuyến thăm Pháp về. Chuyến tàu đã đưa đoàn công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thủ đô tuyệt đối an toàn, đúng kế hoạch, được Người gửi thư cảm ơn, khen ngợi, trong đó có viết: “ Công việc Hỏa xa là một công việc quan trọng trong sự kiến thiết nước nhà. Tôi mong anh em Sở Hỏa xa lúc nào cũng đoàn kết, cố gắng để làm tròn nhiệm vụ”. Sự kiện ngày 21/10/1946 đã đánh dấu một mốc son trong lịch sử Đường sắt Việt Nam.

Trải qua những đợt ném bom tàn phá, dù bị hư hỏng nặng nề nhưng ngành đường sắt luôn duy trì vận chuyển hàng viện trợ và chở bộ đội trên các tuyến đường từ Bắc vào Vinh với phong trào "Tất cả vì miền Nam thân yêu" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Đường sắt miền Bắc đã lập nên những kỳ tích huy hoàng, góp phần quan trọng vào chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt.

Kết thúc chiến tranh, Đường sắt Việt Nam đã từng bước nâng cấp các tuyến đường hiện có, nâng cao an toàn và rút ngắn đáng kể thời gian chạy tàu. Các cầu và ga trên Đường sắt Thống Nhất đã được cải tạo và nâng cấp, đổi mới cung cách phục vụ, đem lại nhiều tiện lợi cho hành khách.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của khách hàng, vận chuyển hàng hóa phục vụ cuộc sống, tuy nhiên vận chuyển bằng đường sắt vẫn luôn được đón nhận, xu hướng đi lại bằng đường sắt vẫn là một lựa chọn thú vị, du lịch đường sắt giúp cho du khách có được những trải nghiệm đẹp về phong cảnh, cuộc sống của người dân Việt Nam.

Chúng ta có quyền tự hào về lịch sử 133 năm Đường sắt Việt Nam, càng tự hào hơn khi Đường sắt Việt Nam trở thành một trong mười đường sắt đẹp nhất trên thế giới. Cùng với niềm tự hào này, trong thời gian tới, Ngành đường sắt Việt Nam cần tập trung vào các yếu tố như chất lượng dịch vụ, phương tiện và chất lượng kết cấu hạ tầng, theo đó, Đường sắt Việt Nam tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt, bảo đảm tuyệt đối ATGT đường sắt.

Đồng thời, nâng cao chất lượng phương tiện phục vụ hành khách, chú trọng các giải pháp đã và đang thực hiện thời gian qua, nhưng cần nâng cấp ở mức độ cao hơn nhất là khả năng kết nối tại các ga đường sắt, lấy vận tải làm trung tâm, khách hàng là đối tượng phục vụ…, góp phần xứng đáng với những giá trị truyền thống, xứng tầm với vị trí của một ngành kinh tế quan trọng trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyễn Ngọc