Yêu thương và trân quý biết bao

Thứ ba, 14/05/2019 - 11:42

TNV - Sinh thời, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, tình cảm và sự quan tâm đối với con người luôn chiếm quan trọng trong chỉ đạo và điều hành đất nước của Người.

Năm 1945, Người đã từng nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì” .

Trong Di chúc, Người nhắc đến tất thảy mọi người, từ bà con lao động, công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh, trí thức… Người căn dặn: Đảng “ phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân” .

Người còn căn dặn: “ Đối với nạn nhân của chế độ cũ… thì nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.

Trong phạm vi bài viết này, chủ nhân đề cập đến tình cảm của Bác Hồ với các cháu thanh thiếu niên nhi đồng, đó là tình cảm đặc biệt, đó là thế hệ tương lai của đất nước:

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan

Chẳng may vận nước gian nan

Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng (Trẻ con)

“Trẻ em như búp trên cành” là quan niệm xuyên suốt trong tư tưởng, trong tình yêu bao la của Bác, đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của dân tộc Việt Nam về thiếu nhi, về việc chăm sóc cho thiếu nhi. Chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, bảo vệ “búp trên cành”, mầm xanh tương của cả dân tộc.

Tình yêu thương vô hạn của Bác dành cho thanh thiếu niên nhi đồng không chỉ cho hôm nay mà mãi mãi về sau, đó là niềm tự hào mãnh liệt, lòng thành kính cao vời, cùng niềm kiêu hãnh xiết bao khi được hát về Người:

Ai yêu các nhi đồng Bằng Bác Hồ Chí Minh

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh Hơn chúng em nhi đồng

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh Hơn thiếu nhi Việt Nam...

Trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ, thanh thiếu niên nhi đồng luôn là lớp “công dân đặc biệt” được Bác quan tâm đặc biệt, nỗi thương nhớ của Bác đối với các cháu không bao giờ vơi cạn, tình thương yêu trẻ luôn thường trực trong Người.

Khoan hãy nhắc về ngôi nhà đơn sơ nơi Bác được sinh ra (Làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), tôi muốn nhắc đến Huế - vùng đất cố đô nổi tiếng bởi cung điện, đền đài, lăng tẩm…, Huế cũng là nơi lưu dấu nhiều di tích gắn bó với thời niên thiếu của Bác Hồ, ngôi nhà nhỏ tại 112 đường Mai Thúc Loan (nay là 158 đường Mai Thúc Loan), nơi Bác Hồ đã sống cùng gia đình (1895-1901).

Trong ngôi nhà này, bà Hoàng Thị Loan thân sinh Bác Hồ đã miệt mài, tần tảo ngày đêm bên khung cửi để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con. Cũng chính trong căn nhà này, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã sống những ngày tháng tuổi thơ, đã chứng kiến những ngày tháng miệt mài kinh sử và nỗi lo khôn cùng của người cha, nỗi gian lao, vất vả của người mẹ.

Ngôi nhà cũng chứng kiến niềm hạnh phúc và nỗi đau tột cùng của Nguyễn Sinh Cung. Năm 1901, triều đình lệnh cho ông Nguyễn Sinh Sắc ra Thanh Hóa coi thi, ông mang theo người con trai cả, cậu bé Nguyễn Sinh Cung ở lại Huế cùng mẹ. Năm ấy, bà Hoàng Thị Loan đã sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Xin. Vì sinh con vất vả, bà bị ốm nặng và qua đời ở tuổi 33 trước tết nguyên đán 09 ngày.

Do quy định của triều đình, trong thành không được khóc người chết, nên đám tang của bà Hoàng Thị Loan do bà con quyên góp, tổ chức âm thầm giữa lúc thiên hạ đang náo nức đón Tết. Thi hài của bà không được qua cổng thành Đông Ba gần đó mà phải chuyển theo đường thủy qua cổng Thanh Long ra ngoài thành, qua sông Gia Hội, lên táng ở Núi Ngự. Eo ơi, có thấm viễn cảnh lúc ấy mới cảm nhận hết sự khốn khổ tột cùng của gia đình cậu bé Nguyễn Sinh Cung.

Mẹ qua đời khi em trai mới hơn một tháng tuổi, em khóc vì thiếu hơi ấm của mẹ, khát sữa. Người anh Nguyễn Sinh Cung bế em đi khắp xóm xin sữa, nước cơm cho em nhưng cuối cùng em qua đời vì quá ốm yếu, đó là cảnh tượng bi thương nhất mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung, khi đó mới 11 tuổi, phải gánh chịu.

Ngôi nhà không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ niệm thời ấu thơ của Bác, mà còn là cái nôi hình thành nhân cách vĩ đại về sau của Người, trong đó có tình thương bao la dành cho các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học, những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh”.

Cũng chính vì thế, trong hoàn cảnh nào và ở đâu, Bác Hồ cũng luôn nghĩ về các cháu thiếu niên nhi đồng, hướng các cháu vào những hoạt động vui chơi bổ ích và nề nếp kỷ luật. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian đi thăm các trường học, lớp mẫu giáo, trại thiếu nhi… động viên, khuyên nhủ và cùng vui chơi với các cháu.

Đặc biệt, Bác Hồ rất quan tâm đến các cháu thiếu nhi miền Nam đang học tập ở miền Bắc. Người thường xuyên viết thư thăm hỏi, gửi quà động viên các cháu thiếu niên nhi đồng miền Nam đang sống dưới sự đàn áp của Mỹ - Ngụy, chưa có một ngày hòa bình thật sự.

Bên cạnh đó, Bác còn yêu thương thiếu niên, nhi đồng các nước trên thế giới và luôn căn dặn các cháu phải đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Vâng lời Bác, thiếu niên nhi đồng luôn phấn đấu học tập chăm ngoan, vượt khó, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, thầy cô, cùng giúp bạn vượt khó đến trường…

Xúc động biết bao khi đọc bài viết cuối cùng của Bác trước lúc đi xa dành cho thiếu niên nhi đồng: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc, giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ... Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu cho tốt”.

Bác Hồ của chúng ta là vậy, tình yêu của Người dành trọn cho thiếu niên nhi đồng là vậy, trong tình yêu thương đặc biệt ấy có tuổi thơ của Người, của người chị, người anh và người em thiếu mẹ, khát sữa mất trong vòng tay của Người.

Yêu thương và trân quý Bác vô cùng.

Nguyễn Ngọc