VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ THỰC HIỆN NGUYÊN TẮC TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH TRONG SINH HOẠT CHI BỘ HIỆN NAY

Làm theo lời Bác | 10:00:37 15/03/2017

TNV - Việc nghiên cứu, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình là nội dung đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, tổ chức, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam để giải quyết đúng đắn những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng Đảng ta. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, có những giai đoạn gặp “sóng to, gió lớn”, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn vững vàng tiến lên, đưa cách mạng Việt Nam đạt nhiều thành tựu to lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi vấn đề xây dựng Đảng là sự nghiệp cả đời và Người căn dặn cán bộ, đảng viên không lúc nào được xa rời sự nghiệp đó.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, đổi mới tư duy lý luận là một yêu cầu rất quan trọng. Đảng ta khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chúng ta không những phải nắm vững những nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí minh, nắm vững những quan điểm cơ bản về xây dựng Đảng mà còn phải tiếp tục sáng tạo trong điều kiện lịch sử mới. Trong đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tự phê bình và phê bình là nội dung đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình

Từ các bài giảng đầu tiên cho những cán bộ cốt cán chuẩn bị Đảng ra đời (1925-1927), đến Di chúc thiêng liêng mà Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, Người luôn căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” [3, tr 611]Theo Người, tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén để chiến đấu và chiến thắng với những sai lầm, khuyết điểm, là quy luật sống còn đối với sự tồn tại, phát triển của Đảng ta. "Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau" [2, tr 267].

Tự phê bình và phê bình là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, là quy luật phát triển của Đảng. Tự phê bình là tự đánh giá những mạnh, yếu của bản thân làm cơ sở cho người khác đóng góp, tham gia ý kiến giúp sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Phê bình là việc tham gia góp ý kiến với người khác, vạch rõ ưu điểm, khuyết điểm và cách thức sửa chữa để tiến bộ mãi. Người chỉ rõ: Trong sinh hoạt và hoạt động thực tiễn ai cũng có ưu, khuyết điểm, có cái hay, cái dở, cái tiên tiến và cái lạc hậu… ở mức độ khác nhau. Vì vậy, cần động viên, khuyến khích làm cho phần tốt phát huy nảy nở, còn những thói hư tật xấu không có đất sinh sôi mà mất dần đi. Muốn vậy, phải thường xuyên sử dụng tự phê bình và phê bình, phải coi đó như việc “rửa mặt” hằng ngày.

Về mục đích tự phê bình và phê bình, theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ động cơ trong sáng là giúp đỡ lẫn nhau, vì sự tiến bộ của mỗi người và sự phát triển vững mạnh của tổ chức. Vì vậy, trong tự phê bình và phê bình phải chống tư tưởng hẹp hòi, ích kỷ, lợi dụng phê bình để hạ uy tín, đả kích lẫn nhau gây chia rẽ mất đoàn kết, làm tổn hại, suy yếu tổ chức đảng. Để thực hiện đúng mục đích trong sáng của phê bình, Người căn dặn: Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.  Trong Di chúc của mình, bản sửa năm 1965, bên cạnh dòng chữ được đánh máy “Trong Đảng thực hành dân dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bổ sung một dòng chữ viết tay “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Phải luôn nhận rõ đối tượng của tự phê bình và phê bình là việc chứ không phải là người.

Về phương pháp tự phê bình và phê bình, Người yêu cầu phải thực hiện tốt việc nêu gương; phải lấy tự phê bình là chính, thực hiện phê bình mình trước, phê bình người khác sau; trong cấp uỷ phải làm gương cho ngoài, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ phê bình trước, chiến sỹ phê bình sau, “phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau” [2, tr 307] và “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ… cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”  [2, tr 272].

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ hiện nay

Việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ có tầm quan trọng đặc biệt. Bởi lẽ, Đảng ta tồn tại, phát triển và lớn mạnh như ngày nay là vì Đảng luôn coi tự phê bình và phê bình là một quy luật cơ bản trong quá trình phát triển tiến bộ đi lên của Đảng. Trong quá trình hoạt động, mỗi bước trưởng thành, cũng như khi cách mạng chuyển giai đoạn, Đảng đều lấy tự phê bình và phê bình để đánh giá, soi xét lại mình về tư tưởng, tổ chức; đánh giá lại đội ngũ cán bộ, đảng viên để biết chỗ mạnh chỗ yếu, phát hiện ngăn ngừa những lệch lạc. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, toàn Đảng tiến hành kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đánh giá: Quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương, có tác dụng cảnh báo, răn đe, cảnh tỉnh và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tạo tiền đề đẩy mạnh công tác tác xây dựng Đảng, đưa tự phê bình và phê bình trở thành công việc thường xuyên trong Đảng.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên trong nhiệm kỳ là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục chỉ rõ những biểu hiện về suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở nghiêm túc, tự giác và có kế hoạch, biện pháp phù hợp để khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm.

Để làm tốt tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh và tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, trong sinh hoạt chi bộ chúng ta cần nhận thức và thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm tự phê bình và phê bình của các cấp ủy đảng. Tự phê bình và phê bình chỉ có thể đem lại hiệu quả thiết thực khi cấp ủy đảng các cấp có nhận thức đúng và tổ chức thực hiện nghiêm túc ở cấp mình. Nhận thức không đúng nguyên tắc tự phê bình và phê bình thể hiện có sự buông lỏng, coi nhẹ hoặc hình thức trong sinh hoạt đảng. Để nhận thức đúng và bảo đảm thực hiện tự phê bình và phê bình có chất lượng thì cấp ủy đảng cần trang bị cho cán bộ, đảng viên của mình đầy đủ những kiến thức, thông tin cần thiết. Bởi vì, sự bất cập về trình độ kiến thức, thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch của cán bộ, đảng viên sẽ hạn chế rất nhiều đến chất lượng tự phê bình và phê bình. Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho cán bộ, đảng viên để mọi người vừa có đủ bản lĩnh, dũng khí, hiểu biết, vừa có cái tâm trong sáng, trung thực, dám bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, làm cho ý kiến phê bình của mình được chính xác, có hàm lượng trí tuệ và có tính thuyết phục cao. Khắc phục tình trạng bưng bít sự thật, không dám công khai hoặc thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến hiệu quả của tự phê bình và phê bình.

Hai là, duy trì và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ. Để nâng cao hiệu quả tự phê bình và phê bình, các tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên cần coi tự phê bình và phê bình là chế độ thường xuyên, gắn với sinh hoạt chi bộ. Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả nền nếp, chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình trong Đảng nhằm kịp thời cảnh tỉnh và ngăn chặn những cán bộ, đảng viên có khuyết điểm. Mỗi cấp ủy đảng cần tổ chức tiến hành tự phê bình và phê bình nghiêm túc, chặt chẽ tránh những biểu hiện qua loa đại khái, mang tính chiếu lệ, hình thức. Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình cần khắc phục những biểu hiện độc đoán, gia trưởng, hữu khuynh, né tránh khuyết điểm hoặc bao che. Để đạt hiệu quả của tự phê bình và phê bình cần kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng và công tác tổ chức, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm và tính tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình tiến hành.Thực chất đây là vấn đề tạo dựng môi trường, điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Đồng thời, phải kết hợp chặt chẽ với các nguyên tắc khác như nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách nhằm nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục trong sinh hoạt đảng.

Ba là, thực hiện tự phê bình và phê bình với thái độ và phương pháp đúng đắn, phù hợp. Tự phê bình và phê bình là một vấn đề nhạy cảm, nếu chúng ta thực hiện không khéo, không đúng sẽ gây ra phản ứng tâm lý, phản tác dụng và làm hỏng cán bộ, đảng viên của Đảng. Hơn nữa, mỗi nội dung tiến hành đều ảnh hưởng đến uy tín, phẩm chất, đạo đức, nhân cách của người cán bộ, đảng viên. Vì vậy, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng phải bảo đảm tính văn hóa, tính khoa học và tính nhân văn. Nghĩa là phải khách quan, trung thực, chân thành, thẳng thắn, có lý, có tình, không thêm bớt, che giấu khuyết điểm và phải xuất phát từ cái tâm trong sáng vì lợi ích chung của tập thể. Trong phê bình không nên dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm chọc lẫn nhau. Phê bình việc, chứ không phê bình người. Điều này khác xa động cơ của không ít người vẫn thường lợi dụng phê bình để trù dập cấp dưới, xu nịnh cấp trên hay trừng phạt lẫn nhau. Người được phê bình phải có thái độ cầu thị trong việc tiếp thu những ý kiến đóng góp của đồng chí, đồng đội và quần chúng, phải coi đó là một lần giúp mình tiến bộ, trưởng thành đồng thời bản thân phải nghiêm túc sửa chữa những sai lầm khuyết điểm, loại bỏ những ý nghĩ thành kiến, trù úm hoặc thù ghét người phê bình mình. Đối với người phê bình phải chỉ ra được cụ thể những ưu, nhược điểm của đồng chí, đồng đội mình để từ đó tìm cách giúp đỡ họ và phải chịu trách nhiệm về những lời nói của mình. Trong phê bình cần phát huy dân chủ, để cho mọi người được nói lên những suy nghĩ của mình. Dân chủ là tiền đề, động lực thúc đẩy tự phê bình và phê bình của mỗi cán bộ, đảng viên. Không có dân chủ, không thể có tự phê bình và phê bình đúng đắn.

Bốn là, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cấp ủy, người đứng đầu và trách nhiệm của các tổ chức quần chúng trong thực hành tự phê bình và phê bình. Phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy và người đứng đầu trong thực hành tự phê bình và phê bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng cần tiến hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ cấp uỷ, người đứng đầu đến cán bộ, đảng viên. Cấp trên phải gương mẫu kiểm điểm trước để cấp dưới noi theo; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp uỷ viên và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo điểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau; cấp trên phải gương mẫu tự phê bình trước cấp dưới; cấp dưới phải mạnh dạn phê bình cấp trên; tổ chức đảng và đảng viên phải lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng. Định kỳ phải tổ chức cho quần chúng tham gia đóng góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Những ý kiến đúng phải được tiếp thu và kiên quyết sửa chữa, những ý kiến chưa đúng phải giải thích cho quần chúng hiểu. Bí thư và thủ trưởng đơn vị cần phải tiên phong, gương mẫu, dám tự phê bình, dám nhận khuyết điểm trước tập thể, trước cấp trên, cấp dưới và đồng cấp; thật sự tạo ra không khí cởi mở, khuyến khích động viên mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng mạnh dạn tự phê bình và phê bình.

Với quyết tâm và những hành động quyết liệt thực sự từ phía Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, Đảng ta sẽ có đủ bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh lãnh đạo đưa dân tộc ta vượt qua những thách thức, vững bước trên con đường đã chọn, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với sự mong đợi và niềm tin của cả dân tộc.

Nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Nhiệm vụ đó đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả nguyên tắc tự phê bình và phê bình, đặc biệt trong các buổi sinh hoạt chi bộ. Trong điều kiện hiện nay, tự phê bình và phê bình trong nội bộ Đảng lại càng cần thiết hơn bao giờ hết nhằm giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo lãnh đạo, năng lực cầm quyền, tính tiên phong, sức chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 15.

                                                                  ThS. Nguyễn Thị Thơ                                                            Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam