Bưởi đỏ Tân Lạc - nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ

Khởi nghiệp | 10:31:37 25/11/2017

TNV  - Giống bưởi đỏ đã được trồng tại mảnh đất Tân Lạc (Hòa Bình) cách đây khoảng hơn 40 năm. Theo thời gian, “Bưởi đỏ Tân Lạc” trở nên nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, đem lại thu nhập cao cho nhiều bà con nông dân, trở thành cây kinh tế mũi nhọn của huyện. Đặc biệt vào 25/11, tại xã Đông Lai, UBND huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bưởi đỏ Tân Lạc” cho sản phẩm bưởi đỏ nơi đây.

Tính đến năm 2017, tổng diện tích bưởi toàn huyện Tân Lạc tiếp tục đạt 991,8ha, trong đó diện tích trồng mới 43ha, diện tích cho thu hoạch 350ha. Vùng trồng bưởi tập trung ở các xã vùng dọc đường QL12B, QL6. Một héc-ta bưởi bà con nơi đâu có thể trồng được khoảng hơn 150 cây.

Bưởi đỏ Tân Lạc thu hoạch rộ từ tháng 11, những trái bưởi sai trĩu, vàng óng hấp dẫn khách hàng, tép đỏ hồng, nhiều nước, bóc lại không ướt tay, hương vị ngọt thanh  gây vương vấn cho ai đã từng một lần được thử hương vị của chúng. Trước đây, người dân chỉ để bưởi làm quà dịp lễ, tết. Sau này đã phát triển thành cây trồng chủ lực và đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình trong huyện.

21-1 Bưởi đỏ Tân Lạc mùa thu hoạch

Sau quá trình khảo sát, kiểm tra đầy đủ các yếu tố an toàn, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi đỏ Tân Lạc”. Đây được coi là  là cơ hội lớn để huyện Tân Lạc giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng, liên kết xây dựng, hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm của địa phương. Cũng nhân sự kiện đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, huyện đã tổ chức hội chợ nông sản với 50 gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện; Giúp các chủ vườn trong huyện giới thiệu sản phẩm và  nâng cao ý thức cho bà con nông dân về việc sử dụng, giữ gìn, bảo vệ thương hiệu và phát triển.

21-2 Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể Bưởi đỏ Tân Lạc

Cũng trong năm 2017,  huyện Tân Lạc đã triển khai tập huấn, hướng dẫn bà con ở xã Đông Lai chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGap. Việc này giúp bà con mở rộng được thị trường và tạo được niềm tin từ khách hàng. Việc được bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bưởi đỏ Tân Lạc” cũng là tiền đề để huyện tiếp tục xây dựng và phát triển một số mặt hàng nông sản có thế mạnh của địa phương như cây có múi, sản phẩm nông sản sạch…. Đồng thời, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích trồng bưởi trên địa bàn huyện đạt 1.200ha.

Song song với đó, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây có múi Xuân Mai và một số hộ xây dựng vườn ươm giống bưởi, mua bán, trao đổi theo hình thức giống nông hộ, áp dụng kỹ thuật nhân giống vô tính đáp ứng nhu cầu về giống bưởi của nhân dân.

Chia sẻ về hướng đi tiếp theo cho thương hiệu, Đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: “Định hướng tổ chức sản xuất và tiếp cận thị trường với những sản phẩm đặc sản, truyền thống, có chất lượng và có giá trị gia tăng cao dựa trên những lợi thế truyền thống, văn hóa và kỹ năng của người dân, gắn sản xuất với bảo hộ sở hữu trí tuệ là giải pháp quan trọng đang được huyện Tân Lạc thực hiện”. Có thể thấy, đặc sản địa phương đang là lá bài kinh tế mà nhiều nơi áp dụng để cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Nhãn hiệu tập thể được bảo hộ là cả một chặng đường dài đã qua và thách thức đặt ra cho chính quyền nơi đây chính là các giải pháp cụ thể quản lý và kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm bưởi; tăng cường phổ biến cho người trồng bưởi áp dụng quy trình thống nhất để bảo đảm chất lượng của sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường xúc tiến sản phẩm để giữ vững và củng cố thương hiệu “Bưởi đỏ Tân Lạc”.

Đào Phương

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam