1 hành động đơn giản nhưng là 'lá chắn' phòng bệnh truyền nhiễm

Thứ tư, 16/10/2024 - 16:38

Rửa tay là "lá chắn" phòng bệnh truyền nhiễm. Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế - trong buổi mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Y tế rửa tay trên sân khấu phát động buổi lễ mít tinh.

Thứ trưởng Bộ Y tế rửa tay trên sân khấu phát động buổi lễ mít tinh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vệ sinh tay giúp bảo vệ hàng triệu sinh mạng mỗi năm khi được thực hiện đúng cách vào những thời điểm quan trọng. Cơ quan này cho hay, rửa tay với xà phòng có thể giảm thiểu tới 40% nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa và đường hô hấp ở trẻ em.

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế, bài học từ đại dịch COVID-19 cho thấy, vệ sinh tay và rửa tay bằng xà phòng có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng cũng như phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế.

Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên, một số dịch bệnh truyền nhiễm vẫn có diễn biến phức tạp và có nguy cơ gia tăng nếu không chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, tình hình bão, mưa lũ dự báo sẽ tiếp tục diễn ra, có nguy cơ làm gia tăng các dịch, bệnh truyền nhiễm liên quan đến nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân chưa bảo đảm trong và sau mưa lũ.

Bà Hương nhấn mạnh, việc thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân luôn là một biện pháp phòng, chống dịch quan trọng, đơn giản, dễ làm, hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch.

1 hành động đơn giản nhưng là 'lá chắn' phòng bệnh truyền nhiễm- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương (ảnh PV).

"Mỗi người trong chúng ta hãy cùng nhau thực hiện rửa tay với xà phòng đúng cách và thường xuyên, đồng thời lan tỏa thông điệp này đến mọi người xung quanh. Mỗi hành động nhỏ của từng cá nhân sẽ góp phần lớn lao trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh", bà Hương chia sẻ.

Theo Thứ trưởng, các cơ quan, tổ chức cần: 

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích và hiệu quả của rửa tay với xà phòng để việc rửa tay với xà phòng trở thành thói quen thường xuyên, thói quen hàng ngày của mỗi người dân.

- Tăng cường công tác giáo dục vệ sinh, rửa tay với xà phòng và nước sạch trong nhà trường cho các em học sinh tại các nhà trẻ, trường mầm non, tiểu học với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với các lứa tuổi và cấp học như: tổ chức các hoạt động ngoại khoá, cuộc thi tìm hiểu, phát động thi đua về vệ sinh phòng bệnh.

- Các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở y tế và những nơi công cộng đảm bảo việc cung cấp nước sạch, bố trí đầy đủ chỗ rửa tay, xà phòng để mọi người có thể thực hành rửa tay thường xuyên. Mỗi hộ gia đình cũng cần phải có đầy đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay. Đặc biệt cần có các giải pháp đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho sinh hoạt, thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn.

Tại buổi mít tinh, bà Nguyễn Thị Anh Thi – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - cũng kêu gọi: "Toàn thể nhân dân trên địa bàn thành phố, các bậc phụ huynh, những người chăm sóc trẻ tại các trường học, tại các hộ gia đình có trẻ nhỏ, tự giác thực hiện các biện pháp vệ sinh theo đúng hướng dẫn của ngành y tế. Từ hành động cụ thể của mỗi người dân với phương châm: ăn sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch, sẽ góp phần chung tay cùng các cấp chính quyền và ngành y tế đẩy lùi bệnh tật nói chung và đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm".

Ngày 15/10/2024, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng tại TP. Đà Nẵng với chủ đề "Rửa tay với xà phòng – Tại sao lại quan trọng".

Ngọc Minh