2 thứ được coi là "hang độc" trong nhà bếp, không làm sạch đúng cách thì rước bệnh vào người

Thứ năm, 14/11/2024 - 17:54

2 thứ trong nhà bếp mà chúng ta sử dụng hàng ngày có thể trở thành "hang độc" và gây hại cho sức khoẻ nếu như không được làm sạch đúng cách và thay thế thường xuyên.

Một số vật dụng trong nhà bếp có thể là nơi "ẩn náu" của rất nhiều vi khuẩn, virus có hại, đặc biệt nếu chúng ta vệ sinh không đúng cách và thay thế thường xuyên. Trong đó, có 2 vật dụng mà gia đình nào cũng sử dụng hàng ngày nhưng lại được vệ sinh một cách qua loa. Nếu sử dụng lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật.

1. Thớt

Một vật dụng nhà bếp phổ biến có thể gây hại cho sức khỏe và làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu bạn vệ sinh và sử dụng không đúng cách đó là thớt. Theo một nghiên cứu, thớt chứa vi khuẩn nguy hiểm gấp 200 lần so với bệ toilet, một số loại vi khuẩn thường gặp trong thớt như salmonella, E-coli và campylobacter.

Ngoài ra, thớt còn là nguồn lây nhiễm chéo các loại vi khuẩn có hại. Do vậy, mọi người nên sử dụng riêng thớt cho các loại thực phẩm sống và chín.

2 thứ được coi là "hang độc" trong nhà bếp, không làm sạch đúng cách thì rước bệnh vào người- Ảnh 1.

Thớt chứa rất nhiều vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm (Nguồn: Healthline)

Nên vệ sinh thớt như thế nào?

Để vệ sinh thớt một cách sạch sẽ và loại bỏ những vi khuẩn có hại, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:

- Rửa sạch thớt với nước nóng. Sau đó thoa nước rửa chén lên thớt và chà bằng miếng rửa bát. Nếu bạn thấy bất kỳ vết dao, vết xước hoặc vết không đồng nhất nào trên thớt, hãy chà kỹ những khu vực đó để tránh vi khuẩn.

- Làm sạch cả hai mặt thớt. Bạn nên vệ sinh và chà sạch cả hai mặt của thớt gỗ, ngay cả khi chỉ dùng một mặt để cắt. Vì nước thịt có thể nhỏ giọt và làm bẩn mặt còn lại. Nếu thớt có tay cầm, hãy rửa cả tay cầm đó.

- Rửa sạch và lau khô. Rửa sạch cả hai mặt của bảng bằng nước ấm. Sau đó, sử dụng vải sạch hay khăn giấy để lau khô, hoặc bạn cũng có thể đem phơi ngoài nắng.

Để đảm bảo an toàn hơn, sau khi sử dụng thớt để thái thịt sống, bạn có thể khử trùng thớt bằng 1 thìa thuốc tẩy clo với khoảng 4 lít nước. Ngâm thớt trong dung dịch này khoảng 2-3 phút, sau đó rửa sạch và lau khô.

Bao lâu nên thay thớt một lần?

Thớt gỗ chất lượng cao có thể dùng được 4–7 năm, trong khi thớt nhựa có thể dùng được 1–5 năm. Nếu thớt có các dấu hiệu xước nhiều, nứt nẻ thì bạn nên thay thớt ngay để tránh vi khuẩn tích tụ quá nhiều.

2. Miếng rửa bát

Miếng rửa bát chứa nhiều vi khuẩn hơn bất kỳ bề mặt nào khác trong nhà bạn. Chúng ta sử dụng miếng rửa bát hàng ngày để rửa bát đĩa, thớt,... nhưng thực tế là chúng là nơi phát tán vi khuẩn.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 362 loài vi khuẩn khác nhau trong bọt biển và 45 tỷ vi khuẩn trên mỗi cm vuông. Vật dụng nhà bếp này chứa rất nhiều loại vi khuẩn như campylobacter, salmonella, staphylococcus, E. coli và listeria. Tất cả những vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng đường ruột và da từ nhẹ đến nặng.

Sai lầm của rất nhiều gia đình khi sử dụng miếng rửa bát đó là không thay đổi thường xuyên, đặt lên kệ ngay sau khi sử dụng mà không đem phơi khô. Điều này càng tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn phát triển.

2 thứ được coi là "hang độc" trong nhà bếp, không làm sạch đúng cách thì rước bệnh vào người- Ảnh 2.

Trong miếng bọt biển có khoảng 362 loài vi khuẩn khác nhau (Nguồn: Mashed)

Cách vệ sinh miếng rửa bát

- Giặt sạch miếng rửa bát với nước rửa chén

- Sau đó, bạn có thể lựa chọn cho vào lò vi sóng, máy rửa bát, ngâm trong nồi nước đun sôi, ngâm trong giấm trắng.

- Phơi khô miếng rửa bát

Mẹo sử dụng miếng rửa bát đúng cách

- Thay miếng rửa bát sau 1-2 tuần sử dụng

- Phơi khô miếng rửa bát và để ở nơi khô thoáng sau mỗi lần sử dụng

- Sử dụng riêng miếng rửa bát cho các vật dụng như thớt thái thịt sống, bát đĩa ăn hàng ngày.

Ngoài các vật dụng trên, bạn cũng nên vệ sinh toàn bộ mọi thứ trong nhà bếp theo định kỳ để hạn chế sự phát triển của các loại vi khuẩn, virus hoặc nấm gây bệnh.

(Tổng hợp)

Vân Anh