20/11 và lời tâm sự của nữ Hiệu trưởng: Học sinh hư thì chúng ta giáo dục đến cùng, quyết không đẩy gánh nặng cho xã hội!

Thứ tư, 20/11/2024 - 15:28

Đuổi học thì dễ, nhưng đó không bao giờ là giải pháp cuối cùng của người làm giáo dục.

Tọa lạc tại số 6 ngõ 2, Đồng Me, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm là trường THCS Mễ Trì. Những năm gần đây, tập thể nhà trường đạt được nhiều thành tích đáng khen trong học tập và giảng dạy. Như năm học 2023-2024, trường có 20 em đỗ vào các trường chuyên gồm THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, chuyên Sơn Tây,... Trong kỳ thi HSG lớp 9 cấp quận, có 19 em đạt giải (7 giải Ba, 2 giải Nhì, 10 giải Khuyến khích ); trong kỳ thi HSG lớp 9 cấp TP có 4 giải (1 Nhất Văn - 2 Nhì Địa - 1 Ba IJSO).

Ngoài học tập, học sinh THCS Mễ Trì còn đạt nhiều thành tích ở mảng thể thao, với nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng ở các bộ môn Cờ tướng, Điền kinh, Taekwondo cấp quận. Nổi bật có 1 học sinh lớp 6 được dự thi Quốc gia môn Taekwondo.

Về phía chi bộ Nhà trường cũng xuất sắc đạt nhiều danh hiệu: "Chi bộ trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu" (2018-2022); được Bộ Giáo dục và đào tạo tặng bằng khen "Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học"; danh hiệu "Tập thể lao động tiên tiến" cấp Quận, "Tập thể lao động xuất sắc cấp Thành phố";...

Không quá khi nói rằng, THCS Mễ Trì đang trở thành điểm sáng giáo dục trên địa bàn quận. Nhiều phụ huynh khi được phỏng vấn cũng chia sẻ cảm xúc hài lòng, yên tâm khi cho con em mình theo học tại trường.

20/11 và lời tâm sự của nữ Hiệu trưởng: Học sinh hư thì chúng ta giáo dục đến cùng, quyết không đẩy gánh nặng cho xã hội!- Ảnh 1.

20/11 và lời tâm sự của nữ Hiệu trưởng: Học sinh hư thì chúng ta giáo dục đến cùng, quyết không đẩy gánh nặng cho xã hội!- Ảnh 2.

Một số hình ảnh về trường THCS Mễ Trì

Nhìn lại chặng đường đã qua, cô Nguyễn Thị Thịnh - Hiệu trưởng trường THCS Mễ Trì không khỏi xúc động. Cô Thịnh chia sẻ, tập thể cán bộ nhà trường luôn cố gắng xây dựng THCS Mễ Trì trở thành một "ngôi trường hạnh phúc", là nơi mà các con không chỉ được học kiến thức, mà còn được vận động thể chất, được học các kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống sau này, và hơn hết là trở thành người tự lập, dám nghĩ, dám làm, biết sai và sửa sai.

Khi thầy cô tạo vòng bảo vệ vô hình cho học sinh

Để học sinh hạnh phúc sẽ cần nhiều sự thay đổi, đầu tiên là phải thay đổi những quan niệm học tập đã cũ kỹ, gây áp lực.

Cô Nguyễn Thị Thịnh cho biết, nếu trước kia, dạy học thường là thầy đọc - trò chép, việc tiếp thu kiến thức dễ trở nên bị động và không in sâu vào đầu thì hiện tại đã khác. Tại THCS Mễ Trì, các thầy cô sẽ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch bài giảng và hướng dẫn học trò chủ động tìm kiếm, hoàn thiện kiến thức cho bản thân.

Các em tự tiếp thu, xây dựng kiến thức một cách sáng tạo, không còn chuyện "căng mắt" học thuộc lòng đề cương ôn tập như trước.

Thứ hai, ngoài học tập, trẻ còn cần phải có trải nghiệm để cân bằng cuộc sống. Học sinh trường THCS Mễ Trì được tham gia rất nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa, những buổi tập huấn ở nhiều chủ đề, những hoạt động văn nghệ, thi thời trang,... sôi động.

Thông qua đó, các em rèn được nhiều kỹ năng mềm và tích lũy kiến thức cần thiết để bảo vệ bản thân. Cô Nguyễn Thị Thịnh tự hào chia sẻ: "Thuốc lá điện tử là một vấn nạn ở cấp 2, nhưng tại THCS Mễ Trì thì đã giảm hẳn và gần như không còn. Để được như vậy là nhờ những buổi tuyên truyền cho các em hiểu và tránh xa tệ nạn. Các em thấm dần và biết đâu là những thứ gây hại cho sức khỏe, không nên thử. Những buổi tuyên truyền đã trở thành vòng bảo vệ vô hình cho học sinh".

20/11 và lời tâm sự của nữ Hiệu trưởng: Học sinh hư thì chúng ta giáo dục đến cùng, quyết không đẩy gánh nặng cho xã hội!- Ảnh 3.

Cô Nguyễn Thị Thịnh và học trò

Từng có một học sinh lớp 6 lén hút thuốc lá điện tử vào thời gian nghỉ hè. Cha mẹ không biết, thầy cô chẳng hay, nhưng khi tham gia buổi sinh hoạt dưới sân trường, em nhận ra việc làm của mình là sai và dũng cảm lên phòng nhận lỗi với cô Hiệu trường. Vụ việc khiến cô Thịnh xúc động và tuyên dương sự dũng cảm của em trước toàn trường.

Bên cạnh những buổi tuyên truyền, sinh hoạt, trường THCS Mễ Trì còn có một lực lượng vô cùng đặc biệt là đội Thanh niên xung kích, gồm đại diện BGH, đại diện thầy cô giáo chủ nhiệm và đại diện học sinh của các lớp. Các em học sinh được giữ kín thông tin, đóng vai trò mắt xích quan trọng trong việc giúp thầy cô phát hiện những vấn đề đang xảy ra, chẳng hạn học sinh A và học sinh B đang có mâu thuẫn trên mạng xã hội, xuất hiện học sinh hút thuốc lá điện tử,... để từ đó thầy cô sớm ngăn chặn và xử lý phù hợp.

Rất nhiều vụ việc đã được phát hiện kịp thời nhờ đội xung kích. Chẳng hạn, từng có trường hợp một nam sinh lớp 9 lén giấu pod vào phần quần lót. Nếu như không có đại diện học sinh báo lại thì em này vẫn sẽ tiếp tục lén hút thuốc lá điện tử.

Khi phát hiện, thầy cô phải xử lý nghiêm nhưng cũng không thể quá cứng nhắc, cực đoan, để tránh học sinh hoảng sợ, ảnh hưởng tâm lý. Phải xử lý, khuyên bảo sao cho trẻ thực sự biết sai mà sửa, chứ không phải chống chế, đối phó, lén lút sai tiếp.

Làm được như vậy mới thực sự là giáo dục thành công.

Phải giáo dục học sinh đến cùng, không có chuyện đẩy gánh nặng cho xã hội

Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, cô Nguyễn Thị Thịnh tâm sự, kỷ luật học trò như nào là một điều mà thầy cô phải suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều. Tùy mức độ các em vi phạm ra sao mà nhà trường sẽ có mức độ xử lý. Tuy nhiên, sẽ không bao giờ có chuyện đuổi học các em. Đuổi học thì dễ, nhưng đó không bao giờ là giải pháp cuối cùng của người làm giáo dục. Sẽ không có chuyện học sinh không ngoan thì tìm mọi cách đẩy sang trường khác.

Tại trường THCS Mễ Trì, từng xảy ra trường hợp một học sinh lớp 8 được gia đình lên xin nghỉ, bảo lưu 1 năm. Bố mẹ ly hôn, em bướng bỉnh, bất trị và không chịu nghe lời, thường xuyên vi phạm kỷ luật.

Khi bố nam sinh lên trường làm đơn, cô Nguyễn Thị Thịnh cố gắng ngăn cản và phân tích những tác hại nếu cho con nghỉ học ở độ tuổi còn quá nhỏ như vậy. Không đến trường, bố mẹ đi làm không quản, con càng dễ sa ngã hơn. Ở độ tuổi ham chơi, con sẽ chẳng nhận ra bài học nào mà còn thích thú vì không phải đi học. Thay vì bắt con nghỉ, người lớn cần dành nhiều thời gian quan tâm hơn, cho con cơ hội để sửa sai. Sau này, nếu cảm thấy môi trường học không phù hợp nữa, gia đình có thể cho con chuyển sang môi trường khác.

Cô Nguyễn Thị Thịnh hạnh phúc vì phụ huynh đã nhìn nhận lại và đồng ý tiếp tục cho con đến trường. Đến nay, em nam sinh vẫn đi học bình thường và không hề vi phạm kỷ luật gì.

"Nếu muốn giảm gánh nặng cho nhà trường, tôi sẽ ký hồ sơ cho em đó nghỉ ngay nhưng lương tâm của người làm giáo dục không cho phép tôi buông xuôi như vậy", cô Thịnh tâm sự.

Nữ Hiệu trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta làm công tác giáo dục. Nếu không dạy được các em thì cũng không thể đẩy gánh nặng cho người khác, và đặc biệt là không đẩy gánh nặng cho xã hội!".

Thanh Hương