2024 là năm đầu tiên thế giới chạm vào một ranh giới thảm khốc

Thứ tư, 13/11/2024 - 11:45

Các nhà khoa học đang đặt ra những cảnh báo ở mức báo động.

Dữ liệu mới vừa xác nhận năm 2024 sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận và là năm dương lịch đầu tiên vượt ngưỡng Thỏa thuận chung Paris.

Hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều cam kết nỗ lực giữ mức nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C trong Thỏa thuận Paris, mà các nhà khoa học cho biết sẽ ngăn chặn các tác động lan rộng và ngày càng tồi tệ hơn như hạn hán, nắng nóng và mực nước biển dâng cao thảm khốc. Họ cảnh báo rằng ở mức đó, cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra - được thúc đẩy bởi ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch giữ nhiệt - bắt đầu vượt quá khả năng thích nghi của con người và thế giới tự nhiên.

Dữ liệu do Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Châu Âu công bố hôm thứ Tư (13/11) cho thấy năm 2024 "gần như chắc chắn" sẽ vượt ngưỡng đó.

2024 là năm đầu tiên thế giới chạm vào một ranh giới thảm khốc- Ảnh 1.

2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận

Những dữ liệu mới cho thấy rõ ràng rằng việc trì hoãn thêm hành động vì khí hậu từ các nền kinh tế toàn cầu hàng đầu sẽ đảm bảo mức độ nóng lên thậm chí còn cao hơn nữa, và cùng với đó là những tác động ngày càng tồi tệ hơn.

“Chúng ta không có thời gian để dừng lại”, Alex Scott, một chiến lược gia về ngoại giao khí hậu tại tổ chức tư vấn quốc tế ECCO cho biết hôm thứ Tư.

Khi thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu đang giết chết nhiều người hơn và gây thiệt hại hàng tỷ đô la cho các nền kinh tế mỗi năm, cuộc khủng hoảng khí hậu đã trở thành vấn đề hàng đầu tại các diễn đàn quốc tế lớn như G7 và G20.

2024 là năm đầu tiên thế giới chạm vào một ranh giới thảm khốc- Ảnh 2.

Đám cháy Line Fire đã lan rộng khắp chân dãy núi San Bernardino ở California, buộc người dân trong khu vực phải di tản vào đầu tháng 9.

2024 là năm đầu tiên thế giới chạm vào một ranh giới thảm khốc- Ảnh 3.

Lũ lụt gây ra bởi bão Helene ở Mỹ vào tháng 9.

Trong khi đó, nhiệt độ toàn cầu đang tăng. Tháng trước là tháng 10 ấm thứ hai, theo Copernicus, và ấm hơn 1,65 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp, khi con người bắt đầu tạo ra ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch.

Thời tiết khắc nghiệt đã xảy ra ở nhiều nơi trong tháng, bao gồm bão Milton tấn công Florida (Mỹ) và lũ quét tàn phá ở Tây Ban Nha khiến hơn 200 người thiệt mạng. Một cột mốc khí hậu đáng báo động khác trong tháng bao gồm tình trạng không có tuyết trên đỉnh núi Phú Sĩ ở Nhật Bản lần đầu tiên sau 130 năm được ghi chép.

Nguồn: CNN

Chi Chi