Những câu nói, bình luận mang tính phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, kỳ thị người đồng tính hoặc các hình thức định kiến khác nhằm hạ thấp đồng nghiệp vẫn thường xuyên được nói ra tại nơi công sở. Những bình luận hạ thấp này cũng có thể đến từ những đồng nghiệp thiếu hiểu biết, song cũng có thể đến từ sự vô tình, vô tư.
"Sự hạ thấp cá nhân tại nơi làm việc thường xuất phát từ ba nguyên nhân ― không nhận thức được cách giao tiếp của bạn tác động đến người khác như thế nào, sự hung hăng, bắt nạt hoặc mong muốn nâng cao bản thân", chuyên gia hướng dẫn nghề nghiệp Becca Carnahan cho biết.
Sau đây là những cụm từ hạ thấp hay mang ý khinh thường người khác mà bạn có thể sử dụng hàng ngày nhưng lại không nhận ra:
1. 'Tôi xin lỗi vì bạn cảm thấy như vậy'
Câu nói sáo rỗng này là "một nỗ lực yếu ớt để thể hiện sự đồng cảm" nhằm chấm dứt các cuộc trò chuyện, Tessa West, Phó Giáo sư Tâm lý học tại Đại học New York và là tác giả của cuốn "Jerks at Work: Toxic Coworkers and What to Do About Them" cho biết.
"Nói cách khác, nó 'đánh dấu ô đồng cảm'. Nhưng đồng thời, cũng tạo cảm giác tiêu cực vì nó không chứa bất kỳ ngôn ngữ nào báo hiệu rằng người nghe sẵn sàng tìm hiểu nguồn gốc của cảm xúc được thể hiện", West giải thích. "Thêm vào đó, câu nói này là điều mà cha mẹ sử dụng với trẻ mới biết đi khi chúng nổi cơn thịnh nộ... và người lớn thì đương nhiên không thích bị đối xử như một đứa trẻ".
2. 'Chúng ta đã thử làm điều đó rồi, và nó không hiệu quả'
Cách bạn nói "không" với ai đó có thể gây tổn hại hoặc giúp ích cho mối quan hệ làm việc của bạn. Bất kỳ phiên bản nào của cụm từ "Chúng ta đã thử làm điều đó rồi, và nó không hiệu quả" đều có thể trở thành "bát nước lạnh" dập tắt mọi nhiệt huyết và sáng tạo của đồng nghiệp, Carnahan cho biết.
"Thay vì ngay lập tức dập tắt một ý tưởng vì đã có người làm điều tương tự trước đó, bạn có thể tiếp cận cuộc trò chuyện bằng sự tò mò trong khi vẫn thể hiện được ý kiến của mình", Carnahan giải thích.
"Một điều gì đó như 'Tôi hiểu ý tưởng của bạn. Chúng ta đã thử một điều tương tự cách đây nhiều năm và gặp khó khăn khi thực hiện, nhưng hãy chia sẻ thêm một chút về cách bạn nghĩ rằng chúng ta có thể thử ngay bây giờ'", cô ấy tiếp tục. "Thời thế thay đổi, và bằng cách thay đổi ngôn ngữ của bạn với các đồng nghiệp, bạn có thể khám phá ra những ý tưởng mới tuyệt vời và trao quyền cho các thành viên trong nhóm tiếp tục đóng góp thay vì dập tắt".
3. 'Bạn sẽ hiểu khi bạn làm việc này lâu hơn'
Thật không may, những giả định về năng lực hoặc thâm niên của người khác dựa trên độ tuổi của họ lại trở thành điều quá phổ biến ở nơi làm việc. Nhưng những tuyên bố như "Bạn sẽ hiểu khi bạn làm việc này lâu hơn" lại bác bỏ hoàn toàn kinh nghiệm hay sự cống hiến của một ai đó chỉ vì tuổi tác hoặc thời gian họ gia nhập, thay vì trả lời những thắc mắc và cung cấp những thông tin thực sự cần thiết, Janine Vanderburg, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận chống phân biệt tuổi tác Changing the Narrative, cho biết.
Hãy cẩn thận với những câu nói phân biệt tuổi tác tương tự như "Bạn cần phải đợi đến lượt mình" và "Thật sao, bạn đang ám chỉ điều đó à? Bạn đã ở đây bao lâu rồi?" Vanderburg nói. Và hãy nhớ rằng những giả định thô lỗ này ảnh hưởng đến cả nhân viên lớn tuổi và trẻ tuổi. Vanderburg cho biết cách diễn đạt này "có tính hạ thấp vì nó mang ý coi thường, đặt ra những khuôn mẫu lỗi thời và thể hiện sự không sẵn sàng học hỏi, thích nghi hoặc trải nghiệm những điều mới".
4. 'Đừng lo lắng về những chi tiết đó - Tôi sẽ xử lý'
Một cụm từ như "Để tôi làm việc đó" có thể là "cách đồng nghiệp thể hiện sự thất vọng khi phải sửa bài của người khác hoặc có thể là nỗ lực giúp đỡ nhưng lại dựa trên sự coi thường, đánh giá thấp năng lực của ai đó", Carnahan cho biết.
Nếu bạn nói câu này khi ở vị trí quản lý, nó có thể thể hiện rằng bạn đang coi thường cấp dưới khi không giải thích hành động của mình hoặc không để cấp dưới tự giải quyết vấn đề. Khi điều này xảy ra, "bạn đang vô tình gây tổn thương và không cho người khác có cơ hội học tập để sửa chữa sai lầm", Carnahan nói. "Hãy tìm hiểu xem nhân viên cần hỗ trợ ở đâu thay vì đưa ra giả định hoặc vội vã bỏ qua các cơ hội học tập".
Có thể tránh được việc tỏ ra hạ thấp người khác ở chốn công sở, bạn có thể ngừng cho rằng quan điểm của mình là tốt nhất và tạo cơ hội để lắng nghe người khác nhiều hơn. Đây là cách thực hiện:
Đặt những câu hỏi khuyến khích sự trao đổi, tìm hiểu: Nếu một đồng nghiệp khiến bạn thất vọng vì không hiểu một quy trình hoặc làm việc không đúng cách, hãy tạo cơ hội để tìm hiểu về khó khăn của họ nhiều hơn, Carnahan gợi ý. "Ví dụ, 'Tôi nhận thấy rằng chúng ta phải làm lại việc thu thập dữ liệu cho dự án này. Có phần nào trong quy trình mà bạn có thể cần trợ giúp không?'", cô ấy lấy ví dụ.
Đưa ra giải pháp tích cực: Thay tỏ ra tiêu cực, hãy trực tiếp nói về lỗi lầm của ai đó trong khi cung cấp các cách thức hay nguồn lực để cải thiện nó. Theo cách này, lời phê bình của bạn thực sự có hiệu quả. Ví dụ, nếu bạn là người quản lý cần phản hồi cho đồng nghiệp, bạn có thể nói, "Tôi muốn bạn thành công trong vai trò này và sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ mà bạn cần. Chúng ta hãy ngồi lại để nói về những thách thức mà bạn đã gặp phải và lập kế hoạch đào tạo bổ sung để giúp bạn đạt được điều đó", Carnahan cho biết.
Hãy ngừng sử dụng những từ ngữ sáo rỗng: Để tránh bị coi là không chân thành, hãy ngừng sử dụng những câu sáo rỗng thông thường như "Xin lỗi vì bạn cảm thấy như vậy" khi bạn giao tiếp. Thay vào đó, hãy dành nhiều thời gian hơn để cố gắng thấu hiểu cảm xúc của người khác, West cho biết. Nói cách khác, hãy gợi mở một cuộc trò chuyện thay vì nhanh chóng đưa nó vào ngõ cụt.
"Chỉ cần nói, 'Chúng ta hãy nói về lý do tại sao bạn cảm thấy như vậy. Chúng ta có thể thảo luận về những gì đã xảy ra trong cuộc họp đó để có thể chia sẻ quan điểm không?'" là một khởi đầu tốt để giao tiếp với đồng nghiệp của bạn", West cho biết.
Trang Đào