Tài sản, tiền bạc không thể có được trong thời gian ngắn, mà xuất phát từ sự tích lũy lâu dài nhờ chăm chỉ và tiết kiệm. Việc tiết kiệm tiền không dễ nhưng việc tiêu tiền lại rất dễ dàng. Nhiều người cố gắng làm việc kiếm tiền, nhưng số tiền tiết kiệm vẫn ít ỏi vì không biết cách kiểm soát trong chi tiêu, tiêu xài mà không có kế hoạch. Cứ như vậy, dù lương cao đến đâu, bạn cũng dễ thất thoát tiền bạc.
Dưới đây là 4 thói quen gây thất thoát tiền bạc:
1. Ngoại giao vô ích
Một nhà văn từng nói: "Không cần thiết phải cho quá nhiều người bước vào cuộc đời mình". Các mối quan hệ xã hội vô nghĩa không chỉ khiến bản thân mệt mỏi, tiêu tốn năng lượng, thời gian mà còn tiêu tốn nhiều khoản chi phí.
Ví dụ, bởi vì sĩ diện, bất kể đi ăn với ai, bạn cũng giành trả tiền. Bạn nghĩ rằng khi làm điều đó sẽ khiến mọi người nể trọng mình, nhưng thực chất bạn lại là người chịu thiệt. Hoặc vì muốn duy trì các mối quan hệ này, bạn chọn cách tặng quà, gửi tiền cho những người không xứng đáng, thậm chí cho vay tiền. Bạn tưởng tượng rằng đó sẽ là những mối quan hệ có qua có lại. Nhưng đến cuối cùng, bạn mới phát hiện ra rằng, tiền một đi không trở lại, khiến bản thân ngày càng nghèo.
Có người lại thích tổ chức tiệc tùng, chiêu đãi ăn uống, sẵn sàng chi tiền để cố gắng làm hài lòng mọi người. Nhưng phần lớn các mối quan hệ xã hội này đều không có ý nghĩa, thậm chí còn khiến bạn ngày càng nghèo đi.
Trong cuộc sống của người trưởng thành, các mối quan hệ xã hội luôn là sự trao đổi và cân bằng về giá trị.
Nếu bạn không đủ năng lực, dù có bỏ ra bao nhiêu tiền bạc thì cũng chỉ là sự tự tiêu hao.
Như câu nói: "Nếu bạn là hoa, gió sẽ tự tìm đến".
Bạn nên cân nhắc giảm bớt chi phí cho các mối quan hệ xã hội, tập trung vào việc nâng cao bản thân, các mối quan hệ tốt tự khắc sẽ đến, cuộc sống sẽ thuận buồm xuôi gió.
2. Đầu tư mù quáng
Một người chỉ dựa vào làm việc chăm chỉ thì khó để đạt được tự do tài chính. Biết cách đầu tư và quản lý tài chính, sắp xếp nguồn vốn hợp lý, mới có thể giúp tiền bạc giữ giá trị và tăng trưởng.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người không có kiến thức cũng như kinh nghiệm về đầu tư. Họ theo những lời quảng bá trên mạng hoặc từ lời giới thiệu của người thân, rồi vội vàng mua cổ phiếu, đầu tư một cách tùy tiện. Kết quả là, họ rơi vào tình trạng thua lỗ nặng.
Số tiền phải đánh đổi mồ hôi công sức mới kiếm được lại biến mất trong một đêm, dù tiếc thì cũng không lấy lại được tiền.
Mặt khác, có nhiều người chọn đầu tư vào bản thân, nghĩ rằng chỉ cần mình đủ mạnh mẽ, tiền bạc sẽ tự động chảy vào túi.
Ai cũng hiểu điều đó, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác xa so với lý tưởng.
Nghĩ đến việc đầu tư cho sức khỏe, đăng ký thẻ tập gym nhưng chỉ đi vài lần rồi bỏ đó không dùng. Nghĩ đến việc đầu tư cho kiến thức, mua các khóa học trực tuyến, nhưng chỉ học vài buổi rồi không học tiếp.
Đầu tư không phải là việc mua sắm, đăng ký các khóa học một cách mù quáng, mà là phải dành thời gian, kiên trì thực hiện để cải thiện và đạt kết quả cao thực sự sau khi chi tiền.
Hãy từ bỏ thói quen đầu tư mù quáng, dù là đầu tư dự án hay đầu tư cho bản thân, đều cần phải lý trí và tự kiểm soát. Trước tiên, cần hiểu rõ tỷ lệ giữa đầu tư và thu nhập, dùng thời gian và tiền bạc đã đầu tư để kiếm nhiều tiền hơn, tạo nên một vòng hoàn hảo, đó mới là đầu tư đúng đắn.
3. Chi tiêu tùy theo ý thích
Dành dụm, tiết kiệm tiền phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt. Giàu có đến từ việc siêng năng và tiết kiệm. Ngược lại, nếu tiêu xài tùy tiện trong cuộc sống hàng ngày, chi tiêu tùy ý mà không tính toán, dù thu nhập có cao đến đâu, bạn cũng rất khó để sở hữu một khoản tiết kiệm đủ để mang lại cảm giác an toàn.
Chẳng hạn, bạn mua sắm những món đồ không cần thiết, có tần suất sử dụng rất thấp, như lò nướng, máy xay sinh tố,... Hoặc bị cuốn vào các buổi phát trực tiếp với những lời quảng cáo, mua những món đồ không cần thiết.
Thường xuyên mua sắm trực tuyến và cố gắng "chốt đơn" để được giảm giá, nhưng kết quả là tiêu tốn nhiều hơn so với dự tính.
Khi bạn không quan tâm đến những khoản tiền nhỏ, dần dần số tiền nhỏ ấy sẽ tích tụ trở thành chi phí lớn, khiến bạn bị tiêu tốn nhiều tiền mà không hay biết.
Hãy chi tiêu tiền một cách lý trí, lập kế hoạch trước, tiết kiệm khi có thể, đừng tiêu xài những khoản không cần thiết, chỉ có như vậy bạn mới có thể gom góp tiền bạc dần dần và tiến tới giàu có.
4. Tâm lý so sánh
Dựa vào mức thu nhập của mình để quyết định chi tiêu bao nhiêu, đó mới là cách tiêu dùng thông minh. Tuy nhiên, nhiều người có tâm lý so sánh, chú trọng thể diện, cho rằng những thứ người khác có thì mình cũng phải có.
Dù thu nhập chỉ vài triệu đồng, họ vẫn muốn theo đuổi cuộc sống hào hoáng, sang trọng. Họ chạy theo trong những nhu cầu vật chất hời hợt, sa vào vòng xoáy so sánh và khoe khoang. Ví dụ như việc mua mỹ phẩm của các thương hiệu xa xỉ, mặc quần áo hàng hiệu, sử dụng điện thoại iPhone mới nhất, ăn uống tại các nhà hàng cao cấp...
Kết quả là họ phải chi tiêu bằng thẻ tín dụng, vay tiêu dùng để xoay sở, còn trẻ mà đã ngập trong nợ nần, sống trong cảnh chật vật khó khăn.
Trong cuộc sống, luôn có nhiều người giàu hơn bạn và cũng luôn có người khó khăn hơn bạn. Nhiều khi, bạn chỉ thấy được sự hào nhoáng bên ngoài của họ mà không biết được những khó khăn đằng sau mà họ phải trải qua.
Vì vậy, thay vì so sánh, cắn răng tiêu xài ngoài khả năng, phải rơi vào trạng thái nợ nần, khó khăn, bạn hãy chi tiêu hợp lý để đạt được mục đích về cả về vật chất lẫn tinh thần.
Theo: Aboluowang
Minh Nguyệt