Bác bỏ thuyết "rò rỉ virus corona từ phòng thí nghiệm", Covid-19 không bắt nguồn từ Vũ Hán?

Thứ hai, 26/05/2025 - 20:03

Mới đây, một nghiên cứu quốc tế mang tính bước ngoặt đã đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng, loại virus corona gây ra đại dịch Covid-19 không bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc, thách thức tuyên bố "rò rỉ từ phòng thí nghiệm" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo đó, nghiên cứu được công bố ngày 7/5 trên tạp chí khoa học uy tín Cell, do Đại học Edinburgh (Vương quốc Anh) dẫn đầu, với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ 20 tổ chức nghiên cứu trên khắp Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á – trong đó có Trung Quốc.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích 167 bộ gen virus corona từ dơi và lần theo dấu vết của virus gây Covid-19 về các quần thể dơi ở miền bắc Lào và tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc. Họ phát hiện tổ tiên gần nhất của virus này đã lưu hành trong các quần thể dơi từ 5 đến 7 năm trước khi đại dịch xuất hiện.

Bác bỏ thuyết "rò rỉ virus corona từ phòng thí nghiệm", Covid-19 không bắt nguồn từ Vũ Hán?- Ảnh 1.

Giao diện trang web mới về COVID-19 của Nhà Trắng - Ảnh chụp màn hình

Các nhà khoa học đã xem xét bộ gen của sarbecovirus - loại coronavirus có thể gây ra bệnh đường hô hấp nghiêm trọng. Chúng bao gồm Sars-CoV-1, tác nhân gây ra dịch SARS từ năm 2002–2004, và Sars-CoV-2, virus gây ra đại dịch Covid-19.

Tác giả chính của nghiên cứu, ông Jonathan Pekar, cho biết virus Sars-CoV-1 từng lưu hành ở miền tây Trung Quốc chỉ 1-2 năm trước khi gây bùng phát dịch SARS tại tỉnh Quảng Đông vào cuối năm 2002.

Trong khi đó, Sars-CoV-2 – theo Pekar – đã xuất hiện ở miền tây Trung Quốc hoặc miền bắc Lào từ 5 đến 7 năm trước khi Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán vào cuối năm 2019. Pekar đưa ra nhận định này trong một cuộc phỏng vấn với cổng tin khoa học EurekAlert hôm 7/5.

Phân tích lịch sử di truyền của virus Covid-19 cho thấy tổ tiên của nó đã tiến hóa cách Vũ Hán gần 3.000 km – vượt xa phạm vi bay tự nhiên của loài dơi.

Dơi được xem là vật chủ chính của Sars-CoV-2. Dù virus này không gây hại cho dơi, nhưng người ta tin rằng nó đã truyền sang người thông qua hiện tượng lây nhiễm từ động vật sang người (zoonotic spillover).

Dựa trên dữ liệu chuỗi gen, nhóm nghiên cứu đã lập bản đồ cây phả hệ của Sars-CoV-1 và Sars-CoV-2, tái dựng lộ trình tiến hóa của chúng khắp châu Á trước khi lây sang con người.

Bác bỏ thuyết "rò rỉ virus corona từ phòng thí nghiệm", Covid-19 không bắt nguồn từ Vũ Hán?- Ảnh 2.

Nghiên cứu mới chứng minh virus corona gây ra đại dịch Covid-19 không bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc

Kết quả cho thấy các loại virus corona liên quan đến Sars đã lưu hành trong các quần thể dơi tại tây Trung Quốc và Đông Nam Á suốt hàng nghìn năm.

Tuy nhiên, do hiện tượng tái tổ hợp RNA – một quá trình dơi thường xuyên hoán đổi vật liệu di truyền – nên rất khó lần ra dòng dõi chính xác của virus.

Để khắc phục điều này, các nhà khoa học đã chia nhỏ bộ gen của virus thành từng phần, sau đó nghiên cứu mối liên hệ giữa các phần này và xác định tổ tiên chung gần nhất (MRCA) – một dạng virus nguyên thủy mà từ đó các phiên bản sau này tiến hóa.

Theo nghiên cứu, tổ tiên gần nhất của virus gây SARS xuất hiện vào khoảng năm 2001, trong khi MRCA của virus gây Covid-19 xuất hiện khoảng năm 2017.

Phân tích phả hệ chỉ ra rằng Sars-CoV-1 có khả năng xuất phát từ các tỉnh Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam (Trung Quốc), trong khi tổ tiên của Sars-CoV-2 có thể đã tiến hóa ở miền bắc Lào.

Miền tây Trung Quốc và miền bắc Lào cách Vũ Hán – tâm chấn ban đầu của đại dịch Covid-19 – khoảng 2.700 km. Trong khi đó, tầm bay tự nhiên của dơi chỉ vài km, điều này cho thấy khả năng virus lan truyền thông qua các hoạt động của con người.

"Những virus gần giống nhất với Sars nguyên bản từng được phát hiện ở cầy hương và chó gấu mèo tại miền nam Trung Quốc – hàng trăm km cách xa quần thể dơi là nguồn gốc của chúng," giáo sư Michael Worobey, tác giả cao cấp của nghiên cứu và là trưởng khoa sinh thái và tiến hóa học tại Đại học Arizona, cho biết.

Điều này củng cố giả thuyết rằng mạng lưới buôn bán động vật hoang dã – chứ không phải sự di cư tự nhiên – đã tạo điều kiện cho virus lây lan tới các trung tâm đô thị.

Sự lan truyền của virus gây Covid-19 phản ánh những đợt bùng phát dịch bệnh có nguồn gốc động vật trong lịch sử, chẳng hạn như đại dịch hạch Mãn Châu năm 1910, khi hệ thống đường sắt đã vận chuyển các loài động vật nhiễm bệnh từ Nga tới các thành phố lớn của Trung Quốc. Khi ấy, loài chó hoang (marmot) mang vi khuẩn Yersinia pestis được vận chuyển qua tuyến đường sắt xuyên Siberia đến thành phố Cáp Nhĩ Tân ở đông bắc Trung Quốc, gây ra một trận dịch khiến hơn 60.000 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, khác với nguồn gốc được ghi chép rõ ràng của dịch hạch Mãn Châu hay SARS, con đường lây truyền chính xác của virus Covid-19 từ dơi sang người cho đến nay vẫn chưa được xác định.

Bác bỏ thuyết "rò rỉ virus corona từ phòng thí nghiệm", Covid-19 không bắt nguồn từ Vũ Hán?- Ảnh 3.

Các nhân viên y tế đưa các bệnh nhân nhiễm Covid-19 vào khu vực cách ly tại Bệnh viện Hỏa Thần Sơn ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 4/2/2020

Đáp lại các tuyên bố trên website của Nhà Trắng, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 23/4 tuyên bố trên trang chính thức rằng "ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy virus Covid-19 có thể đã xuất hiện sớm hơn tại Hoa Kỳ" so với Trung Quốc. Cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng giai đoạn tiếp theo của công tác truy tìm nguồn gốc nên tập trung điều tra tại Mỹ.

Chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán – từng được coi là nơi khởi phát dịch bệnh – hiện đã bị đóng cửa và được thay thế bằng một khu chợ kính mắt.

Ngày 18/4/2025, Nhà Trắng ra mắt một trang web về COVID-19, với nội dung cho rằng rò rỉ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, Trung Quốc là nguồn gốc "thực sự" của loại vi rút này.

Theo Washington Post, đây là động thái của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ lý thuyết giải thích về nguyên nhân gây đại dịch phổ biến, nhưng vẫn còn gây tranh cãi trong cộng đồng tình báo và bị nhiều nhà vi rút học phản đối.

Trang web mới có hình ảnh Tổng thống Trump sải bước giữa dòng chữ "Rò rỉ phòng thí nghiệm". Ngoài ra, website này còn có những dòng khẳng định như vi rút "sở hữu đặc điểm sinh học không có trong tự nhiên" và "nếu có bằng chứng rằng (vi rút) có nguồn gốc tự nhiên thì đã phải được đưa ra rồi. Nhưng thực tế chưa có".

Trong khi đó vào tháng 1/2025, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ban hành một báo cáo kết luận rằng có khả năng COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm, nhưng đánh giá phán đoán này có "mức độ tin cậy thấp", song song với một số kết luận tương tự từ Bộ Năng lượng và Bộ Ngoại giao.

Theo SCMP

Nguyễn Phượng