Một khảo sát mới đây đã cho thấy, tỉ lệ người trẻ thức khuya ngày càng tăng cao, đi cùng với đó là thời gian thức khuya ngày càng có xu hướng tăng lên. Đa số mọi người đều biết rằng việc thức khuya có ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ, nhưng không phải ai cũng ý thức được điều này một cách sâu sắc. Theo các bác sĩ chuyên khoa nội và thần kinh, việc thức khuya sẽ gây ra những hệ lụy rất nguy hiểm cho sức khỏe và tương lai của người trẻ tuổi.
Làm tăng 800% nguy cơ đột quỵ
Mỗi người đều có một chiếc đồng hồ sinh học, biểu thị thời gian chính xác để cơ thể khoẻ mạnh và sinh hoạt bình thường. Theo đó, mỗi khoảng thời gian khác nhau, cơ thể sẽ đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau. Khung giờ buổi tối, tính từ 21h tới 9h sáng là khoảng thời gian cơ thể cần được thư giãn để vận hành hệ miễn dịch và thải độc.
Bởi vậy, bạn cần có một giấc ngủ đủ và đúng giờ để đảm bảo các hoạt động này được diễn ra một cách thuận lợi nhất. Thời gian ngủ khoa học nhất theo từng độ tuổi lần lượt là: Trẻ em cần ngủ 10 - 12 giờ/ngày, thanh thiếu niên cần ngủ 7 - 9 giờ/ ngày và người trưởng thành cần ngủ 7 - 8 giờ/ngày để đạt được các lợi ích cho sức khỏe.
Tuy nhiên, tình trạng học sinh, sinh viên thức khuya ngày càng trở nên đáng báo động. Trao đổi với báo giới, ThS. BS Bùi Ngọc Phương Hoà - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, cho biết đó là thực trạng rất nguy hiểm, sẽ để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe của người trẻ.
Đầu tiên, thói quen có hại này sẽ khiến nguy cơ suy giảm trí nhớ cao gấp 5 lần bình thường; cùng với đó là hàng loạt các dấu hiệu về rối loạn tâm thần khác như mất ngủ, hay quên, lo âu, đau đầu, dễ cáu gắt… Sau đó, thức khuya còn khiến cho sức đề kháng giảm sút và khiến con người dễ mắc các bệnh do vi sinh vật gây nên như cúm, viêm nhiễm đường hô hấp…
"Bên cạnh đó, các tế bào niêm mạc dạ dày có thể tự tái tạo và hồi phục vào ban đêm trong khi ngủ. Việc thức khuya khiến cho các tế bào này không được nghỉ ngơi dẫn đến suy yếu.
Hơn thế nữa, thức khuya khiến cho dịch dạ dày tiết ra nhiều, dẫn đến viêm loét dạ dày, hoặc làm nặng hơn tình trạng bệnh nếu đã mắc bệnh trước đó", bác sĩ Hòa cho biết thêm.
Đặc biệt, theo bác sĩ Hoà, người trẻ ngủ dưới 5 giờ/ngày có nguy cơ teo não lên tới 25%; nguy cơ đột quỵ tăng lên 800%; nguy cơ tử vong do bệnh tim và các bệnh mạch vành tăng 48 lần so với người ngủ đủ giấc; đó là chưa kể tới nguy cơ các bệnh ung thư như: ung thư đại tràng, ung thư vú cũng có tỉ lệ tăng lên…
9 cách để ngủ sớm siêu dễ thực hiện – áp dụng ngay trước khi quá muộn
Theo các chuyên gia, người trẻ từ 11 – 17 tuổi cần ngủ đủ từ 9 - 11 giờ mỗi ngày để tránh những hậu quả nghiêm trọng xảy ra cho sức khoẻ. Bác sĩ Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho biết: "Người trẻ có thói quen sử dụng thường xuyên các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính để giải trí vào ban đêm. Tuy nhiên, sóng điện từ, ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử là nguyên nhân gây hại cho hệ thần kinh, mắt và gây mất ngủ ở người trẻ". Thêm vào đó, lối sống thiếu khoa học cũng làm cho hormone melatonin (hormone quyết định giấc ngủ) bị rối loạn, từ đó gây ra bệnh mất ngủ ở người trẻ.
Tuy nhiên, để có một giấc ngủ ngon, ngủ sâu và đúng giờ thật sự không khó như bạn tưởng. Sau đây là những cách đơn giản để bạn có thể áp dụng ngay và cải thiện sức khoẻ hiệu quả:
1. Hạ nhiệt độ phòng: Điều chỉnh nhiệt độ phòng ở mức mát mẻ trong khoảng 15,6 – 19,4 ° C hoặc tắm nước nóng trước khi đi ngủ để giúp đẩy nhanh sự thay đổi nhiệt của cơ thể, điều này có thể gửi tín hiệu đến não rằng bạn đang muốn đi ngủ.
2. Tập yoga, thiền: Việc ngồi thiền, tập yoga là những công cụ giúp xoa dịu tâm trí, thư giãn cơ thể và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Các động tác yoga nhẹ nhàng sẽ giúp bạn điều chỉnh, kiểm soát hơi thở, đem lại sự yên tĩnh, giải toả căng thẳng và giúp bạn ngủ ngon hơn.
3. Tránh ngủ vặt trong ngày: Do thiếu ngủ vào ban đêm, nhiều người có thói quen ngủ giấc ngắn vào ban ngày. Nhưng chính những giấc ngủ này lại ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng giấc ngủ vào ban đêm, nó thường khiến bạn tỉnh táo hơn và thức khuya hơn.
4. Nghe nhạc thư giãn: Âm nhạc có thể khiến tâm trí được thư giãn, do vậy, nó cũng cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ và được sử dụng để làm giảm chứng rối loạn giấc ngủ mãn tính. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, âm nhạc giúp thúc đẩy giấc ngủ sâu hơn.
5. Tập thể dục trong ngày: Tập thể dục thường xuyên không chỉ có lợi cho sức khoẻ mà còn giúp tăng thời lượng và chất lượng của giấc ngủ. Bạn nên duy trì thói quen tập thể dục với cường độ vừa phải và có thể bắt đầu với những hoạt động nhẹ nhàng như: đi bộ, đạp xe, bơi lội…
6. Tránh xa các máy móc điện tử trước khi đi ngủ: Một trong những nguyên nhân dẫn đến mất ngủ nhiều nhất hiện nay là do sự tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Xem TV, chơi trò chơi điện tử, sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ. Nguyên nhân là do ánh sáng xanh từ các thiết bị này phát ra sẽ ngăn chặn sự sản sinh melatonin. Do đó, bạn nên ngắt kết nối tất cả các thiết bị điện tử như: Máy tính, điện thoại di động,... trước khi đi ngủ.
7. Sử dụng tinh dầu: Tinh dầu có tác dụng thư giãn, giải toả căng thẳng. Những mùi hương phổ biến giúp ngủ ngon bao gồm: oải hương, hoa hồng gấm, bạc hà, hương cam chanh…
8. Viết nhật kí trước khi ngủ: Không ít người mất ngủ là do suy nghĩ, lo âu, căng thẳng. Do đó, các chuyên gia tâm lý khuyên bạn nên viết nhật ký và tập trung vào những suy nghĩ tích cực để xoa dịu tâm trí. Nhờ vậy, bạn có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
9. Hạn chế uống caffeine: Caffeine có tác dụng chống lại sự mệt mỏi và kích thích sự tỉnh táo. Do vậy, nếu có tiền sử mất ngủ, bạn nên tránh xa các loại đồ uống như: Sô cô la, cà phê, nước ngọt, nước tăng lực,... Chất kích thích này có thể có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và thời lượng ngủ. Thay vào đó, các loại trà thảo dược như trà hoa cúc, trà táo đỏ, trà tâm sen… lại rất tốt cho giấc ngủ của bạn.
Trang Đào