Bác sĩ Việt Nam cứu bệnh nhân Anh có khối u hiếm ‘tấn công’ não

Thứ tư, 25/09/2024 - 16:26

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng co giật và đau đầu dữ dội. Bác sĩ khám và phát hiện bệnh nhân mắc chứng động kinh do u máu thể hang ở vùng trán phải.

Ca bệnh hiếm ghi nhận theo y văn thế giới

Anh G.E (55 tuổi, quốc tịch Anh) bị chứng động kinh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống. Để đảm bảo an toàn cho mình và những người xung quanh, anh đã không lái xe trong vòng 6 tháng kể từ cơn động kinh gần nhất.

Tháng 4/2024, anh G.E nhập viện trong trạng thái co giật và đau đầu dữ dội. Anh G.E đã được các bác sĩ theo dõi và điều trị nội khoa trong 3 tháng. Tuy nhiên, trong thời gian đầu dùng thuốc, bệnh nhân vẫn lên cơn kèm theo không kiểm soát được hành vi khi lên cơn, có lúc muốn nhảy lầu.

Qua thăm khám chuyên sâu và dựa trên kết quả chẩn đoán hình ảnh, điện não đồ, các bác sĩ xác định bệnh nhân mắc chứng động kinh do u máu thể hang (cavernoma) ở vùng trán phải. Khối u đã bị vỡ, gây xuất huyết. Đặc biệt, ca bệnh được đánh giá là trường hợp hiếm gặp do có dị dạng tĩnh mạch não kèm theo, y văn mới chỉ có báo cáo một số ca lâm sàng. Trên thế giới, tỷ lệ u máu thể hang kèm với dị dạng tĩnh mạch não chiếm khoảng 0,05% dân số.

Bác sĩ Việt Nam cứu bệnh nhân Anh có khối u hiếm ‘tấn công’ não- Ảnh 1.

Bệnh nhân chụp ảnh cùng bác sĩ điều trị (ảnh BSCC).

Ca phẫu thuật cân não

Lo ngại không kiểm soát được hành vi khi lên cơn và không muốn dùng thuốc suốt đời, anh G.E đã cân nhắc phẫu thuật.

Để giúp bệnh nhân giải quyết triệt để tình trạng bệnh, ekip bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park đã hội chẩn, chỉ định kỹ thuật phẫu thuật mở nắp sọ, lấy bỏ khối u dưới kính vi phẫu, giúp loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân gây xuất huyết não và động kinh. Quy trình này không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao mà còn yêu cầu sự tỉ mỉ đến từng chi tiết, vì bất kỳ sai sót nào cũng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng.

ThS.BS Trương Văn Trí, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, cho biết:“U máu thể hang là một loại dị dạng mạch máu não, nơi có những khoang nhỏ chứa đầy máu. Đối với bệnh nhân này, u máu thể hang nằm cạnh bất thường tĩnh mạch, phẫu thuật lấy bỏ u máu thể hang cần phải khéo léo để tránh gây tổn thương tĩnh mạch này. Nếu tĩnh mạch bị tổn thương thì bệnh nhân có thể sẽ bị phù não và rơi vào hôn mê”,

Sau phẫu thuật và điều trị nội trú, kể từ thời điểm ra viện vào tháng 7 đến nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hoàn toàn ổn định, hồi phục tốt và không còn xảy ra các cơn co giật. Hiện tại, bệnh nhân vẫn tiếp tục điều trị bằng thuốc chống động kinh và sẽ được tái khám, đo điện não đồ vào thời điểm 6 tháng sau mổ để quyết định việc giảm liều thuốc. Nếu sau 1 năm không có cơn động kinh, bệnh nhân có thể ngưng sử dụng thuốc chống động kinh.

Theo TS.BS Trần Hoàng Ngọc Anh - Giám đốc Chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, động kinh thùy trán có thể xảy ra khi cả khi ngủ hoặc thức. Nhưng xét về những trường hợp mà bệnh viện đã tiếp nhận, các cơn động kinh thường xảy ra nhiều hơn vào ban đêm, kéo dài khoảng từ 30 đến 40 giây.

Cũng theo chuyên gia y tế, các triệu chứng của cơn động kinh thùy trán rất đa dạng, phổ biến nhất là co giật với biểu hiện duỗi một cánh tay trong khi tay kia uốn cong, có thể có chuyển động lặp đi lặp lại như lắc lư, đạp xe đạp… Một số trường hợp sẽ la hét hoặc cười, gây nhầm lẫn với triệu chứng của người mắc các rối loạn tâm lý. Cơn động kinh thùy trán đặc biệt nguy hiểm khi bệnh nhân có biểu hiện không kiểm soát được hành vi.

Bởi vậy, theo các chuyên gia, khi nghi ngờ người bệnh có thể bị động kinh thùy trán, người thân nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế. Tại đây, các bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng, tiền sử bệnh và chỉ định thực hiện điện não đồ, chụp MRI sọ não để xác định, chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

 

Ngọc Minh