Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn

Thứ bảy, 23/11/2024 - 22:29

Trong bối cảnh toàn cầu hóa nhanh chóng, việc bảo tồn những ngôn ngữ và tri thức bản địa như của người Bahnar không chỉ có ý nghĩa đối với cộng đồng của họ mà còn là bài học quan trọng cho toàn cầu về bảo vệ môi trường và sự bền vững.

Theo cảnh báo của UNESCO, một nửa số ngôn ngữ trên thế giới có nguy cơ biến mất vào cuối thế kỷ này, đe dọa sự mất mát to lớn về tri thức văn hóa và các hệ thống tri thức độc đáo đã được phát triển qua nhiều thế kỷ. Việc bảo tồn các ngôn ngữ đang bị đe dọa không chỉ quan trọng đối với bản sắc văn hóa, mà còn giúp giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.

Trên toàn cầu, các cộng đồng bản địa chỉ chiếm khoảng 5% dân số thế giới, nhưng họ lại đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ 80% sự đa dạng sinh học của hành tinh (theo Liên hợp quốc). Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn không chỉ ngôn ngữ và văn hóa mà còn cả tri thức bản địa của các dân tộc này. Tri thức đó không chỉ là những kinh nghiệm sống truyền từ đời này sang đời khác, mà còn là nền tảng của lối sống bền vững, giúp họ bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học mà nhân loại đang phụ thuộc.

Khi một ngôn ngữ biến mất, chúng ta không chỉ mất đi những từ ngữ, mà còn mất đi một cách nhìn, một cách hiểu về thế giới và thiên nhiên. Việt Nam, một quốc gia có 54 dân tộc được công nhận, cũng không nằm ngoài sự đe dọa này. Quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa đang đẩy lùi những ngôn ngữ, tập quán và giá trị văn hóa của các cộng đồng thiểu số, trong khi chúng ta chưa kịp ghi chép và bảo tồn những di sản quý giá ấy.

Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 1.
Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 2.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, Chính phủ đã phát động chủ trương bảo tồn và đẩy mạnh quảng bá truyền thông các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Việt Nam ra thế giới.

Hiểu được tầm quan trọng của chủ trương này, Giáo sư K. David Harrison - một giảng viên nhiệt huyết của trường ĐH VinUni đã thực hiện các bài giảng đại chúng về chủ đề Dân tộc thiểu số Việt Nam và Trí tuệ Môi trường để truyền cảm hứng cho cộng đồng quốc tế về việc bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc thiểu số. Vị giáo sư người Mỹ đã được truyền cảm hứng để sáng lập nên dự án Bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Bahnar, khởi xướng từ năm 2022 đến nay và có nhiều đóng góp đáng nói cho xã hội nói chung và người Bahnar nói riêng.

Vì sao lại chọn ngôn ngữ dân tộc Bahnar?

Trong số 54 dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc đều sở hữu những giá trị văn hóa và tri thức độc đáo. Tuy nhiên, người Bahnar - sống chủ yếu ở vùng rừng núi Kon Tum, đã gợi mở cho GS David Harrison về mối liên hệ sâu sắc giữa con người và thiên nhiên. Mối quan hệ mật thiết này không chỉ là một phần của văn hóa Bahnar mà còn là nguồn cảm hứng lớn lao cho ông trong việc nghiên cứu và bảo tồn ngôn ngữ và tri thức của họ.

Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 3.
Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 4.
Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 5.
Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 6.
Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 7.
Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 8.
Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 9.

Người Bahnar có một lịch sử dài trong việc bảo vệ rừng và môi trường tự nhiên xung quanh họ. Họ sống hòa hợp với thiên nhiên, sử dụng các nguồn tài nguyên một cách bền vững và tôn trọng sự đa dạng sinh học. Tuy nhiên, những tri thức quý báu này đang bị đe dọa bởi sự phát triển kinh tế, nạn phá rừng và biến đổi khí hậu. Với tốc độ đô thị hóa và phát triển nông nghiệp công nghiệp hiện nay, nhiều khu rừng nơi người Bahnar sinh sống đang bị phá hủy, làm mất đi không chỉ sinh kế mà còn cả các giá trị văn hóa và tri thức truyền thống của họ.

Mặc dù đối diện với nhiều thách thức như vậy, người Bahnar vẫn thể hiện một khả năng thích ứng đáng kinh ngạc. Họ không chỉ tiếp tục bảo vệ môi trường sống mà còn sẵn lòng chia sẻ tri thức của mình với những thế hệ tiếp theo và với cộng đồng quốc tế. Đây là một minh chứng rõ ràng rằng, trong những lúc khó khăn nhất, những cộng đồng bản địa như người Bahnar có thể là nguồn cảm hứng về lối sống bền vững và cách chúng ta nên đối xử với môi trường.

Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 10.
Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 11.
Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 12.

Ngôn ngữ Bahnar đang đứng trước nguy cơ biến mất khi số lượng người nói ngôn ngữ này ngày càng giảm. Các thế hệ trẻ, đặc biệt là trong bối cảnh đô thị hóa và toàn cầu hóa, đang dần mất đi khả năng sử dụng tiếng Bahnar do áp lực từ các ngôn ngữ phổ biến và sự thay đổi trong hệ thống giáo dục. Ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là chìa khóa để hiểu về lịch sử, văn hóa và tri thức của một dân tộc. Khi tiếng Bahnar biến mất, không chỉ có những từ ngữ, câu chuyện mà cả cách hiểu về môi trường và tri thức sống của người Bahnar cũng sẽ bị mất theo.

Mặc dù người Bahnar có kiến thức sâu sắc về môi trường, nhưng tri thức của họ thường bị coi nhẹ hoặc thậm chí bị lãng quên trong quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa. Phần lớn người Việt Nam khi nhắc đến dân tộc thiểu số, người ta thường nghĩ đến một nhóm người yếu thế trong xã hội và cần nhận được viện trợ, từ thiện. Điều này không chỉ làm giảm giá trị của văn hóa bản địa mà còn là một sự lãng phí nguồn tài nguyên tri thức quan trọng cho cả nhân loại.

Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 13.
Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 14.
Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 15.

Dự án bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Bahnar, do trường Đại học VinUni dẫn dắt với sự hợp tác của cộng đồng người Bahnar đã giải quyết vấn đề cấp bách này bằng cách ghi chép và phục hồi di sản văn hóa của người Bahnar. Sáng kiến này không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn một cộng đồng mà còn định vị Việt Nam như một quốc gia dẫn đầu trong việc bảo tồn văn hóa toàn cầu.

Di sản vượt thời gian

Chiều ngày 22/11 vừa qua, có mặt tại Nhà Thái Học thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Giáo sư K. David Harrison (ĐH VinUni) đại diện cho dự án Bảo tồn ngôn ngữ Bahnar - 1 trong 32 dự án lọt vào Vòng Chung kết Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng (Human Act Prize 2024) với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo” đã bày tỏ sự xúc động khi biết những đóng góp của mình được ghi nhận một cách tích cực.

"Thành công lớn nhất đối với dự án của chúng tôi là đã thu thập được rất nhiều tri thức quý giá và văn hóa của người bản địa cho dự án Bảo tồn ngôn ngữ Bahnar, tạo nên mối liên kết mạnh mẽ giữa cộng đồng dân tộc thiểu số với nhóm nghiên cứu. Trong vòng 2 năm, các thầy cô giáo và cộng sự của tôi đã thành công trong hành trình khám phá rất nhiều kiến thức về môi trường sống, văn hóa và ngôn ngữ của người Bahnar".

Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 16.

GS David Harrison đã mang tâm huyết với ngôn ngữ Bahnar đi khắp nơi trên thế giới. Ông đã thuyết trình về dự án tại Đại học Bahrain (2022), Hội nghị Giáo dục National Geographic ở Abu Dhabi (2022), Hội nghị Giáo dục National Geographic tại Phú Quốc (2022), Cuộc họp thường niên của Daylight Academy ở Lausanne, Thụy Sĩ...

Nhóm của GS David Harrison đã tiến hành nghiên cứu thực địa để ghi chép ngôn ngữ dưới cả hai hình thức viết và nói, ghi âm các câu chuyện truyền thống, bài hát, nghi lễ và cách sử dụng ngôn ngữ hàng ngày của người Bahnar để thu thập tư liệu xây dựng từ điển tiếng Bahnar.

Dự án đã nhận được sự ủng hộ và chung tay từ đông đảo cộng đồng người Việt lẫn quốc tế. Hơn 200 cá nhân (sinh viên, giảng viên, thành viên cộng đồng) đã tham gia trực tiếp vào công tác nghiên cứu bảo tồn, bao gồm cả các chuyên gia dân tộc học và khán giả quốc tế.

Các nghiên cứu hợp tác đã mang đến cho đồng tác giả trên các bài báo (là người Bahnar) sự ghi nhận và đánh giá cao, nâng cao tiếng nói của các chuyên gia bản địa trong các tài liệu khoa học.

Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Bahnar: Khởi nguồn sức mạnh văn hóa tiềm ẩn- Ảnh 17.

Đặc biệt từ điển nói tiếng Bahnar đã được phát triển và hoàn thiện, mang đến sự hiện diện trực tuyến đầu tiên của ngôn ngữ Bahnar trên không gian mạng, đóng vai trò như một tài nguyên khoa học vô cùng quan trọng giúp thế giới tiếp cận dễ dàng với ngôn ngữ của dân tộc thiểu số Việt Nam. Thành công của dự án đã tạo tiền đề mẫu để tiến hành bảo tồn các ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất khác trên thế giới. Đó là một thành tựu vô giá, là di sản văn hóa đáng tự hào mà nhóm của GS David Harrison đã nỗ lực bảo tồn và duy trì vì tương lai cộng đồng.

Tiểu Ngạn