Theo đó, Zannier Bãi San Hô tại Phú Yên vừa quyết định hợp tác với Trung tâm Cứu hộ Động vật Biển SASA, nhằm đảm bảo phục hồi và bảo vệ lâu dài các rạn san hô dọc theo bờ biển miền Trung Việt Nam. Bước đầu tiên trong sự hợp tác này là tiến hành phân tích toàn diện môi trường dưới nước tại ba khu vực rạn san hô nằm trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng, với diện tích khoảng 63.000 m2. Cuộc khảo sát cho thấy hiện nay, san hô bao phủ 60% diện tích rạn, trong đó 99% là san hô mềm và chỉ 1% là san hô xây dựng rạn. Sự khan hiếm của san hô xây dựng rạn là một thách thức vì các quần thể san hô này còn non, nhỏ và phân bố thưa thớt. Sự mất cân bằng này hạn chế khả năng tái sinh và duy trì đa dạng sinh học của rạn san hô. Tuy nhiên, vẫn có hy vọng khi hơn 40 loài san hô tạo rạn đã được xác định (trong đó có 20 loài san hô mềm). Những loài san hô này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cấu trúc của rạn, là yếu tố thiết yếu để đảm bảo khả năng phục hồi lâu dài và duy trì sự đa dạng sinh học.
Một trong những mối đe dọa cấp bách đối với rạn san hô là sự xuất hiện của sao biển gai (Crown Of Thorns Starfish - COTS), một loài xâm lấn mà nếu không được kiểm soát, có thể phá hủy quần thể san hô trong vòng hai năm.
Sự hợp tác này nhằm giải quyết những thách thức trên thông qua một kế hoạch toàn diện, được thiết kế để phục hồi vịnh san hô, cho phép du khách tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp nguyên sơ của rạn san hô, bao gồm các vách đá, sườn dốc, vườn hải quỳ và hang động trải rộng trên ba khu vực rạn đã được xác định.
Để thực hiện điều này, sự hợp tác nhiều năm với SASA nhằm thu thập dữ liệu quan trọng về các loài san hô, cấu trúc rạn và đời sống biển, giúp theo dõi sức khỏe của hệ sinh thái và triển khai kế hoạch phục hồi khả thi. Điều này sẽ bao gồm việc làm sạch rạn, loại bỏ các loài xâm lấn, và tái trồng các mảnh san hô xây dựng rạn khỏe mạnh để đảm bảo một hệ sinh thái cân bằng và phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, một video quảng bá cũng đang được cân nhắc để nâng cao nhận thức về bảo tồn san hô và tầm quan trọng của sức khỏe rạn san hô.
Từ mùa thu năm 2024, Zannier Hotels và SASA sẽ triển khai các phương pháp quản lý quần thể sao biển gai (COTS) cả về mặt vật lý và sinh học, bao gồm việc loại bỏ thủ công bởi những thợ lặn giàu kinh nghiệm và giới thiệu các loài săn mồi tự nhiên như ốc tù và khổng lồ và cá bò khổng lồ. Cách tiếp cận đa hướng này nhằm mục tiêu ổn định hệ sinh thái san hô và bảo vệ rạn san hô lâu dài. Những nỗ lực chung này không chỉ nhằm bảo vệ rạn san hô mà còn cải thiện các hoạt động lặn ngắm san hô, chụp ảnh dưới nước và lặn tự do mà khu nghỉ dưỡng cung cấp, thúc đẩy du lịch bền vững.
Nếu tổng quan nhìn lại, có thể thấy, Zannier Bãi San Hô đạt được không ít dấu ấn trong việc phát triển bền vững, thực hiện thành công các sáng kiến như lắp đặt 655 tấm pin năng lượng mặt trời để nâng cao hiệu quả năng lượng, giảm 30% mức tiêu thụ điện năng từ năm 2022 nhờ vào việc cải thiện kế hoạch hoạt động, sử dụng máy lạnh dạng treo và đèn LED. Thêm vào đó, khu nghỉ dưỡng đã hoàn toàn loại bỏ nhựa dùng một lần khỏi phòng khách và giới thiệu hệ thống lọc nước. Nơi này cũng dẫn đầu trong nỗ lực giảm thiểu rác thải, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và tái chế 100% lượng rác thải thực phẩm. Những hành động đang diễn ra này bổ trợ cho dự án bảo tồn rạn san hô mới, củng cố vai trò của khu nghỉ dưỡng như một người bảo vệ môi trường.
Zannier Bãi San Hô trải dài trên diện tích 98 hecta đất ven biển nguyên sơ, được chứng nhận Green Globe về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Những cam kết này được khởi nguồn ngay khi xây dựng 73 biệt thự được làm từ từ gỗ tái chế, các vật liệu địa phương, sử dụng năng lượng mặt trời, cùng với cam kết bảo tồn các hệ sinh thái trong khu vực. Nơi đây có một vịnh đẹp với ba rạn san hô. Rạn chính, nằm ở phía bắc của vịnh, có diện tích khoảng 24.000 mét vuông, bao gồm khoảng 2.000 mét vuông rạn nông (sâu từ 1-2 mét), 2.000 mét vuông sườn rạn (sâu từ 2-4 mét) và ba điểm vách đá rạn nổi bật. Hai khu vực rạn đá bổ sung trải dài lần lượt hơn 14.000 và 25.000 mét vuông, làm phong phú thêm cảnh quan dưới nước.
Ngọc Tú