Bất kỳ ai từng nhận hoặc có người nhà được nhận nội tạng hiến tặng đều biết: Thông tin về nguồn gốc những nội tạng đó là một bí mật được pháp luật bảo vệ.
Những người được ghép tạng sẽ không bao giờ biết trái tim, quả thận hoặc một phần gan mà mình vừa nhận được là của ai – trừ trường hợp họ nhận nội tạng từ người thân hiến tặng, hoặc đã có thỏa thuận từ trước.
Điều 4 và Điều 11 của "Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ hể người và hiến, lấy xác" quy định: Thông tin của người hiến tạng là bí mật. Tiết lộ thông tin của người hiến tạng nằm trong nhóm các hành vi bị nghiêm cấm.
Điều này nhằm để bảo đảm quyền riêng tư của người nhận, người hiến tạng cũng như gia đình hai bên, tránh các tình huống khó xử và gánh nặng cảm xúc có thể xảy ra, chẳng hạn như cảm giác ban ơn hoặc mắc nợ…
Vì vậy, hãy tưởng tượng nếu bạn tỉnh dậy từ phòng phẫu thuật với một quả tim được hiến tặng từ một người lạ tốt bụng, bạn sẽ không có cách nào để biết danh tính người đó là ai?
Các bác sĩ sẽ không nói cho bạn, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia sẽ giữ hồ sơ đó trong bí mật. Pháp luật sẽ bảo vệ thông tin và cắt đứt tất cả các kết nối giữa bạn và người hiến tặng.
Thế nhưng, có một kết nối mà không một văn bản hay quy định nào của con người có thể cắt đứt được. Một sợi chỉ "tâm linh" dường như có thể gắn kết người người nhận tạng và người hiến tặng, một khi trái tim của họ được cấy vào lồng ngực của một người khác.
Bạn có thể tưởng tượng được không? Trái tim – chính trái tim của người hiến tặng đang đập trong lồng ngực của bạn – có thể lưu giữ trí nhớ và kí ức của người chủ cũ. Nó sẽ mách bảo bạn, chỉ đường dẫn lối cho bạn tìm được về nhà chủ nhân trước đó của mình.
Câu chuyện có thật này nằm trong số những bí ẩn khó hiểu nhất của y học trong thế kỷ 20, mà cho tới tận bây giờ, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng đi tìm một lời giải thích thỏa đáng.
Chuyện bắt đầu vào năm 1988, Claire Sylvia, 47 tuổi, khi đó trở thành người phụ nữ đầu tiên ở vùng New England, đông bắc nước Mỹ, được ghép cùng lúc trái tim và hai lá phổi.
Ca phẫu thuật được đánh giá là tiên tiến nhất ở thời điểm đó, một phép màu của y học, đã biến Sylvia trở thành người nổi tiếng bất đắc dĩ. Báo chí đã săn đón cô nhiệt tình đến nỗi, khi Sylvia còn đang phục hồi ở Khoa Chăm sóc đặc biệt (ICU), một phóng viên đã xin phép được vào phỏng vấn cô.
Trong buổi phỏng vấn hôm đó, Sylvia đã kể về bệnh tăng huyết áp phổi của cô, lý do khiến cô phải cấy ghép tim phổi. Có một khoảnh khắc Sylvia nằm hấp hối trên giường bệnh với lồng ngực trống rỗng. Cả trái tim và hai lá phổi của cô đã được các bác sĩ mổ loại và nhấc ra ngoài để ngăn ngừa nguy cơ tử vong vì cục máu đông.
Toàn bộ sự sống của Sylvia khi đó được duy trì bởi một cỗ máy tim phổi nhân tạo ECMO, trong khi, trái tim và hai lá phổi mới của cô ấy vẫn còn đang ở... trên trời. Chúng đang được vận chuyển đến New England bằng một chiếc Learjet, chuyên cơ phản lực hiện đại nhất thời điểm đó.
Câu chuyện đến đây đã quá đủ kịch tính cho một bài báo, về một thành tựu y học tiên tiến bậc nhất, một bệnh nhân được các bác sĩ cứu sống một cách thần kỳ, có thể được bất kỳ tòa soạn nào nhận đăng trên trang nhất.
Thế nhưng, đó mới chỉ là phần mở đầu cho một bí ẩn thậm chí còn kịch tính hơn, tồn tại xuyên qua hai thế kỷ. Bí ẩn được mở ra từ câu hỏi cuối cùng mà nhà báo đã hỏi Sylvia:
- Bây giờ, cô đã có được phép màu này rồi, liệu cô còn có mong muốn nào nữa không?
- Thực ra, tôi đang thèm bia chết đi được, cô ấy buột miệng.
***
Ngay tại khoảnh khắc đó, Sylvia cho biết cô đã rất xấu hổ. Sylvia không định nói thế, nhưng có một thế lực nào đó đã thôi thúc cô thốt ra câu trả lời này. Sylvia chưa từng là một người phụ nữ thích uống bia. Nhưng sau khi tỉnh lại từ ca phẫu thuật, cô ấy đã thèm bia kinh khủng khiếp.
Không chỉ có thế, cô còn thèm ăn thêm cả kẹo Snickers, ớt xanh và gà McDonald's – những món ăn mà cô chưa từng thích ăn.
Và đó chưa phải là những thay đổi kỳ lạ nhất. Trái tim và lá phổi mới đang ở trong lồng ngực Sylvia khiến cô ấy cảm thấy mình khỏe mạnh hơn bao giờ hết. "Trước đây tôi bị ốm vặt rất nhiều, nhưng kể từ khi có trái tim mới, tôi hiếm khi bị ốm", cô nói.
Sau đó thì con gái Sylvia là người đầu tiên nhận thấy những thay đổi tinh tế hơn trong tính cách của mẹ mình. Cô ấy mô tả Sylvia có dáng đi nam tính hơn, cô ấy trông tự tin hơn và có mùi cơ thể nặng hơn. Càng ngày, cô càng thấy mẹ mình trở nên nam tính.
Thừa nhận tất cả những điều đó, Sylvia nói: "Mặc dù vẫn cảm thấy nam giới quyến rũ, sau khi được ghép quả tim mới, tôi không cảm thấy mình cần phải có một người đàn ông nữa".
Thay vào đó, Sylvia cảm thấy mình bị hấp dẫn bởi những cô gái tóc vàng, trẻ trung và phổng phao. Có một lần, Sylvia đã vô tư mời một cô gái mới quen về nhà mình. Sau đó, cô gái đó nghĩ rằng Sylvia đã muốn ngủ với cô ấy. Điều này khiến Sylvia rất bối rối, không biết mình đã cư xử như thế nào để cô gái ấy nghĩ vậy.
"Sở thích tình dục của tôi không thay đổi một cách lộ liễu bên ngoài - tôi vẫn là người dị tính - nhưng có điều gì đó sâu sắc bên trong tôi đã thay đổi. Và tôi có thể nói rằng những người khác cũng cảm nhận được điều đó", cô nói.
Sau khi được các bác sĩ giải thích về sự thay đổi bên trong cơ thể mình, Sylvia có thể hiểu một số trong đó - chẳng hạn như việc cô đang mọc râu – là một tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép.
Nhưng cô không tin rằng các loại thuốc mà cô đang phải sử dụng sau phẫu thuật là nguyên nhân cho tất cả sự biến đổi bên trên và bên trong cơ thể mình. "Tôi cảm thấy như đang có một linh hồn thứ hai bắt đầu chia sẻ chung cơ thể này với tôi", Sylvia nói.
Nhận được nội tạng hiến tặng không chỉ là một trải nghiệm lý tính thuần túy đối với cơ thể. Khi bạn nhấc một trái tim đang đập ra khỏi lồng ngực của ai đó và đặt nó vào bên trong lồng ngực của một người khác, đó không đơn thuần là việc lắp một chiếc máy bơm vào bể nước.
Thậm chí, các bệnh nhân từng được cấy ghép một trái tim nhân tạo bằng titan cũng không có nhiều cảm xúc phức tạp như người nhận được trái tim hiến tặng. Nhận nội tạng sẽ tạo ra một loạt trải nghiệm tâm lý vô cùng sâu sắc nhất là khi nói đến trái tim, một biểu tượng văn hóa lâu đời cho cảm xúc và tâm hồn của loài người.
Các khảo sát trên bệnh nhân nhận tạng cho thấy cảm xúc thường thấy nhất của họ là lòng biết ơn. Điều này phát sinh từ nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa và sự kết nối với nguồn gốc của "món quà" sự sống mà họ đã được trao tặng.
Các nhà tâm lý học cho biết khi một người nhận được một ân huệ lớn lao, họ thường có nhu cầu mạnh mẽ để trả ơn hoặc ít nhất là hiểu rõ người đã ban ơn cho họ. Họ muốn biết câu chuyện của người đã mang lại cho họ cơ hội thứ hai, không chỉ để tưởng nhớ mà còn để giúp họ đối mặt với trách nhiệm trong cuộc sống mới của mình.
Thế nhưng, đi kèm với lòng biết ơn là một khao khát thậm chí còn mãnh liệt hơn về danh tính thực sự của người hiến tạng. Từ góc độ tâm lý học, nhu cầu này có thể được giải thích thông qua các khái niệm về tính đồng nhất cá nhân và sự toàn vẹn tự thân.
Theo nhà tâm lý học người Đức Erik Erikson, mỗi cá nhân luôn khao khát duy trì sự toàn vẹn của bản thân và một ý thức rõ ràng về việc "tôi là ai". Nhưng khi một người nhận nội tạng cấy ghép, điều đó có thể dẫn đến sự đứt đoạn trong nhận thức về bản thân, vì giờ đây, cơ thể họ đã mang theo một phần cơ thể từ người khác.
Khi nhận thức về tính đồng nhất cá nhân của người nhận tạng ghép bị phá vỡ, họ sẽ hoài nghi về sự tồn tại của mình như một bản thể toàn vẹn.
Các lý thuyết của Carl Jung cũng có thể giải thích hiện tượng này qua khái niệm vô thức tập thể, nơi những trải nghiệm của một cá nhân có thể được kết nối với những trải nghiệm của người khác.
Đối với người nhận tạng, điều này có thể lý giải tại sao họ cảm thấy mối liên kết sâu sắc với người hiến tặng, mặc dù đó là một người hoàn toàn xa lạ mà họ chưa từng gặp mặt bao giờ. Sự hiện diện của nội tạng từ người khác trong cơ thể mình có thể gợi lên cảm giác về một kết nối vô hình, một mối quan hệ chưa được xác định nhưng lại rất thực tế trong tiềm thức.
Mối quan hệ tưởng tượng này tạo ra một sự gắn kết sâu sắc về mặt tinh thần. Vì vậy, tìm hiểu về người hiến giúp người nhận nội tạng hình thành một câu chuyện, mang lại cảm giác rõ ràng hơn về danh tính của chính mình và đồng thời, giúp họ xử lý cảm xúc về sự thay đổi mà họ đang trải qua.
Đối với Sylvia, người phụ nữ đã nhận được cả trái tim và hai lá phổi từ người hiến tặng giấu mặt, khao khát đó càng trở nên mãnh liệt. Cô tự ví mình như một quả trứng Humpty Dumpty đã bị vỡ ra, sau đó được các bác sĩ ghép lại từ những bộ phận cơ thể của người khác.
"Con người mới được tái tạo đó không còn là chính tôi", Sylvia nói. "Trong sâu thẳm thâm tâm, bản thể tôi không chỉ còn là chính tôi nữa".
Viết trong cuốn hồi ký "A Change of Heart", Sylvia cho biết hành trình đi tìm danh tính người đã hiến tặng trái tim của mình cho cô gần như là vô vọng. Tại Mỹ, luật pháp rất nghiêm ngặt trong việc bảo vệ danh tính của người hiến tạng nhằm đảm bảo sự riêng tư và an toàn cho cả người hiến và người nhận.
Luật liên bang và các chính sách của tổ chức như Mạng lưới Chia sẻ Nội tạng Hoa Kỳ (UNOS) đều quy định rõ ràng thông tin cá nhân của người hiến và người nhận phải được bảo mật tuyệt đối. Điều này bao gồm tên, địa chỉ, và bất kỳ thông tin cá nhân nào khác có thể xác định danh tính của họ.
Người nhận tạng thường có thể được cung cấp thông tin tổng quát về người hiến, như giới tính, độ tuổi, và tình trạng tử vong của người hiến, nhưng danh tính chính xác của họ sẽ không được tiết lộ.
Nếu bệnh nhân muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình, các bác sĩ chỉ có thể hướng dẫn họ viết thư cho người hiến tạng hoặc gia đình họ. Một tổ chức trung gian thường là bệnh viện hoặc cơ quan điều phối tạng ghép sẽ kiểm tra lá thư này, đảm bảo tính ẩn danh của nó sau đó mới gửi tới người nhận.
Một lần nữa, các quy trình được thực hiện rất chặt chẽ để không vi phạm quy định bảo mật.
Sylvia cho biết khi cô hỏi bác sĩ về trái tim đang đập trong lồng ngực mình, phía bệnh viện chỉ cung cấp cho cô biết nó thuộc về một nam thanh niên 18 tuổi, sống ở Maine, và qua đời trong một vụ tai nạn xe máy.
Điều này có thể giúp Sylvia giải thích những thay đổi tinh tế xảy ra trong cơ thể của cô như thèm bia, kẹo Snickers và gà McDonald's. Nó cũng có thể là lý do khiến cô ấy trở nên nam tính hơn và bị thu hút bởi những cô gái tóc vàng nóng bỏng.
Các nhà tâm lý học cho biết những thông tin mà bác sĩ cung cấp có thể đã kích hoạt một cơ chế tự kỷ ám thị, khiến Sylvia tự thuyết phục bản thân rằng mình thừa hưởng những đặc điểm tính cách hay sở thích từ người hiến tặng.
Nhưng nó không thể giải thích được việc cô ấy tìm ra được tên của chàng thanh niên đã hiến trái tim cho mình, bắt đầu từ một giấc mơ vào tháng thứ năm sau cuộc phẫu thuật.
"Trong giấc mơ đó, tôi đang ở một nơi ngoài trời đầy cỏ, lúc đó là mùa hè, và tôi ở cùng một chàng trai trẻ cao gầy với mái tóc màu vàng cát. Tên anh ấy là Tim - có thể là Tim Leighton, nhưng tôi không chắc. Tôi nghĩ anh ấy là Tim L. Chúng tôi có vẻ là bạn tốt.
Khi tôi bước đi khỏi anh ấy, tôi cảm thấy có điều gì đó còn dang dở giữa chúng tôi. Tôi quay lại để tạm biệt và chúng tôi hôn nhau. Có cảm giác như đó là hơi thở sâu nhất mà tôi từng hít vào. Trong khoảnh khắc đó, hai chúng tôi đã vĩnh viễn hòa vào làm một", cô viết trong hồi ký.
Sau khi tỉnh dậy từ giấc mơ, Sylvia chắc chắn rằng chàng trai đó là người đã hiến tặng trái tim và lá phổi cho mình. "Một phần linh hồn và tính cách của cậu ấy bây giờ đã ở trong tôi", cô nói với một người bạn. Người sau đó đã gợi ý cho Sylvia, họ có thể tìm kiếm trên báo chí vào thời điểm cô được phẫu thuật, để xem liệu có ai tên là Tim L, 18 tuổi và tử vong ở Maine không?
Kết quả thật bất ngờ, họ đã tìm ra một người: Tim Lamirande, 18 tuổi, sống ở Saco, Maine có thông tin trùng khớp.
Ngay lập tức, Sylvia viết thư cho gia đình Lamirande để hỏi liệu có phải con trai họ đã hiến tặng trái tim và hai lá phổi ngay sau khi mất vì tai nạn xe máy hay không? Nếu có, cô muốn được gặp họ, bởi Sylvia chính là người đang mang trái tim của chàng trai xấu số.
Cuộc gặp gỡ sau đó đã thực sự diễn ra tại một nhà hát ở Boston, nơi gia đình Lamirande đang sinh sống. Sylvia đã gặp bố, mẹ và anh chị em của Tim Lamirande. Tất cả đều xác nhận đặc điểm ngoại hình của chàng trai mà cô đã mơ thấy, sở thích đồ ăn nhanh và mẫu hình bạn gái lý tưởng của anh ấy đều trùng khớp.
Khi được hỏi lại: "Làm sao cô biết Tim chính là người đã hiến tạng cho mình?", Sylvia chỉ trả lời:
"Đôi khi bạn chỉ đơn giản là biết. Đó là những gì mà bạn tin tưởng. Đặc biệt nếu bạn là người tin vào tâm linh. Bạn không thể nhìn thấy tình yêu, bạn không thể chạm vào nó, bạn không thể ngửi thấy nó. Nhưng bạn biết rằng tình yêu có ở đó. Nó chỉ phụ thuộc vào những gì mà bạn tin tưởng".
Trên thực tế, Sylvia không phải là bệnh nhân duy nhất trải nghiệm những ký ức của người hiến tạng. Một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Near-death Studies đã báo cáo 10 trường hợp kỳ lạ được ghi nhận, trong đó, người nhận tạng ghép có những thay đổi tính cách hoặc ký ức tương đồng với người hiến tặng.
Một báo cáo kể về trường hợp của cậu bé 5 tuổi tên là Daryl, người từng nhận được một quả tim hiến tặng từ một cậu bé 3 tuổi. Sau cuộc phẫu thuật thành công của Daryl, cha mẹ cậu bé quan sát thấy con mình không còn chơi đồ chơi Power Ranger nữa, những con búp bê hình siêu nhân trước đây mà cậu bé rất thích.
Daryl sau đó kể rằng mình hay mơ thấy một người bạn nhỏ tuổi tên là "Timmy". Timmy kể với Daryl rằng cậu rất đau vì vừa bị ngã. Các giấc mơ lặp đi lặp lại của Daryl khiến cha mẹ cậu phải cất công tìm hiểu.
Sau đó, họ đã gặp được gia đình của cậu bé đã hiến tim cho con trai mình. Cậu bé tên là Thomas, nhưng có tên gọi ở nhà chính xác là "Tim". Mẹ của Tim kể lại rằng cậu bé đã bị ngã khỏi cửa sổ và tử vong khi đang cố gắng với lấy đồ chơi siêu nhân Power Ranger.
Các trường hợp tương tự không quá hiếm gặp. Một nghiên cứu trên tạp chí Transplantology khảo sát 47 người từng ghép tạng và phát hiện 89% trong số đó đã trải qua những sự biến đổi kỳ lạ về tính cách.
Vậy khoa học sẽ giải thích những trường hợp này như thế nào, mời bạn đọc đón xem trong kỳ tiếp theo: Khoa học hay tâm linh: Lời giải thích nào cho những ký ức song song của người nhận tạng ghép?
Thanh Long