Bad Parenting 1: Mr. Red Face (tạm dịch: Cha mẹ tồi: Ông Mặt Đỏ) là tựa game Việt đang gây sốt và được đánh giá cao trong giới game thủ toàn cầu nhờ cốt truyện để lại nhiều suy nghĩ và cảm xúc.
Câu chuyện ám ảnh trong “Bad parenting”
Nhân vật chính của game là Ron, một cậu bé mồ côi tình cảm trong chính tổ ấm của mình. Câu chuyện bắt đầu vào ngày sinh nhật của Ron nhưng không một ai nhớ đến. Người mẹ, vốn là ngọn lửa ấm áp của gia đình, đã kiệt sức sau một ngày bươn chải mưu sinh đến mức quên mất ngày vui của con trai cùng những nhiệm vụ làm mẹ. Để tránh né câu hỏi về quà sinh nhật của con, mẹ Ron kể cho cậu nghe câu chuyện về Ông Mặt Đỏ sẽ xuất hiện lúc nửa đêm để tặng quà cho những đứa trẻ ngoan và nếu Ron muốn nhận quà thì phải đi ngủ sớm.
Bóng tối của đêm sinh nhật lẻ loi càng trở nên đáng sợ khi hình ảnh Ông Mặt Đỏ, tựa như một gã quái vật từ truyện cổ tích, xuất hiện và tặng cậu bé một món quà quái dị - một con búp bê trông giống cậu với chiếc cổ lặc lìa.
Câu chuyện kinh hoàng cuối cùng cũng phơi bày khi mẹ Ron phát hiện thi thể của con trai trong tủ quần áo. Hóa ra Ông Mặt Đỏ chính là bố Ron, một gã đàn ông nghiện rượu trong cơn say mất trí đã tước đoạt sinh mạng của chính đứa con trai mình.
Khi kết cục của game đóng lại, người chơi nhìn thấy Ron trong một thế giới u minh, nơi cậu bé và những đứa trẻ khác chia sẻ nỗi đau từ những tổn thương không thể chữa lành, những linh hồn bé nhỏ đã mất đi cơ hội tận hưởng tình yêu thương và sự bảo bọc của chính cha mẹ mình.
Cái kết tăm tối của game để lại nhiều khắc khoải trong lòng người chơi. Mặc dù cốt truyện của game là hư cấu và lấy chất liệu từ bi kịch của nhiều gia đình Việt nhưng trên các mạng xã hội, nhiều người nói rằng câu chuyện này khiến họ liên tưởng đến vụ án có thật về một đứa trẻ đã mất đi mạng sống của mình dưới tay người thân yêu nhất, trong chính gia đình mình.
Vụ án “Cậu bé trong tủ” Gabriel Fernandez
Gabriel Fernandez là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong những bình luận về game “Bad Parenting”, nhiều người cho rằng câu chuyện trong game được xây dựng dựa trên cái chết thương tâm của cậu bé.
Sinh ngày 20/2/2005, tại Palmdale (California, Mỹ), Gabriel Fernandez đã có một cuộc sống khó khăn ngay từ khi mới lọt lòng. Mẹ của cậu bé, Pearl Fernandez, không muốn có thêm con và thậm chí đã bỏ cậu lại bệnh viện.
Là đứa con sinh ra ngoài ý muốn, Gabriel đã dành phần lớn cuộc đời mình sống với ông cậu và bạn đời đồng giới của ông. Sau đó, cậu bé chuyển đến sống với ông bà ngoại. Nhưng vào năm 2012, dù phải đối mặt với những cáo buộc đánh con gái và bỏ bê việc cho con ăn, Pearl Fernandez đột nhiên khăng khăng rằng Gabriel không được người thân chăm sóc đúng cách và muốn đón cậu bé về, mục đích là để hưởng phúc lợi xã hội từ việc nuôi con. Bất chấp sự phản đối của ông bà Gabriel, Pearl đã đưa cậu bé trở lại nhà mình vào tháng 10/2012. Tại đó, Gabriel sống với mẹ, bạn trai của mẹ là Isauro Aguirre, và hai anh chị lớn hơn, Ezequiel (11 tuổi) và Virginia (9 tuổi)
Ngay sau đó, Jennifer Garcia, giáo viên lớp một của Gabriel tại trường tiểu học Summerwind ở Palmdale, bắt đầu nhận thấy cậu bé có dấu hiệu bị bạo hành. Thậm chí, chính cậu bé cũng từng hỏi cô giáo rằng: “Có bình thường không khi mẹ đánh con?”; “Nếu mẹ đánh con bằng đầu khóa thắt lưng thì sao?”; “Con bị chảy máu như vậy có bình thường không?”. Sau giờ học hôm đó, Jennifer đã gọi đến đường dây nóng về bạo hành trẻ em và được kết nối với một nhân viên xã hội tên là Stefanie Rodriguez. Mặc dù ban đầu Jennifer cảm thấy yên tâm, nhưng tình trạng bạo hành đối với Gabriel Fernandez dường như vẫn tiếp diễn.
Một ngày nọ, cậu bé đến lớp với những mảng tóc bị mất. Một ngày khác, Gabriel xuất hiện với một vết thương ở môi và nói với Jennifer rằng mẹ đấm cậu. Và vào tháng 1/2013, cậu bé đến trường với những vết bầm tím tròn trên mặt và thừa nhận với Jennifer rằng mẹ cậu đã bắn cậu bằng súng hơi. Jennifer liên tục liên lạc với Rodriguez, nhưng nhân viên xã hội này nói rằng cô ấy không thể thảo luận về chi tiết vụ việc của Gabriel. Stefanie thực tế đã đến thăm nhà Fernandez, nhưng Gabriel thường rút lại lời khai của mình và Stefanie nhận thấy những đứa trẻ tại nhà dường như "ăn mặc phù hợp, trông có vẻ khỏe mạnh và không có bất kỳ vết thương hay bầm tím nào".
Đáng buồn thay, tình trạng bạo hành mà cậu bé phải chịu đựng thực sự tồi tệ hơn nhiều so với những gì Stefanie hay thậm chí Jennifer nhận ra. Gabriel Fernandez thường xuyên bị mẹ và bạn trai Aguirre hành hung nghiêm trọng. Việc này đã xảy ra trong suốt tám tháng. Đôi khi, họ nhét một chiếc tất vào miệng Gabriel và trói tay chân cậu lại, sau đó nhốt cậu bé trong một chiếc tủ nhỏ hẹp mà họ gọi là "cái chuồng". Họ gọi cậu bé là “đồ đồng tính”, trừng phạt cậu bé bất cứ khi nào thấy cậu chơi với búp bê, và buộc cậu bé phải mặc váy. Theo lời kể của anh chị em Gabriel, Ezequiel và Virginia, cặp đôi này cũng bắt cậu bé ăn nhiều thứ không phải thức ăn, bắt cậu chạy trốn khỏi súng hơi, và đánh mạnh đến mức cậu không thể thở được.
Tháng 5/2013, mẹ của Gabriel Fernandez và bạn trai của cô ta cuối cùng đã đánh đập dã man cậu bé 8 tuổi đến chết. Ngày 22/5/2013, Pearl Fernandez đã gọi 911 để báo cáo rằng Gabriel không thở được. Các nhân viên y tế đến và phát hiện cậu bé bị gãy xương sườn, vỡ hộp sọ, mất răng và có vết thương do đạn súng hơi trên cơ thể.
Kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy Pearl Fernandez và Isauro Aguirre đã tra tấn cậu bé 8 tuổi bằng súng hơi, bình xịt hơi cay, móc áo và gậy bóng chày. Gabriel Fernandez đã qua đời hai ngày sau đó vì chấn thương cùn do bị tra tấn cùng với thể trạng suy kiệt vào ngày 24 tháng 5 năm 2013.
5 năm sau cái chết của Gabriel, vào năm 2018, Pearl Sinthia Fernandez bị tuyên án chung thân không khoan hồng còn Isauro Aguirre nhận án tử hình. Năm 2020, Netflix phát hành bộ phim tài liệu “The Trials of Gabriel Fernandez” công bố toàn bộ chi tiết, tư liệu và những cuộc phỏng vấn liên quan đến vụ án mạng khiến dư luận lần nữa bàng hoàng về cuộc đời đáng thương cũng như tội ác đáng sợ của cặp đôi cha mẹ.
---
Mặc dù có những nét tương đồng giữa vụ án của Gabriel Fernandez với câu chuyện về Ron nhưng khó có thể nói rằng cốt truyện của “Bad Parenting 1: Mr. Red Face” được xây dựng dựa trên một án mạng cụ thể. Điều đáng buồn là, ở đâu đó trên thế giới này, vẫn luôn có những đứa trẻ phải sống trong địa ngục trần gian ở chính gia đình mình.
Ái Vi